Trang nghiêm lễ khánh thành giai đoạn I tổ đình Phi Lai

GNO - Sáng 20-3 (15-2-Kỷ Hợi), tổ đình Phi Lai (xã Núi Voi, H.Tịnh Biên, An Giang) trang nghiêm tổ chức lễ khánh thành giai đoạn I và húy nhật lần thứ 86 ngày tổ Như Hiển - Chí Thiền viên tịch.

H03.jpg


Cung nghinh chư tôn đức quang lâm buổi lễ

Quang lâm chứng minh và tham dự có Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM; HT.Thích Giác Tường, UVTT HĐCM; chư tôn Hòa thượng Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tổ chức; HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thanh Nhiễu - đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; chư tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS: HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Đào Như, TT.Thích Thiện Thống; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I; HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phóng II; HT.Thích Huệ Tài, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh An Giang;  chư tôn đức ban ngành, viện T.Ư; BTS GHPGVN các tỉnh thành cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tòng lâm, tự viện và môn hạ của tổ đình Phi Lai.

H04.jpg


Chư tôn đức chứng minh

Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Lương Hoài Nhân, Trưởng ban Công tác phía Nam UBTƯ MTTQVN; ông Trà Quang Thanh, Vụ phó Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trương Hoàng Trọng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang; ông Lê Tùng Châu, Phó ban Tôn giáo tỉnh; ông Nguyễn  Văn Trãi, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Q.3; ông Trần Bá Phước, Phó Chủ tịch UBND H.Tịnh Biên cùng đông đảo Phật tử tham dự.

H19.jpg
Đại biểu tham dự

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Thiện Nhơn, Trưởng ban Kiến thiết tổ đình cho biết, tổ đình Phi Lai do dân làng Tú Tề thành lập năm 1786. Đầu thế kỷ XX - năm 1900, trên bước đường du hóa, Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền đã trụ tích tại đây, kiến lập đạo tràng hoằng dương Phật pháp. Vì vậy, chùa Phi Lai được coi là một trong những điểm nhấn của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Tổ Lê Khánh Hòa khởi xướng.

Năm 1945, do yếu tố thời cuộc nên chùa Phi Lai bị thiêu hủy hoàn toàn; năm 1947 trước sự hoang tàn đổ nát của tổ đình, chư tôn đức trong môn phong do HT.Thích Thiện Tòng, HT.Thích Thiện Tường và NS.Diệu Kim đứng ra vận động xây dựng lại trên nền chùa cũ nhưng về quy mô khiêm tốn hơn nhiều.

Năm 2018, Ban Kiến thiết tổ đình được thành lập và tiến hành đặt đá đại trùng tu chùa tổ. Nhân ngày húy nhật lần thứ 85 của tổ sư, như tấm lòng của hậu thế dâng lên cúng dường ngài để tưởng niệm ân giáo hóa, HT.Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.

H07.jpg


HT.Thích Trí Quảng tặng hoa chúc mừng tới HT.Thích Thiện Nhơn

H08.jpg
H09.jpg


HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Thiện Pháp tặng hoa chúc mừng;
HT.Thích Thiện Đức thay mặt ban tổ chức đón nhận

H12.jpg
Lẵng hoa của Ban Tôn giáo Chính phủ cùng nhiều lẵng hoa chúc mừng khác

Theo báo cáo công tác xây dựng được trình chiếu tại buổi lễ, sau 8 tháng thi công, dưới sự hỗ trợ của chư tôn đức HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh An Giang và các tỉnh thành; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo chính quyền và sự phát tâm tài trợ của quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingoup; tập đoàn An Viên và quý Phật tử, mạnh thường quân gần xa, đến nay công trình chánh điện 1 trệt 1 lầu gồm 7 mái cổ lầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với chiều dài 58,8 mét và chiều ngang 33,4 mét, tổng diện tích là 3.997 m2 .

Theo thiết kế, tầng 1 là chánh điện, tổ đường; tầng trệt sử dụng làm trai đường và phòng ở chư Tăng. Hiện nay còn tổ đường, đông lang, tây lang và nhà lưu niệm vẫn đang còn chờ giải phóng mặt bằng và tiếp tục xây dựng.

H17.jpg


HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ

Ban đạo từ cho buổi lễ, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã nêu lại những điểm đặc biệt trong hành trạng của Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền. “Việc ôm xá-lợi của thầy rời khỏi chốn tổ Giác Lâm - Giác Viên để về vùng thất sơn tu tập, qua đó thể hiện được tình người và tình đạo của Tổ”, Hòa thượng nói.

Một điểm nổi bật nữa theo Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng cần suy nghiệm ở tổ là việc phát nguyện mỗi ngày đẩy 100 xe đất để xây dựng chùa tổ Giác Viên (TP.HCM) - “điều này khó có người nào trong chúng ta làm được”.

Hòa thượng chia sẻ thêm, chùa Phi Lai còn là nơi xuất thân của những vị lãnh đạo Phật giáo như cố HT.Thích Thiện Hoa, cố HT.Thích Trí Tịnh, cố HT.Thích Từ Nhơn và HT.Thích Thiện Nhơn - đều là môn hạ từ chốn tổ này. Đến nay, nhân duyên hội đủ mới chính thức đại trùng tu chốn tổ, mà chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành giai đoạn I, đây chính nhờ sự hộ niệm của Phật, chư tổ và sự ủng hộ của các bậc thiện thần.

Hòa thượng chứng minh còn chỉ dạy, môn hạ tổ đình Phi Lai nên họp lại, cử HT.Thích Thiện Nhơn làm trưởng tông phong để phát triển đạo mạch của tổ đức và làm rạng danh chốn tổ.

H18.jpg
H20.jpg


Chư tôn đức và đại biểu dự lễ

H21.jpg
Cắt băng khánh thành

H22.jpg

H24.jpg
Niệm hương tại chánh điện tổ đình

H23.jpg

Buổi lễ đã đón nhận những lẵng hoa chúc mừng và dâng lên cúng dường tổ sư cùng tịnh tài từ BTS các tỉnh thành cũng như cá nhân phát tâm hỷ cúng để tiếp tục việc trùng kiến các giai đoạn còn lại của tổ đình Phi Lai trong thời gian tới.

Tổ Phi Lai thế danh là Nguyễn Văn Hiển, pháp hiệu Chí Thiền. Ngài sinh tháng 2 năm Tân Dậu (1861) tại Quảng Nam (xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên), trong một gia đình nhiều đời làm quan triều đình và có lòng kính tin Phật pháp. Ông nội là Hộ quốc công Nguyễn Công Thành, dưới triều Tự Đức, thân phụ ngài là quan Tổng trấn Quảng Nam, rất được lòng dân.

Ngài lớn lên trong sự giáo dục nghiêm ngặt theo đúng truyền thống gia phong, văn võ song toàn, trí đức ngời sáng. Tuy ở dinh Tổng trấn với nếp sống quyền quý, nhưng ngài vốn bản tính hiền hậu hay giúp đỡ mọi người. Giữa lúc thiếu niên đang cần sự dạy bảo của phụ thân thì ông qua đời, ngài phải nương dựa vào mẹ và tiếp tục phấn đấu học hành tiến thủ.

H16.jpg
TT.Thích Thiện Thống cung tuyên tiểu sử Tổ Phi Lai

Năm Mậu Dần (1878), khi ngài 18 tuổi, vua sắc chỉ trọng dụng con công thần làm quan, ngài được bổ nhậm làm quan Hậu bố tại hạt Khánh Hòa. Tuy làm quan, có tài kinh lược, nhưng ngài vẫn không cảm thấy thích thú với quan lộ như truyền thống gia đình. Ngài bí mật tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Khi phong trào tan rã, ngài lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp.

Năm Tân Tỵ (1881) tại nơi lánh nạn này, ngài cảm nhận được sự vô thường, danh lợi như chiếc bóng thoáng qua, chiêm nghiệm thực cảnh biển dâu, thống khổ bấy giờ chỉ là giấc mộng, chí xuất trần bộc phát nên đã đến chùa Giác Viên Chợ Lớn xin xuất gia học đạo với Tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm, được Tổ ban pháp hiệu Chí Thiền, pháp danh Như Hiển.

Cuộc đời của Tổ Phi Lai còn rất nhiều hành trạng bí mật trong việc giúp đỡ các phong trào yêu nước chống Pháp và những pháp thuật cứu đời. Học thức uyên thâm và đức độ của ngài đã cảm hóa không biết bao nhiêu người trở thành đệ tử, quy y theo Phật, xuất gia học đạo và thế hệ kế thừa ngài là những vị Tăng tài xuất chúng, đóng góp cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam rạng rỡ huy hoàng.

Năm Quí Dậu (1933), ngài thọ bệnh và an dưỡng tại thiền sàng. Ngài ứng hẹn vào vía Phật nhập Niết-bàn sẽ viên tịch. Quả đúng như thế, đến ngày rằm tháng 2, sau khi dặn dò các đệ tử, ngài chắp tay nói câu kệ: “Nhứt niệm viên quang tội tánh không; Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh”, rồi an nhiên thâu thần thị tịch. Ngài trụ thế 73 năm, hành đạo 52 năm, bảo tháp của ngài được xây tại chùa Phi Lai Châu Đốc.

Tin ảnh: Quảng Hậu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày