Trên vai con ngôi sao ba rơi rụng!

GN - Ba yêu thương!

Một ngày mới của con bắt đầu khi tất cả còn chìm sâu trong giấc ngủ. Ngày sẽ lại bình yên biết bao khi nơi đây, trong ngôi nhà chúng ta, ba vẫn ở đấy, vẫn mạnh khỏe và đón con về. Nhưng… tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm, ba đã đi thật rồi, phải không ba? Con vẫn biết đời là vô thường và ba ra đi như quy luật tự nhiên của tạo hóa, thế nhưng tim con vẫn thấy đau nhói…                     

***

Khi con viết những dòng này cũng là lúc ba đã ở một nơi thật xa, ba đi về nơi con chưa từng biết đến, ba cũng chưa từng kể con nghe. Ngày ba đi, trời Quảng Ngãi đầy nắng nhưng sao trước mắt con chỉ còn lại giông gió và mây đen. Nhìn nụ cười hiền từ của ba trên di ảnh, nhìn ánh mắt mẹ trống trải vô hồn mà tim con lại quặn đau. Con thốt lên tên ba trong vô thức và thèm khát được một lần nghe thấy giọng nói của ba nhưng sẽ không bao giờ con có được điều đó nữa, vì… con đã mất ba rồi.

NGhiem thuan.jpg


Tác giả bên di ảnh của ba mình - Ảnh: TGCC

“… Có những ngày giữa đám cỏ xanh non

Con với tay lên bầu trời hỏi mẹ

Cánh diều đứt dây con nghe thật khẽ

Tiếng thở dài bởi lẽ mẹ không ba...”.

Ba ơi! Người ta vẫn thường nói - “nếu con người sau khi chết đi sẽ đến một nơi nào đó, thì chắc hẳn nơi đó phải là trái tim người khác” - vậy nên hãy tin con, rằng ba đi nhưng yêu thương với con luôn còn lại mãi, hôm nay và về sau…

Con còn nhớ như in ngày con lạy ba mẹ xuất gia để đi theo bước chân của Đức Như Lai, thực hiện sứ mệnh của người con Phật, mẹ đã khóc thật nhiều còn ba chỉ trầm tư, lặng lẽ. Đó là năm con 10 tuổi. Cái độ tuổi mà “con nhà người ta” đang được vui vầy bên ba, bên mẹ, được ngày đêm thủ thỉ đủ chuyện trên đời, thì con… Con không đếm được bao nhiêu lần con đã khóc, cũng chẳng biết bao nhiêu lần muốn từ bỏ. Con nhớ ba, nhớ mẹ, đôi khi chỉ thèm được ăn bát canh rau mẹ nấu, thèm được ngửi lấy mùi mồ hôi của ba sau ngày dài làm việc, thèm được khoe rằng ở lớp con rất ngoan, con được cô giáo và các bạn yêu thương… Nhưng tất cả chỉ là mơ ước mà thôi.

Có người từng hỏi con rằng: “Kỷ niệm nào bên ba mà thầy nhớ nhất?” - con… sựng người. Bao lâu rồi ba nhỉ, có lẽ đã quá nhiều năm chúng ta không được ở cạnh nhau, không được nhìn thấy nhau mỗi ngày, không được cùng ăn cơm, cùng chuyện trò, và những lần về thăm rồi lại ra đi trong vội vã cũng chẳng đủ để khỏa lấp nỗi nhớ mong. Và cũng quá nhiều năm để nỗi nhớ trong con nguôi dần. Con tập cách sống xa ba mẹ, tự lập và bản lĩnh hơn nhiều. Con biết ba vui và tự hào vì điều đó, phải không ba? Một mình nơi đất khách, có đôi lúc con tưởng như mình sẽ gục ngã, khó khăn cứ đan xen mà con thì chẳng thể ngỏ lời tâm sự với ai.

Thật ngốc khi đến tận bây giờ con mới nhận ra rằng mình đã muốn nói với ba hàng nghìn thứ mà không nói ra khi có dịp. Con chưa bao giờ kể cho ba nghe những gì con đã trải qua khi không có ba mẹ bên cạnh, con sợ… Sợ ba mẹ vì con mà bận lòng, mà lo lắng thêm, hay vì khoảng thời gian chúng ta xa nhau quá lâu để rồi con thấy khó mở lời, mọi thứ như bị chặn lại nơi cổ họng… Con cũng không biết nữa.

Thời gian cứ thế trôi đi, con dần lớn, chín chắn và trưởng thành hơn. Nhưng vì cứ mải trong vòng xoay đó mà rồi con quên mất, tóc ba thêm sợi bạc, gương mặt mẹ hằn thêm nhiều vết chân chim. Con đã từng đứng trước đông người và khuyên họ rằng: “Hãy nói với ba mẹ những điều các bạn chưa bao giờ nói, hãy chăm sóc ba mẹ như cách mà ba mẹ đã từng chăm sóc bạn, hãy nắm lấy đôi tay gầy guộc dầm nắng dầm mưa kia mà hôn lên đó cho xuể, cho tan hết những nhọc nhằn mà họ đã gánh chịu để nuôi bạn lớn khôn… Hãy nói rằng con yêu ba mẹ thật nhiều!”. Ba ơi, con đã từng nói những lời như thế, rất hay phải không ba?

Nhưng… con xin lỗi, xin lỗi vì chính ba mẹ con lại chưa từng được nghe con nói con yêu họ, chưa từng được một lần con nắm lấy đôi tay, dù là trong tích tắc, mà nếu có thì cũng là gượng gạo và thẹn thùng. Những cuộc điện thoại rồi cũng thưa dần, việc chùa và tỷ tỷ những việc khác đã vô tình làm con quên mất rằng có người vẫn hàng ngày đợi từng tiếng chuông điện thoại, đợi từng chuyến xe mỗi lần con nói con sẽ về… Cho đến khi ba nằm yên bất tỉnh, con thì trở nên bất lực khi đứng bên ba. Đặt bàn tay Người vào tay mình và nắm chặt để rồi con vỡ òa. Bàn tay của ba không còn là bàn tay to lớn của những ngày con còn nhỏ dại, nó xương xẩu và thô ráp đi nhiều. Con biết ba chưa từng trách móc cũng chưa từng hờn giận vì những vô tâm của con nhưng nỗi dằn vặt trong tâm trí con cứ thế mà lớn dần. Tại sao? Tại sao trước đây chưa từng nhận ra điều đó mà phải đợi đến khi ba không bao giờ tỉnh lại nữa, con mới hiểu… con sai rồi.

Ba ơi!

“Con từng viết rất nhiều thơ,

Tặng mẹ - người con yêu quý

Nhưng con chưa bao giờ nghĩ

Viết thơ để tặng cha mình

Biết bao những đóa hoa xinh,

Con tặng thầy cô, bè bạn

Nghĩ rằng cha không lãng mạn

Nên con chưa từng tặng cha”.

Thế đấy, khi người ta đánh mất đi điều gì đó thì mới nhận ra nó quan trọng đến thế nào. Nhưng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, nên đừng để những nuối tiếc, phiền muộn của quá khứ làm bạn quên đi những niềm vui của thực tại. Và ba ơi, mỗi khi con vấp ngã, mỗi khi con muộn phiền, mỗi khi và rất nhiều lần mỗi khi ấy, con sẽ đặt bàn tay lên ngực, con nghĩ tới máu huyết đang lưu chuyển trong cơ thể là kết tinh yêu thương của ba và mẹ nên con lại có bội lần sức mạnh để bước đi, tiến về phía trước như chưa từng cảm thấy mình thất bại. Lạnh nhất trên thế gian này không phải mùa đông, cũng không phải là vùng đất băng tuyết buốt giá như Nam cực, mà đó là khi trái tim con người ta không còn biết yêu thương nữa, phải không ba? Con sẽ lại lên đường, viết tiếp hành trình của cuộc đời mình và ba hãy đồng hành cùng con, ba nhé!

“Con ước đêm trăng tròn không xa

Ba sẽ về với con và với mẹ

Dẫu mái nhà đơn sơ nhỏ bé

Nhưng tiếng cười sẽ chẳng thấm xót xa...”.


Thích Nghiêm Thuận
(Trụ trì chùa Phù An, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

“Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu 2019, diễn ra từ 23-7 tới 23-9, mời gọi bạn đọc chia sẻ câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Từ ngày 16-8 đến 31-8, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được bài viết của các tác giả Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Nguyên Hiếu, Công Nguyễn, Minh Út, Nguyễn Nguyên An, Liên Khanh, Thích nữ Huyền Trúc, Mai Ngọc…

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.


Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày