GN - Sau tin Quốc vương Bhutan trồng 108.000 cây xanh nhân ngày đầy tháng của con trai - một việc lành nhân sự kiện trọng đại của gia đình hoàng gia và đất nước, trang PG-TT đã làm một khảo sát nhỏ với 30 Phật tử về ứng xử với ngày vui của mình.
Hầu như tất cả những người tham gia câu chuyện đều chia sẻ rằng, ngày vui của mình thì nên gieo nhân lành, trồng cây thiện để niềm vui nhân lên...
Hướng tới những giá trị thiện lành - Ảnh minh họa
“Ngày vui ai lại gây khổ đau!”
Bạn Trần Trung Tuyến, nhân viên truyền thông cho một công ty ở Q.1 (TP.HCM) nói như thế khi nhìn thấy xung quanh ai cũng tổ chức sinh nhật rình rang, nhậu nhẹt tưng bừng và những tiệc nhậu luôn đặt tiệc... mặn. “Nhiều người bạn trong công ty tôi đặt tiệc ở những nhà hàng hải sản cứ yêu cầu... tươi sống và đãi đằng rất tốn kém, ăn một bữa mà nhiều tiền quá chừng, lại say xỉn vô ích”, Trung Tuyến chia sẻ.
Còn chị Quỳnh Nga, nhân viên của một ngân hàng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, ngày thôi nôi con trai mình chị đã bế con lên chùa, cho sư phụ... sờ đầu cháu chúc phúc, rồi mang tất cả tiền mừng của ông bà, cô chú cúng dường và hồi hướng phước lành cho con. Chị nói: “Nuôi con bằng tình thương thật sự là phải làm những việc thiện lành cho con chứ không phải nhân danh ngày này ngày nọ của con cái mà tổ chức ăn uống, sát sinh hại vật. Điều đó chỉ làm tổn hại tới con mình chứ không được gì”.
Vợ chồng anh Chí Quốc và chị Hương Giang, là phóng viên của một tờ báo lớn, đang sống tại TP.Cần Thơ thì ngay khi biết tin vui sắp có em bé, thai nhi vừa được vài tháng đã phát nguyện tụng kinh, niệm Phật, cho con... nghe pháp, nghe nhạc thiền từ trong bụng mẹ. Nói về điều này, anh chị bày tỏ: “Ông bà mình dạy “Con vào dạ, mạ đi tu” là đã có ý giáo dục con ngay từ trong thai. Con cái được nuôi bằng năng lượng, thực dưỡng của ba mẹ nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều từ ba mẹ. Do đó, làm những việc lành có thể để con được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, bình an, sống tử tế - là điều mà tôi quan tâm, muốn trao cho con”.
Anh Quốc “bật mí”, cháu đầu của anh chị được thụ hưởng những điều tốt đẹp theo cách thai giáo, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn cho con theo tinh thần nhà Phật nên cháu rất ngoan lại thông minh, ngay từ nhỏ đã biết tỏ ra quan tâm, chăm sóc ba mẹ, để ý tới người khác.
Nhiều người khác, trong ý niệm làm điều lành cho ngày vui hoặc sự kiện hoan hỷ của mình cũng đều có những lý do thuyết phục vì tin định luật nhân-quả Phật dạy để ứng dụng, tin tưởng thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả đều chung tâm niệm: mình có được niềm vui là do nhiều nhân-duyên lành đưa tới, do vậy vì việc vui của mình mà gây ra điều dữ cho người khác, loài khác hoặc hoang phí thì sẽ... tổn hại phước đức, biến niềm vui thành duyên xấu bởi hành động thiếu quán chiếu của mình.
Cưới chay, sinh nhật góp tiền sẻ chia
Nhà thơ Thu Nguyệt trên trang thunguyetvn.com đã chia sẻ suy nghĩ về đám cưới, có đoạn: “Nghi lễ cần thiết nhất cho một đám cưới theo tôi chỉ cần nhà trai mang lễ vật thanh khiết như trà, bánh, hoa trái… (không nên mang lễ vật có tính giết chóc sát hại như heo quay, thịt thà, giò chả…) đến nhà gái để cúng gia tiên, trình lời hỏi cưới, công nhận cho đôi trẻ được chính thức trở nên chồng vợ, thiết lập mối quan hệ thân thiết giữa hai gia đình. Như vậy là đủ trang trọng và đầm ấm”.
Chính vì vậy, ngay trong thiệp cưới của con gái mình gửi báo hỷ cho bạn bè, thân hữu, chị chia sẻ chân thành: “Trong ngày vui, không nên sát sanh giết hại. Các con vật cũng biết sợ hãi, đau đớn quằn quại, oán hờn khi bị giết. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã bắt buộc phải ăn thịt cá; chúng ta tự gánh lấy trách nhiệm cho việc ăn uống giết chóc của mình đã là quá đủ, đừng dại gánh lấy thêm tội qua việc tạo điều kiện giết chóc cho nhiều người khác ăn. Một đám cưới tiệc chay thanh tịnh sạch sẽ nhẹ nhàng, không oán khí… sẽ góp phần tạo phước báu cho hạnh phúc của đôi vợ chồng và sức khỏe cho con cái họ sau này”.
Tháng 12-2015, trên trang PG-TT của Giác Ngộ cũng giới thiệu câu chuyện nhỏ của một Phật tử thuộc GĐPT Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) - chị Ngọc Hiển - nhân sinh nhật mình, chị đã cùng với một số bạn bè trao 30 phần quà tặng gồm bánh, nước, sữa, xúc xích đến những ông, bà, cô, chú, em đang phải vất vả với cuộc sống mưu sinh trên các tuyến đường.
Trong phần khảo sát nhỏ của mình, nhóm PV-CTV cũng ghi nhận nhiều gợi ý việc thiện khác, như ý của bạn Nguyễn Đức Phương (pháp danh Minh Phú), là một kỹ sư xây dựng đang làm việc tại Tây Ninh. Bạn nói, ngày sinh nhật thường sẽ... tắt máy điện thoại để đi mười chùa, sau đó mời vài người bạn đạo cùng tham gia phóng sinh rồi đãi bữa chay ấm áp. Làm việc đó, theo Đức Phương, không phải để cầu gì cho bản thân mà là muốn gieo chút nhân lành, hồi hướng cho ba má được mạnh khỏe, an vui, bởi để mình có được ngày hôm nay, ba má đã khổ rất nhiều rồi...
An Lạc & Nhóm SV
Đừng mua quà cho con, để tiền làm từ thiện Tôi thật ngưỡng mộ lối suy nghĩ thiện lành của cậu con trai, tuy còn trẻ nhưng đã biết chia sẻ đến cộng đồng. Thay vì đòi hỏi những món quà sinh nhật đắt tiền, sang trọng cho riêng mình hoặc dùng tiền đó để chiêu đãi tiệc tùng với bạn bè… thì bạn trẻ đó đã biết sử dụng đồng tiền đúng cách, biết nhân rộng và lưu bố khắp nơi. Reng... Reng… - A lô, chị nghe đây... - Chị ơi, em thấy chị phát cháo ở bệnh viện à? - Vâng, nhóm Bát cháo từ tâm phát tặng 2 kỳ vào tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng đó em. - Sinh nhật con trai em trong tháng này, em định tặng quà cho cháu, nhưng nó bảo: “Mẹ không cần mua quà cho con, hãy giúp con dùng số tiền đó vào việc từ thiện”. Vậy em sẽ chuyển tiền vào tài khoản nhờ chị trao tặng cháo cho bệnh nhân. - Ồ vậy tốt quá! Chị thay mặt các bệnh nhân cảm ơn tấm lòng của em và cháu trai... Và người mẹ ấy đã ủng hộ quỹ nấu cháo suốt 5 kỳ mỗi kỳ 1 triệu đồng. Không cần lời chúc mừng sinh nhật, tôi cũng biết bạn trẻ ấy và gia đình đang có một kỳ sinh nhật thật vui vẻ. Bởi, cho đi là sẽ được tất cả. Như Trần |