GN - LTS. Câu chuyện được viết sau đây là tự sự của người viết - tác giả Phổ Tâm, nguyên phóng viên Báo Giác Ngộ, giữa những lúc chăm sóc người mẹ của mình ở giai đoạn cuối sống chung với căn bệnh nan y. Mẹ anh cũng vừa qua đời. Bài viết dài, Giác Ngộ trích đăng với tinh thần giới thiệu một cách ứng xử của người Phật tử, ở những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất khi đối diện với thực tại cuộc đời.
Có xưa mới có nay
Mùa đông năm nay có lẽ là quãng thời gian cuối mẹ còn hiện diện ở cõi thế gian vô thường này, sự thọ khổ luôn nhiều hơn điều an vui. 60 năm con số tròn trĩnh cho một vòng đời, từng chứng kiến biết bao nhiêu sự biến đổi của cuộc sống cá nhân; sự biến tướng, đảo lộn trong mọi sinh hoạt của gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội; sự vỡ vụn, tan tành của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hãy tu khi còn trẻ, còn khỏe - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Phần lớn những hiện tượng trên bắt nguồn từ sự si mê, tham lam, cuồng vọng, sĩ diện hão… đưa đẩy tới sự cộng nghiệp trong phạm vi hẹp từ cá nhân níu tới gia đình, rồi choàng ra xã hội, lan rộng khắp cả dân tộc. Người thế gian thường đánh giá số tài sản tích lũy, nguồn tài nguyên tích trữ để minh chứng cho sự giàu có, hưng thịnh theo từng cá nhân, một nhóm người hay một quốc gia.
Trong chiều hướng tư duy khác, những người Phật tử nhờ tinh tấn, kiên định thể nghiệm theo lời chỉ dạy của Đức Phật, chư vị Bồ-tát, các vị Tổ sư vì thế cũng dần dần nhận ra mình cũng có gia tài quý báu, sáng rỡ ngời ngời không bao giờ mất hoặc rớt giá như các loại tài sản, trang sức, vật chất khác. Việc khai thác, sử dụng gia tài ấy như thế nào là tùy theo cách hành xử mỗi người. Cũng có rất nhiều người vì ngoan cố, cang cường không chịu thừa nhận mình có của báu trong nhà, lo bon chen khắp chốn để rồi tay trắng vẫn hoàn trắng tay!
Giống như mọi người bệnh, chiếc thân tứ đại của mẹ vào những ngày này đang ở vị trí thứ ba mà Đức Từ phụ Bổn sư đã mô tả đó là “dị” (sanh, trụ, dị, diệt - bốn giai đoạn hình thành nên tấm thân vật chất). Hiện tượng “dị” đang diễn ra từng sát-na trong và trên cơ thể mẹ teo tóp, khô héo dần dần giống như tàng cây xanh mướt giờ sắp tới lúc hóa thành củi khô. Những phân cảnh của dị dịch chuyển từ những phản ứng của khứu giác về mùi vị, một số bộ phận trong hệ hô hấp đang bất hợp tác với nhau, sự hành hạ của những cơn ho kéo dài suốt nhiều tiếng đồng hồ, có đôi lúc mẹ rơi vào trạng thái gần như tắt thở.
Còn nhớ, Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713, đời nhà Đường, Trung Hoa), sau khi được Lục tổ Huệ Năng ấn chứng sự ngộ đạo, ngài thênh thang bước vào cửa Không cảm tác nên bài Chứng đạo ca bao gồm nhiều vần kệ trác tuyệt, trong đó khá dễ nhớ là câu: “Đi cũng thiền, đứng cũng thiền, nói nín động tịnh thảy an nhiên”.
Hành trạng của ngài Huyền Giác an nhiên, tự tại là như vậy. Kẻ hậu học lại nhìn ra rằng khi chúng ta còn khỏe, đi, đứng, nằm, ngồi đều chủ động thì việc thực hành tu học để sửa bỏ lỗi lầm sẽ nhẹ nhõm rất nhiều. Lúc còn khỏe không chịu nỗ lực học tập, quán chiếu tất cả sự cảm thọ, đến lúc chiếc thân tứ đại rã rời mọi việc nhất cử, nhất động đều nặng như sơn, mênh mông như biển cả!
Hai năm trước lúc mẹ còn khỏe, việc vận dụng câu kệ trên của ngài Huyền Giác trong đời sống hàng ngày cũng tương đối dễ dù chưa trọn vẹn được trăm phần trăm. Nói như thế để cảm niệm ân đức của các bậc tiền bối đã bước qua cửa Không, muôn vạn lần mượn phương tiện nhắc nhở đồ chúng phải biết tranh thủ thời gian lúc còn khỏe mạnh mà tinh tấn tu học. Chờ đến lúc già yếu, đau bệnh mà tu học thì lực bất tòng tâm. Cũng như mẹ tháng qua năm lại, vì mắc bệnh nan y khiến từng bước chân di chuyển hết sức khó nhọc, cũng giống như tán cây khô kiệt sắp tróc gốc. Qua giai đoạn đi đứng khó khăn, mẹ giờ cũng không còn đủ sức để ngồi. Thân bệnh khổ như vậy mà người chẳng hề kêu ca.
Bệnh ung thư phổi của mẹ phát hiện vào mùa xuân 2011, sau nhiều tháng rộ lên những cơn ho dai dẳng, kéo dài, bắt đầu từ mùa hạ. Khi các bác sĩ Đông Tây y hàng đầu ở trong nước xem qua hồ sơ bệnh án của mẹ, tất cả cùng đưa ra kết luận: bà chỉ sống được thêm khoảng sáu tháng!
Mùa xuân năm ấy, lần đầu tiên trong đời mẹ hoàn tất việc xây căn nhà như hằng mơ ước theo ý tưởng của mình. Một cái Tết giản dị mà đầm ấm xiết bao. Trên căn gác lửng, không gian tâm linh của gia đình, mẹ tôn trí tấm ảnh chân dung Đức Từ phụ Bổn sư ở vị trí chính giữa nhà, thấp hơn một chút là pho tượng gỗ Bồ-tát Quán Thế Âm, rồi thứ đến là bàn thờ bà ngoại và dì Ba. Trên căn gác ấy, còn trang trí thêm hai tấm ảnh chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Diệu Tâm (97 tuổi) và Hòa thượng Thích Thanh Từ (89 tuổi). Bằng linh cảm, bà nói nếu các con không cho mẹ biết sự thật của chứng bệnh sẽ có lỗi rất lớn. Sự thật vẫn là sự thật, mẹ đón nhận thông tin một cách bình thản, chấp nhận sống chung với bệnh.
Có thể nói cuộc đời mẹ là chuỗi nhân duyên gắn liền với ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, bởi từ lúc thiếu nhi tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, học Trường Bồ Đề thời trung học, rồi hộ trì Tam bảo suốt năm tháng một mình tảo tần mưu sinh nuôi hai con ăn học, cho đến lúc biết mình mắc bệnh nan y. Tâm Liễu - pháp danh của mẹ được Sư ông trụ trì tổ đình Sắc tứ Kim Cang (Phú Yên) đặt cho phải chăng có hàm ý nhắn nhủ gắng công nỗ lực tu học cho đến ngày thấy rõ chơn tâm bất sanh, bất diệt?
Trách vụ người ở lại
Mỗi khi thân chúng ta mắc vài cơn bệnh lặt vặt như cảm cúm, viêm họng hoặc đau răng, đau mắt, đau bụng…, mặc dù bản chất của chúng chẳng đáng sá gì so với những người thọ khổ gấp hàng chục, hàng trăm, ngàn lần đang điều trị trong bệnh viện, chính lúc ấy ta cảm nhận được sự bất lực của mình khi muốn làm một việc gì đó thật vô cùng khó khăn mà lúc bình thường làm khỏe re. Không tận dụng lúc sức khỏe còn tốt, trí còn minh mẫn để nỗ lực thực tập tu hành là một trong những cái lỗi của tứ chúng đệ tử Phật. |
Kể từ lúc biết mình mắc bệnh nan y, mẹ nhất định sống chung với bệnh chứ không điều trị theo phương pháp Tây hoặc Đông y. Một số người chỉ cách muốn thuyên giảm bệnh phải ăn chuột con chưa mở mắt, hay uống máu rắn hổ mang, mẹ quở rằng không nên vì sự sống của mình mà giết hại những loài vật khác. Ngay cả việc các bác sĩ nhiều lần đề nghị nên xạ trị, hóa trị, mẹ lại nói tại sao lại tìm cách tiêu diệt các tế bào khác mà không chọn giải pháp cùng nương tựa với chúng như đã từng 60 năm nay.
Mấy tháng trước, tình cờ gặp lại vị bác sĩ thân hữu, ông ta hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng mẹ vẫn còn sống, sống rất lạc quan và minh mẫn. Có sự cảm ứng, mầu nhiệm nào chăng xuất phát từ tâm từ bi của mẹ nên thọ mạng được kéo dài hơn cả sự mong đợi!?
Tự biết điều gì cần làm, cần chia sẻ, rồi sẽ đến, những ngày vừa qua mẹ đã làm gần hết mọi việc. Mẹ tự thuật: “Cuộc đời mình là sự trả nợ do nhân quả gieo rắc từ nhiều đời. Có rất nhiều người đang nợ mẹ một ân tình, bà chẳng cần đến sự đền đáp. Thân bệnh này phần lớn bắt nguồn từ sự nổi sân mà ra, bởi hành trình cả cuộc đời giờ ngẫm lại mà hãi hùng muôn vàn điều cơ cực, thiếu thốn, oan ức mà chẳng biết chia sẻ cùng ai…”.
Dường như mẹ biết trước sự ra đi của mình cho nên người đã căn dặn, tâm sự hết tất cả mọi chuyện liên quan đến đời mình. Những lời giảng dạy tận tâm của các vị trưởng bối đều quy về một chỗ “nhất tâm giữ chánh niệm, chư Phật thường hiện tiền”, mẹ vẫn hằng ghi nhớ. “Theo lời của các sư ông giảng giải, người ăn chay trường cộng với sự tinh chuyên niệm Phật khi chấm dứt hơi thở sẽ mau chóng được Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn về cõi Tây phương Tịnh độ. Mẹ chỉ ăn chay kỳ mỗi tháng vài ngày, có lẽ chỉ được vãng sanh về cõi lành; về cõi Tây phương chắc là khó. Mẹ phát nguyện đời sau nếu tái sanh vào cõi người, xin được trú xứ ở khu vực có sự giáo hóa của các vị Thánh hiền tăng. Nguyện xin được xuất gia từ tuổi ấu niên, nguyện xin được các bậc Thánh hiền tăng tế độ tu học đến ngày viên mãn”, những lời chánh ngữ, chánh niệm, chánh tư duy đã được mẹ chia sẻ với hai chủng tử lành thiện mà người sinh ra.
Là người đệ tử tại gia thuần thành của Đức Từ phụ Bổn sư, mẹ hằng biết một khi hơi thở dừng thì thân mạng này ngay lập tức chấm dứt. Cuộc sống ở thế gian là sự vay trả, trả vay. Sứ mạng đời người quan trọng hơn cả là thực hiện được những lợi ích gì cho đời, cho cộng đồng, rồi buông xả, chứ không chỉ sống để vỗ béo khối thịt nhớp nhúa, u mê, đụng tới cái gì dính chặt cái đó.
Viết những dòng này, những thế hệ tiếp nối sự truyền thừa của mẹ về một nhân cách sống cho chứ không chịu nhận, sự trung kiên, hạnh nhẫn nhục, cời lên đóm lửa trí tuệ... chắc chắn vẫn còn lan tỏa trong từng tế bào huyết thống, trong từng tế bào tâm linh của các con và các cháu.
Công mẹ bao la như hư không biển cả. Ơn mẹ sâu thẳm như đại địa non ngàn, bây giờ và mãi mãi nguyện không quên!
Mùa đông, Nhâm Thìn - 2012