Trụ pháp Sa-môn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Muôn đời nay hàng Phật tử luôn hộ trì chúng Tăng, ai xúc phạm hay tổn hại đến chúng Tăng thì sớm muộn gì cũng bị họ tẩy chay, hoặc quay lưng trong im lặng

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Đàm-di, vị tôn trưởng địa phương, làm chủ Phật-đồ, được mọi người tôn sùng nhưng tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các vị Tỳ-kheo. Vì vậy, các vị Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn sống ở đó.

Các vị Ưu-bà-tắc nghe việc ấy rồi, liền cùng nhau kéo đến Tôn giả Đàm-di, xua đuổi ông ra khỏi các chùa địa phương. Bấy giờ Tôn giả Đàm-di bị các vị Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương, liền vấn y, mang bát du hành đến nước Xá-vệ, dần dà đến vườn Cấp Cô Độc, rừng Thắng, nước Xá-vệ. Rồi Tôn giả Đàm-di đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài, ngồi sang một bên mà bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các chùa địa phương.

Khi đó, Đức Thế Tôn bảo rằng:

- Đàm-di, ngươi trụ trong Sa-môn pháp mà bị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương sao?

Lúc đó Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Sa-môn trụ trong pháp Sa-môn?

Đức Thế Tôn dạy:

- Này Đàm-di, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo bị người mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân giận lại; bị người quấy phá, không quấy phá lại; bị đánh đập không đánh đập lại. Này Đàm-di, như vậy gọi là Sa-môn trụ Sa-môn pháp.

Lúc đó, Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng Phật khóc lóc rơi lệ, bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, con không phải là Sa-môn trụ Sa-môn pháp. Từ nay về sau con sẽ là Sa-môn trụ Sa-môn pháp".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Giáo, số 130 [trích])

Chuyện Tỳ-kheo Đàm-di (P: Dhammika), ỷ mình là người có quyền thế ở địa phương rồi ứng xử thô tháo, mắng nhiếc các bạn đồng tu, khiến cho họ bỏ đi trú xứ khác đã có từ thời Thế Tôn. Khi sự việc xảy ra, các Phật tử trong vùng rất bất bình đã liên kết cùng nhau đuổi Tỳ-kheo Đàm-di ra khỏi tinh xá.

Tuy thường ngày hung hăng, thô tháo nhưng khi bị đuổi khỏi chùa thì Tỳ-kheo Đàm-di rất đau buồn, lòng miên man nghĩ ngợi về nguyên nhân vì sao các Phật tử không hộ trì mình? Mình chỉ nặng nhẹ với các Tỳ-kheo khác mà sao các nam Phật tử (Ưu-bà-tắc) lại nặng tay với mình? Thì ra muôn đời nay hàng Phật tử luôn hộ trì chúng Tăng, ai xúc phạm hay tổn hại đến chúng Tăng thì sớm muộn gì cũng bị họ tẩy chay, hoặc quay lưng trong im lặng.

Ngày nay, những chuyện tương tự thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Một số vị có chức quyền trong chùa đôi lúc ứng xử thiếu tôn trọng, xem nhẹ tinh thần lục hòa. Vì thế, Tăng chúng lần lượt ra đi, Phật tử tiếc thương cho chùa ngày càng cô quạnh. Xu hướng Tăng Ni ra lập am cốc riêng ngày một gia tăng cũng có phần vì lý do tế nhị này. Theo quan điểm của Thế Tôn, nguyên nhân chính của vấn đề là Sa-môn mà không trụ trong pháp của Sa-môn.

Nếu chư vị Tăng Ni đều thấm nhuần pháp “Tỳ-kheo bị người mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân giận lại; bị người quấy phá, không quấy phá lại; bị đánh đập không đánh đập lại” thì có thể sống chung an lạc. Nhẫn nhục, từ bi, không làm tổn hại nhau là những đức tính quý báu để xây dựng đời sống lục hòa. Mỗi người đều trụ trong pháp của Sa-môn thì sẽ sống chung an lạc và xây dựng Tăng đoàn lớn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày