Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất

Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất
Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất

GN - Người tu học theo Phật, dường như ai cũng biết ảnh dụ nổi tiếng về dây đàn và tiếng đàn. Dây quá căng hay quá chùng, tiếng đàn đều không hay. Dây căng vừa mức thì tiếng đàn mới hay. Tu học cũng vậy, tinh tấn quá hay giải đãi quá cũng đều không tốt. Người biết áp dụng tinh thần trung đạo trong tu học mới mong chứng đạt đạo quả.

“Một thời Phật ở nước Chiêm-bà bên bờ hồ Lôi Âm.

Bấy giờ Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona; Sô-na) ở trong chỗ vắng, tự tu pháp bổn, chẳng bỏ hai mươi pháp hạnh đầu-đà, ngày đêm kinh hành chẳng lìa lời dạy về Ba mươi bảy đạo phẩm, hoặc ngồi, hoặc đi thường tu Chánh pháp. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm hằng tự gắng gỏi, chẳng bỏ trong chốc lát, nhưng lại không thể ở pháp dục lậu, tâm được giải thoát.

Tôn giả Sô-na đi kinh hành bị đứt chân chảy máu đầy khắp lề đường, giống như chỗ mổ trâu, quạ diều hâu đến hút máu, mà lại chẳng thể đối với dục lậu mà tâm được giải thoát. Tôn giả Sô-na liền nghĩ: ‘Trong đệ tử tinh tấn khổ hạnh của Phật Thích Ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay, ta tâm lậu chẳng được giải thoát. Lại nữa, gia nghiệp của ta nhiều tiền lắm của, đáng nên xả bỏ pháp phục trở về làm cư sĩ, đem tài vật rộng bố thí. Nay làm Sa-môn rất khó, chẳng phải dễ dàng’.

Bấy giờ Thế Tôn từ xa biết tâm niệm của Sô-na, liền bay lên hư không, đến chỗ ông ta kinh hành, trải tòa mà ngồi. Khi ấy Tôn giả Sô-na đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi Sô-na rằng:

- Vừa rồi cớ sao thầy lại nghĩ: ‘Trong số đệ tử tinh tấn khổ hạnh của Phật Thích Ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay ta lậu tâm chẳng được giải thoát. Lại gia nghiệp ta lắm tiền nhiều báu, nên xả bỏ pháp phục, trở về làm cư sĩ, lấy tài vật rộng bố thí, nay làm Sa-môn thật khó, chẳng phải dễ dàng?’.

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:

- Nay Ta lại hỏi thầy, thầy tùy đó mà đáp lời Ta. Thế nào Sô-na? Xưa lúc thầy ở nhà, đánh đàn có giỏi không?

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, Thế Tôn! Xưa lúc ở nhà, con đánh đàn rành.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na! Nếu dây đàn quá căng thì tiếng chẳng đều. Lúc đó tiếng đàn nghe có hay không?

Sô-na đáp:

- Bạch Thế Tôn, không!

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn lại chùng, thì tiếng đàn nghe có hay chăng?

Sô-na đáp:

- Bạch Thế Tôn, không.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn không căng, không chùng thì bấy giờ tiếng đàn nghe có hay không?

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, Thế Tôn! Nếu dây đàn không chùng cũng không căng, bấy giờ tiếng đàn có thể nghe hay.

Thế Tôn bảo:

- Đây cũng như thế. Người quá tinh tấn giống như điều hý (trạo cử). Nếu người giải đãi, người này sẽ đọa vào tà kiến. Nếu người có thể ở giữa hai điều này thì đây là thượng hạnh, như thế chẳng bao lâu sẽ thành bậc Vô lậu.

Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Sô-na xong, trở về bên bờ hồ Lôi Âm.

Khi ấy, Tôn giả Sô-na tư duy lời dạy của Thế Tôn, ở chỗ vắng vẻ tu hành pháp này không hở một giây. Sở dĩ người dòng dõi vọng tộc, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Tôn giả Sô-na liền thành A-la-hán.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử tinh cần, khổ hạnh đệ nhất là Tỳ-kheo Sô-na.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 23, Địa chủ,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.420)

Theo Thế Tôn, trung dung giữa tinh tấn và giải đãi, không quá siêng mà cũng không quá nhác là thượng hạnh; hạnh tu thù thắng, cao tột nhất. Nhờ đó mà hành giả từng bước tiến tu, “chẳng bao lâu sẽ thành bậc Vô lậu”. Trung đạo là kinh nghiệm tu tập của chính Thế Tôn, quân bình giữa hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh, nhờ đó mà Ngài đắc đạo.

Tinh thần trung đạo tràn ngập tuệ giác, không chấp thủ, thể hiện “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Đây chính là nhân tố góp phần quan trọng giúp Thế Tôn thành đạo đồng thời cũng là bí quyết để tiến tu của tất cả chúng ta, những người đệ tử Phật. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày