Trung thu & bão

Trung thu & bão

Bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana) đổ ập vào miền Trung ngay giữa mùa Trung thu - mùa Tết của trẻ em với nhiều háo hức cho đêm hội rước đèn, xem múa lân, ăn quà bánh… Tin bão đến kéo theo những nỗi đau, mất mát, trong đó có thông tin về những đứa trẻ vùng bão đã chết ở Thanh Hóa, Nghệ An làm nhiều người chùng xuống: Các em chưa kịp đón Tết Trung thu!

Miền Trung năm nào cũng bão và năm nào người miền Trung ở khắp mọi miền đều lo đau đáu cho người thân phải chìm trong bão lũ. Lại càng thấy thương cho trẻ em nơi ấy, phập phồng đón Trung thu, và tôi đoan chắc là sẽ có không ít em không được rước đèn mà phải chạy bão. Có em sẽ đổ nước mắt vì những mất mát rất có thể sẽ đến khi cơn bão đi qua. Nghĩ đến đó là thấy mùa Trung thu năm nay không trọn vẹn. Làm sao có thể vui nổi khi mảnh đất miền Trung ruột thịt oằn trong cơn bão; làm sao có thể an lòng đi rước đèn, đón Trung thu trong khi đồng bào mình đang khổ?

Bão lũ và nỗi lo, kèm theo đó là nỗi nhớ về những mùa Trung thu năm cũ, khi ấy người viết vẫn còn bé, vẫn còn ham vui với những lân, rồng, ông Địa và quà bánh. Chiếc lồng đèn ông sao do mẹ làm thủ công đến bây giờ vẫn là món quà quý nhất. Ngày xưa, hình như miền Trung ít bão lũ hơn bây giờ. Có lẽ vì con người sống hiền hòa hơn, ít tác động và tàn phá thiên nhiên hơn chăng? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh hoài trong suy nghĩ, day dứt khi nghĩ về những cơn gió rít, những mái nhà sập và cả hình ảnh trẻ con phải ru rú tránh bão không được đón Tết Trung thu.

Cũng may là trong những hoàn cảnh như thế này thì thông tin khắp nơi có các chương trình từ thiện, tình nguyện vui Trung thu với trẻ em nghèo cũng phần nào làm vơi bớt đi những bất hạnh nơi các em - trẻ em nghèo vùng sâu, xa, những em bị khuyết tật, bị bỏ rơi nơi mái ấm, trung tâm bảo trợ… Cuộc sống là vậy, bên cạnh những mất mát luôn là những sẻ chia ấm lòng người. Đó là sự nhân ái, phù hợp với tinh thần từ bi, hỷ xả của đạo Bụt cũng như truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam . “Lá lành đùm lá rách”, châm ngôn sống đẹp ấy đã trở thành kim chỉ nam cho việc sẻ chia đầy nghĩa tình mà trong những ngày gần đây các phương tiện truyền thông thường đưa tin với những dòng tít như “Tình nguyện mùa Trung thu”, “Trung thu đến với trẻ em nghèo”, “Dành tất cả những điều tốt đẹp cho trẻ em trong mùa Trung thu”… Vậy là, trong hoàn cảnh cam go, trong những nỗi khổ niềm đau thường ánh lên tình thương, sự sẻ chia nghĩa tình và cần thiết của con người dành cho đồng bào, đồng loại của mình.

Suy nghĩ như vậy để rồi hình dung ra cảnh xăng xái đến với trẻ em vùng bão của những cá nhân, tổ chức ngay trong mùa Trung thu. Những chiếc bánh trung thu ngọt lịm tình thương, những chiếc lồng đèn sáng rực tình nhân ái sẽ là phương thuốc xoa dịu những nỗi sợ hãi, những nỗi đau trong tai ương. Đó là hành động dành cho những người có từ tâm, trong đó có những sư thầy, sư cô, Phật tử và những bạn trẻ có tinh thần tình nguyện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày