Hiện đại, hại trăm đường
Nằm trong di tích quốc gia ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), đình Mông Phụ xưa là công trình với vật liệu gỗ, đá ong, gạch Bát Tràng cổ kính. Thế rồi, khi dự án hơn 10 tỉ đồng được rót vào, chính quyền xã đã thuê thợ dỡ bỏ toàn bộ đình cổ, dựng lại ngôi đình mới.
Khi việc xây mới lại ngôi đình đã được phê duyệt, hàng loạt sai phạm trong quá trình trùng tu đã bộc lộ. Đình đã đổ, nền gạch trước đình đã bị lật. Các chi tiết cổ, tinh xảo cùng theo đó mất luôn. Chẳng hiểu đơn vị thi công tính kiểu gì mà hướng ngôi đình mới lệch tới 1m so với hướng cũ, các cột đặt sai vị trí, nhiều kết cấu bị lệch pha; thậm chí còn lát các mạch gạch đâm thẳng vào mặt thành hoàng của đình, điều mà xưa nay tất cả các ngôi đình ở Việt Nam tối kỵ.
Điều này cho thấy, các nhà trùng tu đã thiếu kiến thức sơ đẳng trong quá trình tôn tạo di tích. Nhận ra thiếu sót, đơn vị thi công đã phải tiến hành lát lại sân, lợp lại ngói đình...
Đình Yên Phụ thuộc phường Yên Phụ (Tây Hồ - Hà Nội) là ngôi đình duy nhất nằm trong lòng Thủ đô còn lưu giữ được nhiều bộ phận mang dấu ấn kiến trúc từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Mới được trùng tu, tôn tạo nên ngôi đình có vẻ khang trang, bề thế. Thế nhưng, sau khi kiểm tra kỹ từng chi tiết chạm trổ ở kèo, Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) phát hiện ra những chi tiết hoa văn từ thế kỷ XVII đã biến mất, thay vào đó là hoa văn chạm trổ đầu thế kỷ XXI. Rất nhiều cấu kiện kiến trúc và điêu khắc cũ còn tốt nhưng đã bị loại bỏ mà không tái sử dụng. Cục Di sản văn hoá đã nhiều lần cử chuyên viên xuống kiểm tra, có văn bản gửi tới cơ quan chức năng, địa phương và đơn vị tư vấn giám sát đề nghị chỉnh sửa, trả lại giá trị cho di tích. Thế nhưng, đình đã làm mới rồi thì không thể lấy lại cảnh quan như trước.
Cùng chung cảnh ngộ là chùa Tướng (Bắc Ninh), thờ Pháp Lôi, nằm trong hệ thống thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của nước ta, có từ thế kỷ thứ II. Chỉ trong vài năm, toàn bộ các pho tượng của ngôi chùa đã biến từ màu đen sang màu vàng. Thay bằng nền gạch đỏ, rêu xanh là nền gạch hoa hiện đại, bệ đặt tượng được bê -tông hoá khiến không gian cổ kính của ngôi chùa bị phá nát.
“Tượng phật kêu than!”
Không phá đi làm mới, nhưng ở chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh), để tỏ lòng tôn kính các vị chư thần, người dân góp tiền thuê thợ chuyên làm đồ giả cổ, sơn lại các pho tượng. Điều đáng bàn là các pho tượng này được trang điểm bằng sơn công nghiệp, sơn ta, dùng để phết cửa ở quê.
Ở đền thờ Sỹ Nhiếp (Gia Đông - Thuận Thành - Bắc Ninh), các tượng thờ, kiệu lễ, hoành phi câu đối trong đền đều bị sơn lại bằng sơn hộp công nghiệp.
Theo hoạ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, hàng loạt ngôi chùa như chùa Dâu, chùa Bình, chùa Tướng, Phật Tích (Bắc Ninh); chùa Chuông ở Hưng Yên; Trăm Gian, Sủi (Hà Nội)... phần nào mất đi các giá trị nghệ thuật cổ sau khi tô vẽ lại tượng, sửa lại chùa.
Cũng theo ông Thượng, khi tiến hành trùng tu, đơn vị thi công đã dùng thiếc thay cho vàng, dùng sơn Nhật Bản thay cho sơn ta, thậm chí dùng sơn công nghiệp để tô tượng. Không những vậy, việc tô tượng thường được thực hiện bởi những thợ thủ công mà không phải là họa sĩ. Do đó, những pho tượng cổ bị biến dạng toàn bộ, nhất là thần thái cổ kính.
“Hiện nay, hoành phi câu đối loè loẹt, phần lớn chữ Nho ở trên nền hoa gấm. Các thợ thủ công bây giờ không chạm được chữ lồng trên mặt hoa gấm mà cắt chữ rời và dán trên mặt hoa văn, những câu đối như vậy tuổi thọ rất thấp, chỉ mươi năm sẽ bong tróc. Rõ ràng việc tu sửa tượng như hiện nay đã làm hỏng toàn bộ các nơi được tu sửa”, ông Thượng nhấn mạnh.
Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ
Theo ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), để không làm mất đi những giá trị cổ, việc trùng tu di tích phải được thực hiện ở nhiều khâu, từ nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập dự án, thiết kế kỹ thuật, hạ giải công trình, đánh giá cấu kiện, thi công trùng tu, giám sát thi công đến nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công. Việc thi công phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, đảm bảo sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ. Thế nhưng hiện nay, việc trùng tu tôn tạo di tích đang thiếu các chuyên gia đầu ngành, thiếu nguồn nhân lực trong công tác trùng tu, tôn tạo.
Thống kê cho thấy, nước ta có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất phong phú và đa dạng với khoảng 7.300 di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nằm ở khắp các tỉnh, thành. Chỉ riêng trong các năm từ 2006 - 2008, Nhà nước đã đầu tư 863,42 tỉ đồng cho mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo 506 lượt di tích. Trong giai đoạn 2001 - 2005, ước tính số kinh phí do dân đóng góp để chống xuống cấp di tích khoảng 500 tỉ đồng, giai đoạn 2006 - 2008 khoảng 145 tỉ đồng/năm.
Ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết, bảo tồn di tích là một ngành rất đặc thù. Người làm bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt. Nếu đội ngũ thi công không được trang bị kiến thức cơ bản, không hiểu về nghề bảo tồn thì càng đầu tư sẽ càng “giết” di tích.
Cùng với đó, việc trùng tu tôn tạo di tích đang thiếu một đơn vị giám sát độc lập dẫn đến tình trạng hàng loạt dấu tích cổ biến mất, không gian văn hoá cổ bị phá vỡ. “Do vậy, cần có một “tập đoàn” giám sát mạnh để có thể hạn chế những sai sót đáng tiếc xảy ra”, ông Bài nói.