Trung ương Giáo hội ra thông tư Hướng dẫn sử dụng Đạo kỳ, Đạo ca và Huy hiệu

(GNO): Ngày 26-01-2010, HT. Thích Từ Nhơn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS thay mặt Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đã ban hành thông tư hướng dẫn sử dụng Đạo kỳ, Đạo ca, Huy hiệu Giáo hội tại các Hội nghị, Đai hội và ngày Lễ hội Phật giáo. Giác Ngộ Online xin trích đăng nội dung thông tư giới thiệu đến quý độc giả.

- Căn cứ điều 3 chương I Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

- Căn cứ mục 9 Nghị quyết số: 016/NQ. HĐTS ngày 19/01/2010 Hội nghị kỳ 3 Khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đạo kỳ, Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng và cao quý nhất đã được các bậc tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ bảo vệ; Huy hiệu Giáo hội là biểu tượng cao quý duy nhất từ trí huệ của các bậc tiền bối các tổ chức, hệ phái tạo thành khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.

Để việc sử dụng Đạo kỳ, Đạo ca, Huy hiệu Giáo hội được trang trọng, thể hiện đúng mức độ quan trọng của buổi lễ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn việc sử dụng Đạo kỳ, Đạo ca, Huy hiệu Giáo hội tại các Hội nghị, Đại hội, Lễ hội Phật giáo như sau:

A. Đạo kỳ Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

1. Đạo kỳ gồm 5 màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và phần đuôi cờ cũng có đủ 5 màu (xanh, vàng, đỏ, trắng, cam).

2. Đạo kỳ được treo tại các Hội nghị, Đại hội Phật giáo các cấp; các Lễ hội Phật giáo tại Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và tư gia Phật tử. Khi treo, Đạo kỳ được treo phía bên phải từ ngoài nhìn vào; Trong 5 màu của phần đuôi Đạo kỳ, màu xanh luôn hướng lên trên.

3. Khi sử dụng Đạo kỳ để trang trí trên pano, biểu ngữ, áp phích, thiệp mời v.v… phải đặt ở vị trí trang trọng phần phía trên, không được cách điệu làm mất nguyên mẫu của đạo kỳ.

B. Huy hiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

1. Huy hiệu Giáo hội là một hình tròn, vòng ngoài có vòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vòng kế tiếp là hình cánh sen tám cánh, vòng cuối cùng là gương sen tám hạt. Màu nền của Huy hiệu là màu xanh rêu, chữ màu trắng.

2. Huy hiệu Giáo hội được sử dụng vào các kỳ Hội nghị, Đại hội Phật giáo các cấp. Huy hiệu Giáo hội được treo ở phía bên trái từ ngoài nhìn vào; nếu Hội nghị, Đại hội Phật giáo có treo Quốc kỳ thì Huy hiệu Giáo hội được treo ở phía bên phải từ ngoài nhìn vào và treo ở phần phía trên Đạo kỳ.

3. Không được cách điệu Huy hiệu Giáo hội trở thành biểu tượng riêng của đơn vị Tỉnh, Thành, Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc Tỉnh hoặc của Ban, Viện Trung ương.

4. Huy hiệu Giáo hội được thống nhất sử dụng để in phía tay trái trên các văn bản hành chánh; bản tin của Ban, Viện Trung ương; Nội san; bì thư của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Quận, Huyện, Thị, Thành hội Phật giáo thuộc tỉnh..

C. Đạo ca Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

1. Đạo ca Giáo hội Phật giáo Việt Nam là bài nhạc Phật giáo Việt Nam của Nhạc sĩ Lê Cao Phan.

2. Đạo ca chỉ sử dụng vào các kỳ Hội nghị, Đại hội Phật giáo các cấp, lễ khánh thành Tự, Viện. Khi cử hành đạo ca có thể sử dụng một trong 2 phương thức:

- Sử dụng đạo thiều (không lời).

- Sử dụng đạo ca (có lời).

3. Khi buổi lễ có cử hành Quốc ca, thì Đạo ca được sử dụng sau Quốc ca.

4. Khi buổi Lễ có cử hành Quốc thiều, thì Đạo thiều được sử dụng sau Quốc thiều.

5. Trường hợp không có cử Quốc thiều hay Quốc ca, thì trong các buổi lễ Phật giáo tuỳ nghi sử dụng Đạo ca hay Đạo thiều.

6. Đạo ca không được sử dụng ngoài các buổi lễ đã nêu trên. Trường hợp ngoại lệ, có thể được đưa vào chương trình văn nghệ với tên là “Nhạc khúc Phật giáo Việt Nam”.

7. Đề nghị quý Ban Trị sự hướng dẫn Phật tử và các Ban nhạc lễ tại địa phương cần sử dụng Đạo ca đúng mục đích của buổi lễ như đã hướng dẫn.

Rất mong quý Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo triển khai, thực hiện việc sử dụng Đạo kỳ, Đạo ca, Huy hiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đúng theo tinh thần hướng dẫn của thông tư này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày