Trước thềm Hội thảo: “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập”

Giác Ngộ- Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, Ban Kinh tế - Tài chánh (KT-TC) Trung ương Giáo hội (TƯGH) mới tổ chức Hội thảo toàn ngành vào ngày 29-10 sắp đến tại TP.HCM. HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban KT-TC TƯGH đã dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện sau đây, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

BTN_0080.JPG

HT.Thích Giác Toàn- Ảnh: B.T

Sau nhiều năm hoạt động, lần đầu tiên Ban KT-TC TƯGH tổ chức hội thảo, xin Hòa thượng hoan hỷ cho biết mục đích và ý nghĩa của hội thảo lần này là gì?

- HT.Thích Giác Toàn: Mục đích chính của hội thảo là để bày tỏ tấm lòng của Ban KT-TC Trung ương chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN. Thứ đến là qua cuộc hội thảo nhằm tổng kết những thành quả khiêm tốn đạt được trong 20 năm qua, từ ngày Giáo hội (GH) có quyết định thành lập Ban KT-TC Trung ương; đồng thời giới thiệu những quan điểm, những thành tựu về kinh tế Phật giáo (KTPG) mà giới cư sĩ, những doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử (DNDNPT) đã đóng góp cho xã hội và GH trong thời gian qua, góp phần phác thảo định hướng tới để ngành KTPG khẳng định vị trí phụng sự hữu hiệu hơn cho Đạo pháp - Dân tộc trong thời đại hội nhập, phát triển của đất nước hiện nay.

 Các tham luận của chư tôn đức, nhà nghiên cứu, doanh nhân… lần này sẽ đi sâu vào vấn đề gì? Hội thảo lần này có phải là nhằm tìm giải pháp hoạch định hướng đi cho Ban KT-TC?

- Tất cả chúng ta đều biết PG đã cắm rễ ăn sâu trong lòng dân tộc. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, người Phật tử có mặt đều khắp trong các thành phần xã hội và tâm tình của người Phật tử luôn thích phụng sự và chan hòa, nhưng không thích phô trương. Chúng ta đã thấy, Đại lễ Phật Đản (Vesak) LHQ năm 2008 tại Việt Nam như đã đánh thức mọi người. Qua Đại lễ, từ đó đến nay, các DNDNPT ngày càng xuất hiện rõ nét hơn. Các cư sĩ DNDNPT… phần lớn đều có tấm lòng muốn đóng góp phụng sự cho Đạo pháp, Dân tộc và nhân sinh nhiều hơn, thiết thực hơn.

Do vậy, qua các chủ đề gợi ý của Ban tổ chức, qua các tham luận gởi về, chúng tôi thấy phần lớn nội dung, ý kiến xoay quanh những kinh nghiệm trong quá trình kinh doanh và các vấn đề liên hệ - tính nhân quả, tính đạo đức, tính thiện - ác trong kinh doanh được soi chiếu dưới ánh sáng tuệ giác của Đức Phật qua kinh điển; sự cần thiết của việc tu tập thiền định nhằm tạo sự thăng bằng của đời sống doanh nhân v.v...

 Một số tham luận cũng đã thể hiện sự bức xúc trước tình trạng chưa thật chu toàn của ngành KT-TC PG, đồng thời cũng có một số ý kiến đề xuất những mô hình xây dựng, và phát triển KT PG trong thời hội nhập.

Ngoài ra, hội thảo cũng nhằm tạo cơ hội để các DNDNPT gặp nhau, hiểu biết về nhau, trao đổi, thảo luận, góp ý tạo nên một mô hình chung, một sức mạnh trí tuệ tập thể nhằm phụng sự lợi ích cho xã hội và GH.

Chủ đề của hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập”, theo Hòa thượng, PG sẽ chia sẻ điều gì với doanh nhân để họ vừa phát triển tốt hơn, mạnh hơn vừa thể hiện được phẩm chất của DNDNPT?

- Trong xã hội, bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có nhận thức làm nền tảng vững chắc. Trong KT PG cũng vậy, cần có nhiều người, nhiều sáng kiến để cùng nhau soi sáng mọi ưu – khuyết điểm, để cùng vạch ra những định hướng và giải pháp khả thi, hạn chế tối đa những kém khuyết, nhằm xác lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Trong sản xuất kinh doanh điều tất yếu là phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, DNDNPT phải biết nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng; cân đối, chia đều lợi nhuận và lợi ích cho đôi bên.

 Theo Hòa thượng, yếu tố cần thiết quyết định sự thành công của một doanh nhân Phật tử là gì? Bên cạnh đó họ có cần “phẩm chất doanh nhân”, vậy phẩm chất đó là gì, có mâu thuẫn chăng giữa đạo đức PG và sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường?

- Đứng trên lập trường tu học của người Phật tử là thọ Tam quy, trì Ngũ giới cấm nhà Phật; trong đời sống luôn tin tưởng có nhân quả tội phước qua mỗi hành động, lời nói và tâm niệm. Tránh những ngành nghề, sản phẩm gây hại cho xã hội như buôn bán rượu (cùng các chất gây nghiện, say làm mất sự sáng suốt của tâm trí), buôn bán vũ khí, giết mổ… mà Đức Phật đã khuyến cáo trong kinh điển.

Bên cạnh, xác định quan điểm đầu tư kinh doanh không tách rời trí và đức của người Phật tử, khi chọn mặt hàng kinh doanh sản xuất là thấy, biết rõ giá trị thực sự của sản phẩm, không làm, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… và nhận thức mục tiêu là phục vụ lợi ích cho người tiêu dùng; tương tác qua lại, không vì lợi nhuận mà quên đạo lý làm người. Trí là biết rõ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, của số đông quần chúng; đồng thời cũng biết rõ giá trị, chất lượng, sản phẩm tương ứng để đáp ứng, để phục vụ.

Ông bà ta xưa thường hay nói: “Tích đức lưu tại tử tồn, tích tài tán ư thiên hạ”. DNDNPT luôn tạo uy tín, niềm tin quần chúng đối với sản phẩm sản xuất, tức xây dựng thương hiệu của mình. Luôn nâng ý tưởng sáng tạo, tăng chất lượng phục vụ, tạo sự gắn kết vừa lòng với khách hàng. Khéo léo trong việc cân đối lợi nhuận, giúp khách hàng yên tâm, hài lòng trong sử dụng, tiêu dùng.

Đó chính là đức của DNDNPT. Được như vậy, thì đây chính là những yếu tố căn bản, xác lập sự thành công lâu dài cho DNDNPT. Những yếu tố căn bản tích cực này nhất định không có gì mâu thuẫn trong môi trường cạnh tranh của thị trường. Trái lại, nó còn làm tăng trưởng niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy cho sự phát triển lành mạnh, phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Phật tử là thành viên của Ban KT-TC, họ hoạt động độc lập và như vậy Ban KT-TC quản lý doanh nghiệp như thế nào? Họ có mang lại nguồn tài chánh cho hoạt động của Ban?

- Điều này cần nên được xác định là mục tiêu thành lập Ban KT-TC Trung ương GH không nhằm quản lý doanh nghiệp. Việc quản lý doanh nghiệp là của các cơ quan chức năng hữu quan. Mục đích của Ban KT-TC là từng bước tạo sự gắn kết của các DNDNPT hằng tâm hằng sản… có cùng lý tưởng đem năng lực của người Phật tử góp phần phụng sự Đạo pháp -Dân tộc và chúng sanh. Vì thế, nếu có các DNDNPT tham gia thành viên Ban KT-TC là bằng tinh thần tự nguyện, phụng sự lý tưởng phục vụ lợi ích nhân sinh, cộng đồng xã hội.

Một khi đã có chung tinh thần phụng sự lý tưởng vì lợi ích, an lạc, vì hạnh phúc cho số đông rồi thì Ban KT-TC có quy chế hoạt động của Ban, mọi nguồn tài chánh do các thành viên đóng góp, chung hùn có được tất nhiên sẽ được sử dụng phụng sự cho các nhu cầu thực tế của xã hội và những thành phần, bá tánh nghèo khổ. Cụ thể như xây trường học tình thương, niệm Phật đường… cho dân chúng các xã nghèo vùng sâu vùng xa, quỹ cấp phát “học bổng hiếu học” cho Tăng Ni, Phật tử có hoàn cảnh khó khăn v.v...

Sắp tới, Ban KT-TC có những phương hướng hoạt động như thế nào nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham gia và đóng góp cho GH?

- Trong thời gian sắp tới, Ban KT-TC sẽ có những định hướng cụ thể, tích cực hơn. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), rất có thể một câu lạc bộ DNDNPT sẽ được hình thành để thật sự có những Tăng Ni, và các cư sĩ Phật tử đầy tâm huyết, can đảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, phác thảo, định hướng dài lâu phục vụ mục tiêu của Ban là làm thế nào có một nguồn ngân quỹ khả dĩ đáp ứng các nhu cầu hoạt động khiêm tốn của GH trong sứ mạng “Hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh” trước thời đại. Trước mắt, ngay sau hội thảo này, Ban có chương trình cúng dường “học bổng hiếu học” đến những Tăng Ni sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng tha thiết trong tu học.

Thay mặt Ban KT-TC, chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mong nhận được những sáng kiến, ý kiến thực tiễn khả thi của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc gần xa.

 Xin cảm ơn Hòa thượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày