Trước thềm Xuân: Giữ hồn Tết Việt

Giác Ngộ - NS.Thuấn Liên cho biết: "Nhiều cơ sở làm mứt truyền thống của mình đã thất truyền từ lâu vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại bánh Tây sang trọng và vì không thể giữ lửa của tình yêu nghề.

Cũng như nghề se nhang truyền thống, bánh mứt làm bằng thủ công khá vất vả nhưng không thể nào vắng mặt trên bàn thờ trong khoảnh khắc đón giao thừa ở chùa, gia đình hay những bữa họp mặt rôm rả của cả gia đình trong ba ngày Tết. Những lúc như vậy, mình luôn nghĩ dù gì thì lửa lò phải sáng, lửa lòng phải vững. Không thể làm thất vọng những ai đã đến với mình và gởi biết bao niềm thương yêu".

Dù ai đi ngược về xuôi, thì tháng Chạp vẫn cứ từ từ tỏa thơm hương mứt Tết. Góc sân nhỏ của tịnh xá Ngọc Phương những buổi sáng sớm lại bừng lên sức sống mới bởi những chiếc áo vàng thong thả xuống sân, bắt đầu một ngày với nguyên liệu thiên nhiên để làm nên hương vị đậm đà của Tết Việt.

tetviet 1.JPG

Mỗi buổi sáng các sư cô bắt đầu một ngày bằng việc gọt củ - Ảnh: Bảo Toàn

Nhớ tháng Chạp và áo vàng

Không biết bao nhiêu tháng Chạp đã qua trong đời nhưng NS.Thuấn Liên chỉ biết rằng những ngày giáp Tết chẳng còn là của riêng mình. Tất cả tâm sức như dồn cả vào những mẻ mứt Tết, cho sự sánh quyện trắng tinh của đường, của màu sắc thiên nhiên, của những chiếc kẹo nhỏ xinh và của những làn hương thơm nức từ mẻ mứt mới ngào.

Cứ độ đầu tháng Chạp có dịp đi ngang qua tịnh xá, tôi không khỏi vấn vương bởi sắc hương của Tết. Có thể ai đó sẽ nhớ quê hương qua hương cốm mới, qua mùi nếp hoa vàng… riêng góc trời Ngọc Phương vẫn là hương mứt gừng thơm ngậy cay cay. Tôi nhớ những ngày xuân ngồi quay quần bên đĩa mứt sen, năng, gừng, dừa, bí, khoai lang… thơm lừng để thấy câu chuyện tình thân chưa bao giờ muốn dứt. Đĩa mứt Tết kết nối giá trị tình thân trong gia đình, gắn kết giữa các thế hệ và xây dựng tình làng nghĩa xóm. Thưởng thức mứt Tết cũng là đem cái tình để đối đãi với nhau và có thể cảm nhận sự chân thành trong từng câu chuyện.

Mứt Tết ở Ngọc Phương đến sớm và đều đặn tỏa hương suốt 35 mùa Tết như thế và không nhớ đã biết bao nhiêu tháng Chạp đã cựa mình thức sớm và an nhiên như chưa hề bận rộn.

Mỗi sớm mai, hương thơm từ hàng chục món mứt Tết hòa vào làn gió sớm cứ len nhẹ và tỏa ra dịu dàng. Ai có thể cầm lòng mà không nhớ về cái Tết quê nhà, những cái Tết đầm ấm đã xa bên người thân, thật khó! Vì lẽ đó, có một cụ già viếng tịnh xá cứ đứng tần ngần mà nhớ, nhớ cái gì, nhớ ai, nơi nào… cụ cứ chống chiếc gậy tre đi tới đi lui rồi mới vỡ ra: "Nhớ quê Bắc Kỳ quá, con gái à".

Tháng Chạp đến cũng là khi cả tịnh xá dồn tâm trí cả vào những mẻ mứt Tết và nhớ về cố Ni trưởng Huỳnh Liên, người đã dày công tự học từ thời còn bé con và truyền nghề cho các sư cô ở tịnh xá như một cách làm kinh tế nhà chùa. Và, NS.Thuấn Liên đã giữ được lửa nghề, giữ lửa cho những bếp lò sáng bừng với hương mứt ngày càng bay xa, bay đến tận miền Trung, miền Đông, miền Bắc, đến châu Âu... Và, nhờ vậy dù xa quê, người Việt vẫn tìm được hương vị bánh mứt Tết mùa xưa cũ - hương vị quê nhà.

tetviet 2.JPG

Bánh mứt Ngọc Phương được Phật tử ưa chuộng - Ảnh: Bảo Toàn

Níu giữ làn hương

Không đợi đến những ngày tháng Chạp mới thấy vàng sân của những gia đình làm nên làn hương thiêng liêng cho người Việt, vào đầu tháng 10 ÂL những gia đình ở làng nhang ở Q.11, Tân Bình… bắt đầu lỉnh kỉnh với bao nhiêu là nguyên liệu để làm nên những khoảng nhỏ vàng óng. Thế nhưng, giờ đây ở những làng nghề này đã thưa thớt dần vì không thể giữ nghề lâu hơn được nữa.

Neo giữ những làn hương - mùa nhớ rất đặc trưng, nhiều ngôi chùa vẫn lặng thầm góp những thẻ hương trầm, hương quế cho những mùa lễ hội của Phật giáo đặc biệt là hương vị, sắc màu mùa Tết. Chùa có nhiều lễ trọng, lễ sơ đều có thể sử dụng nhang nhưng Tết Nguyên đán là mùa nên hương trầm từ vào mùa này càng vàng ấm lên bên một góc sân chùa. Không sản xuất nhiều và ồ ạt như những hộ gia đình nhưng chùa vẫn sản xuất đều đặn chủ yếu để có dùng khỏi phải đi mua hoặc làm nhang để giúp đỡ những người cơ nhỡ, làm từ thiện, hoặc cải thiện kinh tế nhà chùa… Chính vì thế, nhang ở chùa cứ thế tỏa hương bốn mùa.

tetviet 3.JPG

Hiện nay rất ít ngôi chùa còn giữ nghề nhang truyền thống- Ảnh: Bảo Toàn

Nghề làm nhang ở chùa cũng thất truyền nhiều, hiện nay một số ngôi chùa như: Pháp Võ (Q.Nhà Bè), Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp), Dược Sư (Q.Bình Thạnh), Pháp Quang (Đồng Nai)… vẫn còn cần mẫn làm ra những thẻ nhang thơm cúng Phật. Không chỉ tỏa hương thơm trên bàn Phật, nhiều Phật tử đã tin cậy đến chùa thỉnh những bó nhang được làm thủ công. Nhang làm bằng tay thường thì phải kỳ công, bột hương được hòa với nước sao cho thật dẻo, thật vừa. Lõi hương thì chuốt từng cọng tre nên không được đều, nhuộm chân nhang rồi mới xe trên bàn se bằng đôi tay người thợ. Xong đem phơi nắng và cuối cùng cho vào bao. Hiện đại hơn, nhiều sơ sở làm nhang đã mua bàn máy, cây nhang được làm bằng máy không cần phải chuốt bằng tay nên đều, đẹp và năng suất cũng cao hơn. Người chạy theo lợi nhuận ít ai chọn cách làm xưa, mà dùng các hóa chất và hương nhân tạo để tạo mùi nên nhang rất độc hại.

Vài ngôi chùa hiện nay vẫn còn giữ cách làm nhang truyền thống, chủ yếu để khỏi nhớ nghề và lưu giữ làn hương trầm tinh khiết đã thấm đẫm không thể thiếu trong đời sống tu tập. Làm nhang cũng là cách để lưu giữ những giá trị trong đời sống, để kết nối với tổ tiên, ông bà qua làn hương tỏa hàng đêm. Và, bởi lẽ làn khói trầm sẽ không thể không tỏa trên bàn hương án trong những khoảnh khắc đón và tiễn đưa ông bà trong dịp Tết.

Thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên của người Việt là nét văn hóa tâm linh đặc sắc, không chỉ dành riêng cho những người theo Phật giáo mà dù có theo tôn giáo nào thì nén nhang thắp lên bàn thờ cũng hết sức thiêng liêng. Làn khói hương trầm là sự kết nối với cõi vô hình và thế tục, sợi dây liên kết của tình thân hàng bao thế hệ, cõi lòng người gởi lên chư Phật, Bồ tát… Chính vì thế, nhiều ngôi chùa đã không ngại khó nhọc, vất vả sản xuất ra những thẻ nhang thơm trầm tinh chất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày