Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, đại thọ 102 tuổi

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên (thứ ba, hàng đầu từ trái sang) cùng chư Trưởng lão dẫn đầu cuộc biểu tình của Tăng tín đồ Phật giáo Thừa Thiên-Huế, mở đầu phong trào vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo vào chiều 14-4-1963
Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên (thứ ba, hàng đầu từ trái sang) cùng chư Trưởng lão dẫn đầu cuộc biểu tình của Tăng tín đồ Phật giáo Thừa Thiên-Huế, mở đầu phong trào vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo vào chiều 14-4-1963
GN - Đại thọ là một trong những mong ước của con người từ xa xưa. Người ta thường chúc “bách niên trường thọ”, nhưng hiếm ai sống được ngoài trăm tuổi...

Trong thiền môn VN thời cận hiện đại, ở những ngôi chùa đơn sơ với đời sống thường nhật đạm bạc tương rau - điều kiện sống tối thiểu, nhưng vẫn có nhiều cao tăng đại thọ, không chỉ ở tuổi “xưa nay hiếm” mà ngoài 100 vẫn minh mẫn, thông tuệ, tinh tấn, tỉnh giác cho đến lúc viên tịch.

Nhân dịp xuân về, người viết xin được giới thiệu một số cao đức Tăng, Ni cùng với đạo phong, đạo hạnh của quý ngài, như một tấm gương để đàn hậu học noi theo tu tập.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên họ Võ, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1878, tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 18 tuổi, ngài vào chùa Từ Hiếu - kinh đô Phú Xuân xin xuất gia với Tổ Tâm Tịnh. Năm 20 tuổi (1898), được bổn sư xuống tóc, cho thọ Sa-di giới, hai năm sau ngài thọ Tỳ-kheo tại Giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An).

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên - Ảnh: Lê Văn Lợi

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên - Ảnh: Lê Văn Lợi

Ngài là một trong những vị thành lập An Nam Phật học Hội tại Huế, cùng với cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập ra tạp chí Viên Âm để hoằng truyền Chánh pháp, làm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên, nơi đã đào tạo được nhiều vị cao tăng như các ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Thủ, Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Nguyện, Mật Hiển, Vĩnh Thừa… Sau đó, ngài làm Viện trưởng Phật học viện Hải Đức (Nha Trang) - một trong những trung tâm đào tạo Tăng tài của Phật giáo VN.

Khi được cung thỉnh làm Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần trong suốt 4 niên khóa, dẫu tuổi đã ngoài 80 nhưng ngài vẫn khỏe và minh mẫn, chu du đến nhiều nơi, đặc biệt là các vùng cao nguyên để thăm viếng, huấn dụ Tăng Ni, Phật tử tinh tấn tu học cũng như chu toàn Phật sự.

Giới hạnh nghiêm mật, ngài đã được cung thỉnh vào ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng tại các Giới đàn Hộ Quốc, Vạn Hạnh, Vĩnh Gia được tổ chức ở Nha Trang, Đà Nẵng và Huế; cũng như ngôi vị Tăng thống GHPGVNTN, kế nhiệm Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.

“Đạo Phật tồn tại, không chỉ ở hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển. Mặc dù kinh điển là chỉ nam hướng dẫn ta đến đạo quả vô thượng Bồ-đề. Nhưng sự tồn tại đích thực chính là ở sự thể hiện Đạo phong. Những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng-già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ Chánh pháp, để Chánh pháp mãi mãi tồn tại với thế gian và làm lợi ích chúng sanh...” - trong một tâm thư gửi Tăng Ni nhân mùa An cư sau ngày thống nhất đất nước (1976), ngài đã viết.

Nhiều người có duyên thân cận ngài cho biết, dẫu bận rộn Phật sự như thế nào, - ngài vẫn luôn giữ thời khóa hành trì, thời gian nghiên cứu kinh, luật. Cuộc sống thanh đạm nhưng chính nhờ năng lượng tâm linh sâu dày đó đã làm cho sức khỏe của ngài rất ổn định, đầu óc thảnh thản, đạo phong ân cần mà tự tại.

Mặc dầu khi đã 102 tuổi, vẫn không hề thấy ngài có triệu chứng thông thường của người luống tuổi, tuy gầy ốm nhưng vẫn đi đứng bình thường, oai nghiêm đĩnh đạc, không phiền người dìu dắt, không hề nắm gậy, ngồi hàng giờ lưng không biết đau, gối không biết mỏi; mắt không mờ tai không lãng, nói năng rõ ràng không hề lẫn lộn và trí tuệ minh mẫn một cách lạ thường.

Một ngày trước lúc viên tịch, ngài vẫn ngồi tiếp chuyện chư Tăng đến vấn an đầu năm. Ngài an nhiên xả báo thân vào hồi 6 giờ 30 ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1-2-1979) tại tổ đình Thuyền Tôn, một trong những nơi ngài trú trì. Ngài hưởng thọ 102 tuổi đời, 68 hạ lạp. Bảo tháp của ngài hiện tôn trí tại khuôn viên tổ đình Thuyền Tôn - Huế. Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị là cao tăng thời hiện đại, như Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Thiện Bình…

Hoàng Độ/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày