Truyện ngắn Nguyên Hương: Nhân duyên

GN - Mấy lần trước, ba vừa vô ra bệnh viện để chăm sóc bà nội vừa tranh thủ đưa đón em My đi học được, còn má thì vẫn đi bán buổi sáng cho tới gần hết buổi chiều mới dọn hàng về sớm để lo cơm cháo cho ngày hôm sau. Phần cơm cho người khỏe mạnh là kho sẵn thức ăn mặn để tôi đi học về chỉ cắm nồi cơm và luộc rau. Phần cháo cho người đau ốm thì mất công hơn vì mỗi bữa mỗi vị khác nhau để “dụ” bà nội ngon miệng mà chịu ăn, đó là cái lý của má. Còn với bà nội thì miệng mồm đắng ngắt chẳng thiết gì, chỉ vì cảm động công sức má kỳ công nấu nướng. Sau vài ba ngày nằm viện về, bà nội cảm ơn má một cách hóm hỉnh: “Mỗi khi mở nắp gà-mèn ra thì tất cả bệnh nhân đều bừng tỉnh”.
nhanduyen.jpg
Minh họa: Nhuận Thường

Lần này thì khác. Sau một tuần thì bà nội phải chuyển viện. Bắt đầu chuỗi ngày rối ren. Ba má bàn bạc căng thẳng. Công việc ở công ty ba đang giai đoạn nước rút, ba lại là kỹ sư chịu trách nhiệm chính. Mà ngay cả khi ba sẵn sàng nghỉ phép để đưa bà nội đi nhưng đàn ông làm gì được? Như là lau rửa?

 Má thở dài, má có hai đứa con là tôi và em My, thêm đứa nữa là quầy hàng tạp hóa ngoài chợ. Tiền mua chỗ, tiền thuế môn bài rồi thuế tháng, tiền hàng tiền hụi chết tiền hụi sống tiền này tiền kia… Má nói mỗi buổi sáng vừa mở cửa chưa bán được món nào đã thấy sừng sững một mớ tiền phải trả, ngày nào lỡ ế ẩm coi như mớ tiền đó thành cục nợ dồn qua ngày mai. Vậy nên có những lúc mệt mỏi má cũng không dám nghỉ bán, còn vì sợ mất khách nữa. Khách quen tới mua không thấy mình, đi qua hàng khác rồi thì nơi đó khéo léo mời chào là mình mất khách luôn. Buôn bán bây giờ cạnh tranh đủ thứ, người bán thì nhiều mà người mua ngày càng kỹ tính hơn.

Bàn bạc một hồi thì người đi là má, với điều kiện là ba ở nhà phải kiêm luôn nhiệm vụ thay má bán hàng. Bán lẻ thì đành bỏ, nhưng những mối sỉ thì cố mà giữ. Má sẽ điện thoại về thông báo những mặt hàng người ta cần, ba đóng thùng rồi giao cho xe thồ chở tới bạn hàng. Phần tôi thì lo cơm nước và vì ba thêm việc đóng hàng chở hàng nên tôi thay ba đưa đón em My.

Nghe thì dễ, nhưng thực tế thì rối nùi. Đi lui đi tới giữa đống hàng hóa, ba gãi đầu gãi tai, hàng trăm món mà phần lớn là những món chỉ đàn bà đi chợ mới rành, lại thêm mỗi món có biết bao thương hiệu khác nhau… Ông xe thồ đứng đợi chở hàng phì cười nhìn ba ngoẹo cổ giữ cho cái điện thoại nằm yên giữa tai và vai để lắng nghe hướng dẫn của má món này nằm ở đâu món kia ở chỗ nào và sắp xếp sao cho món này đừng đè bẹp món kia. Có khi ba đang ở công ty mà điện thoại gọi tới đòi lấy hàng gấp…

Trường cấp hai của em My ngược đường và cách trường tôi bốn cây số. Học thêm thì ngày nào hai chị em cũng có mấy ca trùng giờ nhau cho nên tôi lúc nào cũng hấp ta hấp tấp chạy mà vẫn không kịp. Lúc nào tôi tới nơi cũng chỉ còn một mình em My đứng trước cổng nhà cô giáo.

- Sao bây giờ chị mới tới? - My nhăn nhó.

- Thì chị cũng mới đi học ra mà - Tôi khát nước quá chừng mà vì sợ My sốt ruột nên chẳng kịp uống mà chạy luôn tới đây. Vậy mà còn nhăn nhó sao?

- Lên xe nhanh - Tôi cáu.

- Chị nạt nộ gì? - My mếu miệng - Em bị trễ học ca sau rồi.

- Chị không trễ à? - Tôi nạt. Làm như trễ học là lỗi tại tôi không bằng.

Sau mấy ngày bị tôi gắt gỏng, em My nói với ba:

- Mua xe đạp cho con tự đi một mình đi ba.

Nghe em My nói tôi cũng thấy mừng.

Đang toát mồ hôi với toa hàng khách báo có nhiều nhầm lẫn, ba quát lên:

- Xe cộ gì lúc này hả? Để lúc khác mè nheo nghe chưa?

Em My khóc òa.

*

Một tháng thì bà nội về. Tối qua nghe điện thoại má nói hôm nay đưa bà nội về, chị em tôi mừng lắm. Nhưng bây giờ thì hai đứa đờ người. Bà nội trước mặt chúng tôi quá khác với bà nội tinh anh hóm hỉnh ngày nào. Khuôn mặt ngơ ngác, đôi mắt bà thất thần vô hồn…

Di chứng tai biến.

Ba dìu bà nội vô nhà, quai hàm ba cắn lại. Má xách đồ đạc đi vô sau, buồn lặng đến nỗi không nhìn chị em tôi.

Thật là hụt hẫng. Tối qua hai chị em tôi rất vui, còn định đòi má nấu một bữa thật linh đình bù cho khi má vắng nhà.

- Sao mấy bữa trước má không nói cho tụi con biết bà nội bị nặng hơn? - Tôi hỏi má.

- Biết trước thì hai đứa làm được gì hả? - Má hỏi lại.

Tôi cúi đầu. Ừ, tôi làm được gì đâu. Bỗng tủi thân muốn khóc. Sao má hỏi lại tôi như vậy? Tôi vô tích sự à?

- Chị Mai… - Em My khều lưng tôi.

Tôi gắt:

- Bỏ tay ra. Mai mốt gì? Đồ vô tích sự.

Em My trố mắt, rồi bật khóc.

- Im ngay - Ba quát lên - Không phải lúc nhõng nhẽo.

My khóc to hơn mà má cũng không buồn dỗ dành.

Ai cũng rối và ai cũng sẵn sàng to tiếng nặng lời. Tôi nhìn bà nội và thấy nản kinh khủng. Sao bà nội không ở với chú hay với bác mà về nhà tôi?

*

Buổi sáng bắt đầu bằng mùi hôi thối, là bà nội ị đùn. Ngày nào má cũng bắt đầu bằng việc lau rửa cho bà nội, rồi giặt giũ mền chiếu, phơi phóng. Những ngày trời âm u, nhà cửa giăng đầy lụng thụng…

Có những buổi sáng tôi thấy ba má phờ phạc vì suốt đêm qua bà nội lang thang khắp nhà, còn đòi mở cổng đi ra đường nữa. Bữa cơm bà nội nhìn chén cháo rau củ xay nhuyễn mà khóc, cứ như bà tủi thân vì sự khác biệt. Dỗ dành đút cho bà chịu ăn hết chén cháo, chưa kịp lau miệng thì bà đã ói ra…

Thêm một tháng trôi qua, má hay mở tủ đếm tiền và thở dài. Không thể nghỉ bán hoài được. Mà biết nhờ ai đây?

*

Dì Kim là người thứ ba. Hai người trước đã lắc đầu bỏ đi ngay sau ngày đầu tiên.

- Nói cho em biết trước là cực lắm - Má tôi nhỏ nhẹ như năn nỉ, sợ dì Kim lắc đầu.

Dì Kim mỉm cười:

- Em biết mà. Cứ để em thử vài ngày.

Bà nội ngồi rúc ở góc nhà, hai tay che mặt. Rồi bà khóc òa. Y hệt như với hai người trước.

Má tôi cũng khóc. Ba thì quay mặt đi, cắn răng bất lực.

Tôi và em My cũng khóc theo.

Ngày đầu tiên dì Kim tới là như vậy đó. Ai cũng khóc. Dì Kim mím môi bần thần một hồi lâu. Rồi dì đi tới trước mặt bà nội, dì ngồi bệt xuống nền nhà, khom lưng thật thấp để khuôn mặt dì ngang mặt bà nội.

- Cháu tới chơi với bà thôi mà - Dì Kim nói thật chậm như để bà nội có thời gian ngấm được ý nghĩa của câu nói.

Bà nội xòe rộng ngón trỏ và ngón giữa, hai con mắt bà lộ ra giữa hai kẽ ngón tay. Bà nhìn dì Kim như thể đã gặp ở đâu rồi và đang cố nhớ lại.

Chỉ với việc bà nội nín khóc cũng đủ khiến cả nhà tôi ngạc nhiên rồi. Và phập phồng hy vọng. Ánh mắt bà nội nhìn dì Kim thoát khỏi vẻ ngơ ngác trong phút giây.

Má tôi đi tới sau lưng dì Kim, nói nhanh:

- Thật tình là chị kẹt cứng việc nhà việc buôn bán, em mà chăm sóc bà được thì chị sẽ tăng lương thêm một triệu.

*

Đêm bà nội vẫn lang thang khắp nhà và buổi sáng bà nội vẫn ị đùn nhưng mọi việc đã ổn hơn nhiều.

Có dì Kim tận tình chăm sóc bà nội, nhịp điệu thường ngày quay trở lại. Những buổi cơm chiều cả nhà bên nhau đúng nghĩa cả nhà vì bà nội đã chịu ngồi yên ở bàn, có khi bà ăn không hết chén cháo nhưng vẻ mặt thư thái như ngồi đây rất dễ chịu khiến không khí nhẹ nhàng ấm áp, ai cũng thấy vui.

- Sao em biết nhà chị cần người? - Má tôi hỏi - Nhà em ở đâu?

- Nhà em ở thành phố - Dì Kim trả lời - Gần bệnh viện mà hồi đó chị đưa bà tới.

Trả lời xong dì Kim đi nhanh xuống bếp lo hầm củ dền để nấu cháo. Đi làm thuê thì ai cũng khổ, dì Kim thuộc dạng không muốn kể lể hoàn cảnh của mình. Má tôi nghĩ vậy và thôi không dò hỏi nữa. Ban đầu, lo lắng vì không biết dì như thế nào mà ở chung nhà với mình, ba má tôi đặt camera theo dõi, sau thì hoàn toàn yên tâm.

Cả nhà tôi ai cũng mến dì. Thật tình, khó phân định rạch ròi mến là vì dì ân cần tốt bụng hay vì có dì thì mọi việc trôi chảy.

Dù sao thì dì cũng thành người quen thân của gia đình tôi suốt hai năm, cho tới khi bà nội mất đi. Đáng ngạc nhiên là khi dì đi rồi thì thỉnh thoảng có người ghé hỏi thăm và gởi lời cảm ơn nhờ món tiền dì cho mà họ qua được cơn khó. Vậy mà cứ tưởng tăng lương thêm một triệu là món tiền lớn đối với dì.

*

Về thành phố học đại học, việc đầu tiên là tìm phòng trọ. Từ khi còn ở nhà, tôi và hai đứa bạn thân đã lên mạng dò tìm một số địa chỉ trọ gần trường, nhìn hình chụp căn phòng cũng rất được. Nhưng khi đến tận nơi thì ôi thôi thôi... Phòng thứ nhất vừa chật hẹp vừa không có cửa sổ, rất bí. Phòng thứ hai ở tầng áp mái, vừa chui đầu vô đã nóng hầm hập. Phòng thứ ba khi bọn tôi tới thì thấy có một ông xăm trổ đầy mình đứng chống nạnh ngay cổng. Phòng thứ tư chưa đến nơi đã kéo nhau lùi lại vì đường đi có nhiều quán nhậu…

Suốt cả ngày bọn tôi từ địa chỉ này tới địa chỉ kia, mới biết phòng trọ thành phố không dễ như ở tỉnh nhỏ của mình. Đến chiều, tờ giấy trong tay tôi còn địa chỉ cuối cùng.

Ngừng lại trước ngôi nhà ba tầng khang trang và không có cảnh áo quần phơi lòng thòng. Cánh cửa sổ tầng hai đang mở và nhìn xuyên qua tôi thấy cái bàn và kệ sách. Nhìn lên tầng ba tôi thấy có mấy chậu hoa ngoài ban công. Rồi tôi nhìn xuống chân tường có những bụi hoa màu tím biếc rung rinh. Ngôi nhà này ngon lành nhất trong các nơi. Tim tôi đập mạnh trong nỗi ước ao. Tôi mệt quá rồi, chỉ mong chủ nhà này đồng ý thì tôi sẽ nhận phòng ngay và nằm lăn quay ra mà ngủ một giấc.

Người mở cửa là dì Kim. Nụ cười hồn hậu quen thuộc. Ở một nơi còn xa lạ mà được gặp dì thì còn gì bằng.

- Dì trọ ở đây hả? - Tôi mừng rỡ. Một nơi mà dì Kim chọn để ở thì chắc là rất ổn.

- Nhà dì. À hả, cháu là cô sinh viên gọi điện thoại hỏi phòng trọ phải không? - Dì Kim tíu tít cầm tay tôi kéo vô nhà - Trời ơi sao dì không nhận ra giọng nói của cháu. Vô nhà đi mấy đứa. Bật quạt lên cho mát. Để dì pha nước chanh.

Tôi nhìn quanh phòng khách, gió từ cánh quạt thổi bay bay tờ lịch có hình hai chú tiểu chỏm trái đào, tường chính diện treo bức tranh thêu lá bồ-đề, và bức tường bên hông có khung hình treo chữ Tâm viết theo lối thư pháp.

*

Tôi biết đi chùa và ăn chay từ đó. Và sau đó thì ba má tôi và em My cũng ăn chay.

Không thể giải thích khác hơn vì sao sinh sống ở hai nơi xa cách, dì Kim khá giả vậy mà tìm đến nhà tôi để xin làm người giúp việc chịu ngày đêm vất vả chăm sóc bà nội chu đáo tận tình, Sư cô nói có lẽ kiếp trước dì Kim và bà nội là người thân chung một nhà, được bà nội yêu thương lắm nên kiếp này dì tìm gặp nội để báo đáp ân tình.

Tôi mới tập đi chùa thôi, khi đọc kinh tôi còn phải nhìn sách, có những câu kinh tôi đã thuộc mà vẫn chưa hiểu thấu, và có đôi khi lòng tôi hoang mang…

Nhưng chắc chắn tôi tin có kiếp trước kiếp sau. Tôi tin cơn bệnh của bà nội là một bài học sâu xa và kiếp này mình may mắn được gặp dì Kim như một vị thầy. Nếu không, biết đâu tôi tiếp tục là một người ích kỷ hẹp hòi như tôi từng ấm ức sao bà nội không về ở với chú hay bác cho nhà mình đỡ mệt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày