Truyền thống đón năm mới ở một số nước châu Á

Đền Meiji luôn tấp nập khách vào dịp năm mới. (Ảnh: imageshack.us)
Đền Meiji luôn tấp nập khách vào dịp năm mới. (Ảnh: imageshack.us)
Năm cũ đã đi qua, năm mới lại đến, mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những phong tục đón chào năm mới độc đáo của riêng mình.

1. Nhật Bản:

Mặc dù người Nhật không ăn Tết âm lịch như Việt Nam nhưng ngày Tết dương lịch vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Vào Năm mới, mọi người đều được nghỉ từ ngày 1 - 3/1.

Trước thềm năm mới, mọi gia đình người Nhật đều tổ chức một bữa tiệc gọi là Bonenkai (bữa tiệc giã từ năm cũ) để xóa bỏ những lo lắng, buồn phiền, chào đón năm mới đến.

Vào những ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trong nhà và ngoài cổng đều được trang trí bằng những đồ dùng làm từ gỗ thông, tre và cây mận.

Ngày 1/1 là một ngày quan trọng, đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới. Người ta quan niệm rằng, xem mặt trời mọc vào ngày này là việc làm tốt nhất để chào đón một năm mới thịnh vượng, may mắn và tốt đẹp.

Theo truyền thống, vào những ngày đầu năm, mọi người phải viếng thăm một điện thờ hoặc một ngôi chùa. Các ngôi chùa và đền thờ nổi tiếng như đền Meiji ở Tokyo, trong ba ngày tết, có đến hàng triệu lượt người đến thăm, đông nhất là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những tiếng chuông chùa rung lên vào lúc nửa đêm.

Người Nhật quan niệm không ai được nợ nần từ năm cũ sang năm mới, ai cũng phải đi trả nợ để cho năm mới đựoc suôn sẻ, làm ăn phát đạt.

Có rất nhiều loại thức ăn được dùng đến trong những ngày lễ năm mới.

Vào đêm giao thừa, người ta thường ăn món toshikishi soba (mì kiều mạch), một loại mì sợi dài tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài. Gần đây ở Nhật có một phong tục phổ biến là người ta thường xem chương trình ca nhạc “kohaku uta gassen”, một chương trình nhạc hội quy tụ những ca sĩ nổi tiếng nhất vào đêm giao thừa.

Một món ăn quan trọng nữa là bánh Omochi. Thứ này được ăn với súp Ozoni.

Đồ cúng được bày trên một cái bàn nhỏ. Đồ cúng thường bao gồm Omochi, quả hồng khô, hạt dẻ khô, hạt thông, đậu đen, cá mòi, tôm, cá tráp, mực, Mochibana, quýt và nhiều thứ khác nữa tùy từng nơi.

Món Toshikishi soba luôn được ăn vào dịp năm mới ở Nhật. (Ảnh: Worldpress.com)

Món Toshikishi soba luôn được ăn vào dịp năm mới ở Nhật.
(Ảnh: Worldpress.com)

Khi năm mới bắt đầu, các thành viên trong gia đình có truyền thống cúng vào buổi sáng đầu năm ở nhà.

Người Nhật cũng thường chơi một số trò chơi truyền thống vào dịp này, nhưng gần đây, chúng cũng không còn mấy phổ biến nữa: Hanetsuki (môn cầu lông Nhật Bản), Takoage (thả diều) và Karuta (chơi bài).

Vào dịp năm mới, người Nhật không bao giờ quên một phong tục, đó là gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bạn bè, người thân vào ngày 1/1.

2. Trung Quốc

Trung Quốc là một đất nước giàu truyền thống văn hóa. Năm mới ở Trung Quốc trải dài từ giữa tháng 12 của năm cũ tới giữa tháng 1 của năm mới (tính theo lịch âm).

Vào dịp năm mới, mỗi gia đình người Trung Quốc đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, hi vọng sẽ xóa bỏ được tất cả mọi lo lắng, xui xẻo, tà ma trong gia đình để dọn đường cho thần may mắn vào nhà. Mọi người cũng sơn lại cửa chính và cửa sổ, thường là bằng màu đỏ.

Họ trang trí các cánh cửa bằng hình các con vật được cắt ra từ giấy và các cặp câu đối với những chủ đề phổ biến như “hạnh phúc”, “giàu có”, “sống lâu” và “hôn nhân hạnh phúc, con cháu đầy đàn”. Các bức tranh có cùng chủ đề được treo trong nhà

Đèn lồng đỏ là vật không thể thiếu trong ngày Tết ở Trung Quốc. (Ảnh: Chinapicture.org)

Đèn lồng đỏ là vật không thể thiếu trong ngày Tết ở Trung Quốc.
(Ảnh: Chinapicture.org)

Bữa ăn tối vào đêm giao thừa của người Trung Quốc là lúc tất cả thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Sau bữa tối, cả gia đình ngồi lại chơi bài hay xem các chương trình truyền hình năm mới. Người Trung Quốc cũng có truyền thống bật tất cả các ngọn đèn sáng suốt đêm.

Sáng sớm ngày Mùng Một, trẻ con mặc quần áo đẹp và nhận tiền mừng tuổi được bỏ trong những phong bao nhỏ màu đỏ. Sau đó, cả gia đình bắt đầu đi đến nhà họ hàng, láng giềng để chúc mừng năm mới. Đây là một truyền thống tốt đẹp và người ta tin rằng, việc làm này nhằm giúp xóa bỏ tất cả mọi hận thù trong năm cũ. Trong những ngày năm mới tiếp theo, mọi người tiếp tục thăm hỏi, chúc tết nhau.

Khi 2 tuần tết đã đi qua, thì lễ hội đèn lồng lại bắt đầu. Đây là lễ hội để mọi người trưng bày các loại đèn lồng khác nhau và trình diễn các điệu nhảy truyền thống. Hội đèn lồng bắt đầu báo hiệu sự kết thúc của lễ hội mừng năm mới, cho biết cuộc sống lại tiếp tục trở về nhịp sống thường ngày.

3. Singapore

Năm mới được xem là lễ hội chính của người Singapore. Hầu hết các hoạt động đều được tổ chức theo truyền thống của người Trung Quốc, theo lịch âm.

Người Singapore chào đón năm mới. (Ảnh: Visitsingaporre.com)

Người Singapore chào đón năm mới. (Ảnh: Visitsingaporre.com)

Năm mới ở Singapore cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Tuy nhiên, bên cạnh việc trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm, các nghi lễ kỉ niệm và tiệc tùng, Singapore còn có một chương trình đặc biệt – Chun Jie, hay còn gọi là Lễ hội mùa Xuân, một nét văn hóa đặc trưng để phân biệt năm mới của Singapore và các nước khác.

Chun Jie kéo dài 6 tuần từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 2 với nhiều lễ hội như Singapore River Hongbao, lễ diễu hành Chingay Parade of Dreams hoành tráng với sự tham gia diễu hành của hàng trăm người, lễ đón Năm mới tại khu phố người Hoa cùng hàng loạt hoạt động như kết đèn hoa đăng trang hoàng đường phố, hay các bữa tiệc tất niên với quy mô hàng trăm nghìn người.

Sự chuẩn bị cho Chun Jie bắt đầu một tháng trước khi năm mới đến. Đây là hoạt động đặc biệt, thu hút rất nhiều người tham gia.

4. Indonesia

Trong tiếng Indonesia, Năm mới là Tahun Baru Masehi, thường được tổ chức vào ngày 1/1 hàng năm. Đây được xem là một ngày lễ quan trọng của quốc gia, vì vậy tất cả mọi người đều được nghỉ vào những ngày này.

Vào những ngày đón năm mới, mọi người đều thích dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Đây là một kỳ nghỉ, nên các rạp chiếu phim hay nhà hàng thường có rất đông người. Họ vui chơi, ăn uống, tham quan một vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong thành phố. Vào các buổi tối, mọi người thường đến các quán rượu và câu lạc bộ đêm để hưởng thụ không khí vui vẻ cùng bạn bè.

Vào dịp năm mới, mọi người cũng tranh thủ đi mua sắm. Những khu phố buôn bán lớn luôn tấp nập, người ta đến để mua quần áo và các vật dụng mới, đây là quan niệm mong muốn có được một sự khởi đầu mới tốt đẹp.

Mọi người cùng đổ ra đường đón chào năm mới ở Indonesia. (Ảnh: Hoahoctro.vn)

Mọi người cùng đổ ra đường đón chào năm mới ở Indonesia.
(Ảnh: Hoahoctro.vn)

Người Indonesia cũng chuẩn bị đồ cúng đặt bàn thờ cúng các vị thần và tổ tiên vào đêm giao thừa. Đồ cúng gồm chủ yếu là bánh và trái cây. Đầu tiên, người Indonesia sẽ bày đồ cúng trên một chiếc bàn đặt phía ngoài ngôi nhà. Mỗi thành viên trong gia đình đốt hương, chắp tay và vái ba vái để bày tỏ tấm lòng thành kính và xin phép được vào nhà.

Trong nhà, người ta bày đồ cúng lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Các thành viên trong gia đình lại lần lượt thắp hương và vái trước bàn thờ tổ tiên, thậm chí có người còn quỳ trước bàn thờ để bày tỏ sự kính trọng. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục trên, mọi người mới bắt đầu các hoạt động của buổi tối, cùng nhau thưởng thức bữa ăn lớn nhất trong năm.

Một số các món ăn truyền thống có ý nghĩa của sự sum vầy và giàu có cũng được chuẩn bị sẵn.

Món ăn được xem là may mắn nhất là cá. Theo tiếng Trung Quốc, con cá được đọc là “Yu”, âm giống với từ “dư thừa". Gà, tôm cũng là những món ăn được ưa chuộng ở Indonesia vì theo tiếng Quảng Đông, từ lườn gà có âm giống với từ “kinh doanh thành đạt”, còn tôm được phát âm là “ha”, có âm giống với “tiếng cười”.

Sau bữa ăn tối, các thành viên trong gia đình cùng nhau chơi trò chơi, uống rượu, ca hát, kể chuyện cười… Các gia đình đều muốn tổ chức một bữa tối thật hạnh phúc với hi vọng sẽ hướng tới một năm mới tràn đầy thành công và tốt đẹp.

Người Indonesia cũng tin rằng, vào đêm giao thừa, tất cả các ngọn đèn trong nhà phải được bật sáng suốt đêm. Nếu nhà tối tăm, thần tương lai sẽ không thể nhìn thấy gì và sẽ không ghé vào gia đình họ.

Cũng có nhiều gia đình đi chùa thắp nến và cầu nguyện các thần như Kwan Im, thần tình yêu và thần may mắn. Ở Indonesia, hầu hết các ngôi chùa đều mở cửa vào đêm giao thừa. Người ta thường thắp rất nhiều nến trong chùa vì tin đó là dấu hiệu cho một tương lai tươi sáng.

Có chùa đốt những cây nến cao gần 2m, có thể cháy đến vài tháng. Ở Jakarta, những lễ nghi này có thể được xem ở những ngôi chùa Trung Quốc lâu đời nhất ở thành phố này như Wihara Dharma Bhakti nằm ở Petak Sembilan ở quận Kota, khu Hoa kiều ở Jakarta.

Vào nửa đêm, pháo hoa được bắn ở khắp mọi nơi. Đây là hành động để xua đuổi tà ma và tội ác, nhưng cũng để tăng thêm sự hứng khởi của mọi người trong lễ hội mừng năm mới. Theo truyền thống, vào thời khắc này, các gia đình đều mở toang cửa sổ và cửa chính để tiễn năm cũ đi và đón may mắn vào nhà trong năm mới.

5. Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, năm mới được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong năm. Có nhiều gia đình Hàn Quốc tổ chức lễ hội mừng năm mới vào ngày 1/1 theo lịch mặt trời, những cũng có một số tổ chức theo lịch âm giống Việt Nam. Ở một vài nơi, người ta tổ chức cả hai lần.

Các thiếu nữ Hàn Quốc duyên dáng trong bộ quần áo truyền thống Hàn Quốc. (Ảnh: Dailylife.com)

Các thiếu nữ Hàn Quốc duyên dáng trong bộ quần áo truyền thống Hàn Quốc.
(Ảnh: Dailylife.com)

Năm mới ở Hàn Quốc là một kỳ nghỉ đối với các thành viên trong gia đình. Nhiều người Hàn mặc những bộ hanbok đủ màu sắc và tiến hành nghi lễ biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên vào sáng đầu năm, hay còn gọi là tục Sebae.

Sebae là truyền thống bày tỏ sự kính trọng với cha mẹ, ông bà của con cháu vào dịp năm mới. Con cái thăm cha mẹ và cầu chúc họ một năm mới hạnh phúc bằng cách quỳ lạy họ. Cha mẹ đáp lễ bằng cách cho con cái một số tiền mừng tuổi và những lời chỉ dạy sáng suốt. sau đó cùng ăn món súp bánh gạo cho bữa sáng.

Cuối ngày, mọi người cùng họ hàng, bạn bè cùng tham gia bữa ăn tối để củng cố mối quan hệ tốt đẹp.

Nhiều người Hàn đón năm mới bằng cách đến thăm các bờ biển phía Đông Hàn Quốc như các thành phố Gangneung và Donghae thuộc tỉng Dangwon, để ngắm nhìn mặt trời mọc lần đầu tiên trong năm mới. Đây được xem là sẽ mang lại may mắn cho mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Sức cảm hóa của sự chân thật và giản dị

GNO - Dẫu ở ngôi vị nào, vai trò nào, ngài vẫn vậy: khiêm cung, tự tại, chung thủy với nếp đạo phát nguyện thuở ban đầu. Vẫn góc phương trượng đơn sơ, chiếc áo nâu sờn nếp, tận tình chỉ dạy cho hàng hậu học, từ ái với mọi người bất phân thượng hạ…

Thông tin hàng ngày