Hương Sơn vào mùa hội

Hương Sơn vào mùa hội
Sáng 31-1 (mùng 6 tháng giêng Kỷ Sửu), khoảng 10 vạn du khách đã đổ về Hương Sơn, gây ách tắc trên dòng suối Yến suốt 2 giờ. Chương trình Khai hội diễn ra muộn so với lịch trình ban đầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã làm lễ niêm hương kỳ nguyện khai mở mùa lễ hội mới cho Hương Tích. 

Theo ông Lê Văn Sang (Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức), trước khi Khai hội (tính từ ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết), đã có 8,2 vạn lượt người trẩy hội chùa Hương. Mặc dù, Ban tổ chức và chính quyền địa phương đã cam kết sẽ tổ chức lễ hội thật chu đáo, để hội chùa Hương trở thành lễ hội văn hóa tâm linh dân tộc, nhưng bên cạnh những thành tựu, đó đây trong mùa hội ở Hương Tích vẫn còn nhiều những trăn trở, ưu tư...

khai-hoi.gif

                                                  Biểu diễn văn nghệ khai hội chùa Hương
Nạn "chặt chém" du khách
Tại buổi họp báo trước khi khai hội, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi chất vấn Ban tổ chức lễ hội chùa Hương xoay quanh những bất cập vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Vấn đề nào cũng được Ban tổ chức khẳng định là sẽ giải quyết triệt để, thế nhưng khi lễ hội diễn ra thì rất nhiều vấn đề dường như… vẫn như cũ. Chúng tôi có mặt ở Hương Sơn từ chiều mùng 5 Tết. Dịch vụ đầu tiên mà mỗi người hành hương về đây phải “chạm trán” chính là khâu trông giữ xe máy, ô tô. Ông Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương) khẳng định: “Theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội, giá gửi xe máy trên toàn thành phố không được vượt quá 2.000đ/lượt ban ngày, như vậy là quá thấp so với mức tiền thu trông coi xe ở chùa Hương từ trước tới nay, tuy nhiên Ban tổ chức đã vận động người dân Hương Sơn thực hiện nghiêm túc quy định”. Thế nhưng chúng tôi đi khắp khu vực quanh bến Yến cũng không tìm thấy một cơ sở trông giữ nào thực hiện những quy định mà ông Hậu đã nói. Giá tiền trông giữ xe máy phổ biến ở mức: 10.000 đồng/xe/đêm, 5.000 đồng/xe/ngày. Mặc dù chúng tôi gửi xe vào lúc 18 giờ đến 11 giờ hôm sau, những vẫn phải tính là gửi 2 ngày 1 đêm, vì được giải thích là ban đêm tính từ 22 giờ trở đi đến 6 giờ.

khaihoi-b.gif

 Ô.Phạm Quang Nghị Bí Thư Thành Ủy TP Hà Nội và các vị lãnh đạo trong ngày khai hội
 

Cảm nhận đầu tiên khi đi đò vào Hương Tích là suối Yến năm nay trở nên trong xanh và thông thoáng hơn, nhờ đã được nạo vét quy mô từ trước Tết. Màn đêm buông xuống cùng ánh trăng non đầu tháng lung linh huyền ảo, suối Yến rộn rã những con đò xuôi, ngược chở những tiếng hát, tiếng nói cười, tiếng tụng kinh lan tỏa khắp mặt nước. Một điều lạ là, mặc dù đêm tối nhưng không một con đò nào sử dụng đèn. Chị lái đò giải thích: Nếu mỗi đò treo một ngọn đèn, mặt sông sẽ trở thành chiếc gương khổng lồ hắt ngược ánh sáng của hàng trăm, hàng ngàn nguồn sáng. Người trên đò sẽ lóa mắt hết, không thể trông thấy gì, các đò rất dễ va chạm nhau gây tai nạn. Bởi vậy có một quy ước, ban đêm tất cả mọi chủ đò đều không được sử dụng đèn. Suốt đêm trước ngày khai hội, chúng tôi được du ngoạn khám phá quang cảnh Hương Sơn trong vô vàn những ánh đèn lung linh huyền ảo. La liệt những quán ăn, nơi nghỉ trọ, bán đồ lưu niệm… Những nhà trọ đơn giản với mái tôn, cột tre dựng cùng những thân cây cổ thụ, vách được quây bằng bạt. Trên những dãy phản dài hàng chục mét, người ta trải chiếu san sát để du khách nghỉ qua đêm, giá thuê mỗi chiếu 50.000-70.000 đồng/đêm. Chị M…, một chủ cho thuê trọ cho biết: gian hàng của chị gồm 60 chiếc chiếu, những hôm đông khách cho doanh thu hơn 3 triệu đồng/đêm. Mỗi năm, chị đạt doanh thu gần 200 triệu, sau khi nộp phí cho Ban Tổ chức, còn lãi hơn 150 triệu.

khaihoi-2.gif

Rước lân, múa rồng trên suối Yến

 


"Thỏ lạ" bày bán ở Hương Sơn
Dọc bến Trò và hai bên đường lên chùa Thiên Trù, chúng tôi đếm được hơn 30 quán ăn treo bán thịt những con thú rừng. Tại buổi họp báo trước khi khai hội, giải thích về việc thú rừng được treo bán thản nhiên trong khu vực lễ hội, ông Nguyễn Văn Hậu năm lần bảy lượt khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Không có thịt thú rừng! Bày bán tại đó là những con thỏ nuôi”. Du xuân Hương Tích lần này, tôi có dịp kiểm chứng lại những lời tuyên bố của ông Hậu. Đúng là rất nhiều những con thỏ, bê được bày bán nhưng chúng tôi cũng được chứng kiến vô vàn những con “thỏ lạ”: có con “thỏ” nhô lên những chiếc gạc ở trên đầu; có con “thỏ” nặng hơn 20 kg, chân nhỏ dài, đầu bé choắt; rất nhiều những bộ da “thỏ” màu vằn vện, có bộ da “thỏ” lông màu vàng ươm điểm xuyết những chấm trắng. Ông chủ quán ăn H.L cho biết đây chính là thú rừng xịn: nai, báo hoa, hươu rừng, chồn… Chúng tôi đã “thực mục sở thị” những chiếc cũi sắt nhốt các con thú rừng sống. Chủ quán cho biết: “Hàng ngày có nhiều người vào rừng Hương Sơn săn bắt thú để đem về bán, nguồn thú rừng rất dồi dào nên cần là có ngay…”.
Chưa khai hội đã ách tắc
Từ 4 giờ sáng 31-1, du khách đã nườm nượp đổ về Hương Tích, người đông đúc như nêm. Ngay từ sáng sớm, trên suối Yến đã diễn ra các màn rước lân, múa rồng của các cụ già ở trong xã. Chùa Thiên Trù, nơi diễn ra lễ khai hội, đã đông kín khách thập phương ngay từ lúc tinh mơ. Theo chương trình, lễ khai hội sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ, nhưng đoàn các vị quan chức đã không thể vào khu vực khai hội đúng giờ, vì gặp phải ách tắc trên suối Yến. Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết: Hơn 4.700 chiếc đò đã được huy động để vận chuyển du khách, thế nhưng vẫn có hàng nghìn du khách bị ách lại bến Yến vì không còn đò. Lượng khách vào chùa Hương trong buổi sáng 31-1 ước khoảng 5 vạn người. Hàng ngàn chiếc đò chen chúc nhau đã gây ách tắc trên suối Yến tại khu vực Cầu Hội suốt từ 8 giờ đến 9 giờ 30.
 Đến 10 giờ15, đoàn các vị lãnh đạo của Thành phố Hà Nội và Trung ương  mới tới được chùa Thiên Trù để bắt đầu lễ khai hội. Tham dự Lễ khai hội chùa Hương năm nay có đại diện Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng… Phát biểu tại lễ khai hội, bà Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận: “Sức hút lễ hội chùa Hương thật kỳ diệu, không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn đưa đông đảo quần chúng nhân dân trở về với cội nguồn văn hóa của dân tộc”. Đại diện cho các Tăng Ni, Phật tử Tùng lâm Hương Tích, TT.Thích Minh Hiền đã cầu chúc cho đất nước, nhân dân và Phật tử một mùa xuân an lạc.
2009 ngọn hoa đăng
đêm Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm
Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ tiếp tục trong mùa hội kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. TT.Thích Minh Hiền cho biết: Ngoài chương trình khai hội, những hoạt động văn hóa nổi bật nhất trong mùa lễ hội năm nay tập trung vào những ngày húy nhật tổ Đệ Thập (12-1 âm lịch) và ngày lễ Khánh đản Đức Bồ tát Quán Thế Âm (19-2 âm lịch). Trong ngày tổ chức lễ Khánh đản, tại sân chùa Thiên Trù, sẽ tiếp tục trình diễn màn ca vũ nhạc Thiên thủ Quán Âm. Giới thiệu DVD Hương Sơn ca, gồm các ca khúc về Phật giáo và chùa Hương của các nhạc sĩ Hoàng Quý, Phạm Duy, GS.Trần Văn Khê do Mỹ Linh, Phương Anh, Minh Anh, Minh Ánh, Tố Uyên, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn... thể hiện. Đặc biệt trong đêm Khánh đản, sẽ có 2009 ngọn hoa đăng sẽ được thả trôi trên suối Yến và 2009 ngọn nến được thắp sáng trong động Hương Tích…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày