TT-Huế: Lễ húy nhật Tổ khai sơn tổ đình Từ Hiếu

GNO - Sáng 8-11 (nhằm ngày 6-10-Quý Tỵ), tại tổ đình Từ Hiếu (P.Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh TT-Huế), chư Tăng bổn tự đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật Đại lão Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784 - 1847) - Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu.

Quang lâm dâng hương đảnh lễ tưởng niệm có chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế; chư tôn đức Tăng Ni các ban ngành trực thuộc BTS; chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất cùng đông đảo bà con Phật tử các giới.

To khai son 3.JPG

Chánh điện tổ đình Từ Hiếu ngày nay

Tổ khai sơn người họ Nguyễn sinh năm Giáp Thìn (1784) vào triều Cảnh Hưng năm thứ 45 nhà Lê, nguyên quán làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Đồng niên xuất gia, đầu sư với Phổ Tịnh Đại sư tại chùa Thiên Thai Thuyền Tôn. Năm 19 tuổi được thế độ, bổn sư cho thọ giới xuất gia, được Pháp húy là Tánh Thiên, sau đó Hòa thượng được bổn sư cho thọ tam đàn Cụ túc giới với Hòa thượng Mật Hoằng ở chùa Thiên Mụ. Từ đó Hòa thượng chăm lo tu học, giữ giới hạnh tinh nghiêm.

Năm Bính Tý (1816) bổn sư viên tịch, Hòa thượng kế thế nối dòng Thiền của Hòa thượng Phổ Tịnh tại Báo Quốc tự đến 14 năm. Ngày 12-8-Canh Dần (1830), Minh Mạng thứ 11, ngài được ban cấp giới đao và độ điệp. Ba năm sau, Hòa thượng được Sơn môn công cử và Bộ Lễ tâu vua châu phê cử Hòa thượng ra làm trú trì Linh Hựu Quán ở phường Ân Thịnh, thuộc địa vực Tây Linh hiện nay, sau đó sung chức Tăng cang Linh Hựu Quán.

Đạo phong giới hạnh của Hòa thượng được mọi người kính nể, triều đình Huế cung thỉnh ngài sung chức Tăng Cang chùa Giác Hoàng (1839). Đại sư cũng dần nhàm chán những ngôi chùa vua, nên ngài xin từ dịch. Mãi vẫn không được, đến năm Quý Mão (1843), vua cho ngài nghỉ việc, hồi hưu.

To khai son 1.JPG

To khai son 2.JPG

Chư tôn thiền đức và Phật tử thực hiện các nghi lễ trong lễ húy nhật Tổ Nhất Định

Từ đó, Hòa thượng Nhất Định cùng hai đệ tử và một mẹ già 80 tuổi đi về vùng núi Dương Xuân, lập An Dưỡng am để tu hành. Người ở thưa thớt, cọp beo và thú dữ rừng hoang còn hoành hành tự do. Vậy mà sự chứng ngộ của ngài - lúc này đã 60 tuổi, mẹ già 80 tuổi - đã hàng phục được thiên nhiên. Ngôi thảo am của ngài rất nhỏ, làm bằng tre, lợp tranh, nửa trước thờ Phật A Di Đà, nửa sau để ngài và thân mẫu ở.

Ngài lại thờ mẹ chí hiếu. Dân gian lại còn truyền một câu chuyện mẹ ngài đau, thầy thuốc bảo phải ăn cháo cá mới lành. Ngài tự thân hành về chợ Bến Ngự mua cá đem lên thảo am nấu cháo dâng mẹ. Bà từ mẫu ăn vào quả nhiên lành bệnh. Vua cho mật thám theo dõi việc này, sau biết ra sự thật, nhà vua lại kính trọng ngài hơn.

Ngài thế độ rất nhiều người, trong đó có cả hai nhà thơ lớn đời Tự Đức là Tùng Thiện Quận Vương Miên Trinh, con thứ 10; và Tuy Lý Vương Miên Thẩm, con thứ 11 của vua Minh Mạng. Các Thái giám ở Cung Giám Viện thường xin làm chùa thay am, nhưng Hòa thượng không chịu. Họ chỉ có thể làm chùa sau khi Hòa thượng viên tịch.

Ngày 7-10-Đinh Mùi (1847), ngài thị tịch, thọ 64 tuổi, 46 Hạ lạp. Ngài thuộc thế thứ 39 dòng Lâm Tế, đời thứ 5 của dòng Thiền Liễu Quán - Nam Hà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày