Bộ sách mới của TT.Thích Nhật Từ
Theo đó, bộ sách lần này đi sâu vào khai thác những mối quan hệ trong xã hội, giúp độc giả có thể trút bỏ những vướng bận để có thể sống an lạc hơn.
Với cuốn sách “Sống như nhân duyên: Nghệ thuật nhìn người”, tác giả chỉ ra các mối tương quan xã hội giữa chúng ta và cộng đồng; nghệ thuật ứng xử, cách xử trí khi rơi vào những cơn loạn lạc, thất vọng hoặc bế tắc nhằm giúp chúng ta duy trì được niềm an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.
“Tiền & Tình đời: Nghệ thuật buông bỏ” tập trung vào mối tương quan giữa: Tiền - Tình nghĩa - Giá trị của hạnh phúc. Cuốn sách mang đến những đề tài nhỏ chung chung như tiền, tình cảm, thậm chí một vài bài hát xem như là cơ sở để chúng ta cùng nhau cảm thụ cuộc sống, tìm ra những vướng mắc mình còn gặp và đưa ra cách hóa giải nội kết nhằm hướng đến những tháng ngày bình an.
Còn “Bên bờ sinh tử: Gieo nhân lành để nhận quả lành” giúp độc giả hiểu về cái chết để không sợ chết. TT.Thích Nhật Từ nhắn nhủ: “Hiểu là hiểu đúng, hiểu đủ và có niềm tin vào Chánh pháp, là biết tích lũy những thiện nghiệp, trong suốt cả cuộc đời và sẵn sàng cho mình sự an nhiên lúc ở giai đoạn cận tử nghiệp. Chắc chắn nếu quý vị cảm thấu được từ “hiểu” này thì sẽ không còn một ai sợ chết nữa bởi sự chấp vướng không còn, chỉ còn sự buông xả theo quy luật tự nhiên của sinh tử cuộc đời”.
Theo TT.Thích Nhật Từ, xã hội là một cuộc chiến với nhiều thách thức, mà trong đó, con người được xem là những chiến sĩ tham gia cuộc chiến này với nhiều xuất thân khác nhau - người tốt, kẻ xấu, người tâm rộng lượng như các bậc thánh, kẻ ích kỷ nhỏ nhoi đi đến đâu cũng đòi hỏi các quyền lợi cá nhân. Do vậy, nếu không nắm vững các kỹ năng ứng xử tốt lành, chúng ta dễ dàng khởi dậy những nỗi niềm sân hận, bực tức, khó chịu và vô tình biến mình trở thành nạn nhân. Việc ứng dụng triết học xã hội của đạo Phật vào đời sống thực tiễn sẽ giúp giảm thiểu một cách tối đa các nỗi khổ đau có thể có do tương tác với xã hội, cộng đồng; nhờ đó chúng ta vẫn giữ được bản chất an vui, hạnh phúc.
Bộ 3 quyển sách nói trên do Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
Làm sao để phát triển văn hóa đọc? Tại buổi giao lưu, TT.Nhật Từ cũng đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía độc giả trẻ xoay quanh các vấn đề làm chủ cảm xúc. Bên cạnh đó, một bạn trẻ cũng trăn trở, làm sao để phát triển văn hóa đọc? TT.Nhật Từ chia sẻ: “Để văn hóa đọc phát triển, trước nhất cần mở rộng mạng lưới thư viện công cộng, tốt nhất là mỗi quận, mỗi tỉnh cần có ít nhất một thư viện chung, nơi ai cũng có thể tìm đến để đọc sách. Đồng thời cũng cần khích lệ để đầu tư không gian đọc, đây là điều rất quan trọng, bởi tại Việt Nam có ít nơi yên tĩnh dành đúng cho việc đọc”. Hơn hết, theo TT.Nhật Từ, mỗi người cần nhận biết rõ tầm quan trọng của việc đọc, nhất là trong thời đại này, khi xã hội gặp nhiều bất ổn. Việc đọc sách không chỉ giúp ta có thêm kiến thức, đọc còn giúp con người giảm stress, thoát ra ngoài vỏ bọc của mình, đọc sách nghĩa là ta có một người bạn trung thành và một quân sư đúng đắn. Nếu hiểu được những điều này, văn hóa đọc sẽ sớm phát triển trở lại”. |
G.H