Từ cây bồ đề đến bia Văn Miếu

Qua Tam quan của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), tôi chú ý đến màu xanh mướt của hai cây Bồ đề cổ thụ. Không biết cây Bồ đề có tự bao giờ, chắc cũng đã hơn trăm tuổi rồi. Nhưng tại sao chốn cửa Khổng sân Trình lại có cây Bồ đề? Và nữa, tại sao nhiều bia Tiến sỹ lại được trang trí hình cánh sen?

Nhân việc lập hồ sơ bia Tiến sỹ Văn Miếu là Di sản tư liệu thế giới, tôi xin góp thêm một góc nhìn về di sản độc đáo này.
 
1. Nói đến cây Bồ đề là nói đến Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ na giáo, nhưng nhiều hơn cả, vẫn phải nói đến Phật giáo. Tương truyền đức Phật đã nhập định dưới tán cổ thụ này mà đắc đạo. Cũng nhân đấy mà cây này có tên là Bồ đề (cây giác ngộ).

Cây Bồ đề trong Văn Miếu


Một điều cần khẳng định ngay rằng, cây Bồ đề không liên quan đến Khổng giáo. Trong “đồ án” cây cỏ liên quan đến Khổng giáo, bốn loài cây tượng trưng cho đức tính của người quân tử là: Mai - Trúc - Cúc - Lan hoặc Tùng - Cúc - Trúc - Mai. Trong các đồ án trên bia Tiến sỹ ở Văn Miếu, người xưa cũng đã chạm khắc nhiều cảnh tượng chim đậu trên cành Mai, cành Tùng, những khóm hoa lan tha thướt.  

      Là người từng viếng thăm Khổng Phủ và Mạnh Phủ ở Sơn Đông (Trung Quốc), tôi thấy trong lâm viên của Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội hiện đang thiếu bóng dáng của những cây đặc trưng Nho giáo là Mai - Cúc - Trúc - Lan.

Nghiên cứu về hệ thống giáo dục khoa cử thời phong kiến, các nhà nghiên cứu thấy rõ hiện tượng tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Lão) trong hệ thống khoa cử từ thời Lý đến đời Trần. Truyền thống khoa cử này hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu tri thức của tầng lớp học thức thời trước. Sang đến thời Lê, Nho giáo được đề cao, các kiến thức về Phật giáo và Lão giáo bị loại bỏ khỏi hệ thống khoa cử


Vậy nhưng, những dấu ấn Phật giáo vẫn sâu đậm mà cây Bồ đề là một minh chứng.

Từ cây bồ đề đến bia Văn Miếu ảnh 2

 Trang trí hoa Bảo tiên trên các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

2. Ngoài cây Bồ đề trong Văn Miếu như vừa nói, trên hệ thống đồ án trang trí trên 82 bia đề danh tiến sỹ ở Văn Miếu vẫn rất sâu đậm dấu ấn của Phật giáo. Trên 82 văn bia thì có 12 bia mà diềm chân bia phía dưới là những cánh sen được gợi ý từ các bệ sen. Chẳng riêng gì Văn Miếu ở Hà Nội, trên cả 34 tấm bia ở Văn Miếu (Huế) đều có hình cánh sen theo kiểu trang trí thường thấy ở các tòa sen. Thứ nữa là tuyệt đại đa số các tấm bia đều trang trí hoa văn hoa Bảo tiên (cũng gọi là Bảo tướng hoa). Đây là đồ án hoa tượng trưng tổng hòa những tướng đẹp của hoa Sen - Cúc - Mẫu đơn. Có thể nói hoa Bảo tiên là hoa của Tam giáo: hoa cúc của Lão giáo, sen của Phật giáo, mẫu đơn của Khổng giáo. Tinh thần Phật giáo còn thể hiện đậm nét trên đồ án hoa Kim ngân (còn gọi là hoa Nhẫn đông). Cùng với hoa sen - “nhất phẩm thanh khiết”, hoa Nhẫn đông là giống hoa tượng trưng cho sự chịu đựng phi thường của bậc hành giả.

Đặc biệt, chiếc bia khoa thi Nhâm Tuất (1442) rất nổi tiếng với câu nói của Thân Nhân Trung: “Hiền tài nguyên khí quốc gia”. Chính ở bia này, trung tâm của trán bia là ngọc báu Mani, một biểu tượng của Phật giáo.

Việc xuất hiện cây Bồ đề ở Văn Miếu - Quốc tử Giám không phải sự tình cờ, âu cũng là cách ứng xử văn hóa của người Việt. Người viết rất thèm nhìn một khóm trúc ngà cạnh cây Bồ đề ở chốn thiêng liêng này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đức Pháp chủ GHPGVN tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm tại tổ đình Vĩnh Nghiêm - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Đức Pháp chủ quang lâm tổ đình Vĩnh Nghiêm tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm

GNO - Sáng nay, 4-1, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm tổ đình Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) thắp hương tưởng niệm nhân húy nhật Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Tài chánh T.Ư, một trong những pháp lữ của ngài từ thưở là du học Tăng tại Nhật Bản.

Thông tin hàng ngày