GNO - Ông bà mình có câu, "cứu vật vật trả ơn" - để nói lên sự nhận thức và tình cảm của loài vật là có thật. Vì tính chất biết ơn của muôn loài cũng giông giống như "hạnh lành" của con người - nên việc thương yêu loài vật cần được đề cao, nên khuyến khích, nhằm tránh tạo ra những nỗi đau và sự thù hằn nơi chúng đối với con người.
Loài vật cũng nhớ ơn để trả và cũng biết... báo oán khi có người muốn làm hại, cũng biết phản ứng bằng sự chống đối khi bị thúc ép đến đường cùng. Vậy mà, lâu nay, vì muốn ăn uống cho ngon miệng, tự sắm vai kẻ mạnh mà đa số chúng ta đã đưa ra lý lẽ ngụy biện rằng "vật dưỡng nhơn" - tức con vật sinh ra là để cho con người... xử, toàn quyền quyết định sự sống chết và muốn ăn uống chúng kiểu gì cũng được.

Ông Joao Pereira de Souza và con chim cánh cụt tên Dindim - Ảnh: BoredPanda
Nhắc tới điều này vì tôi vừa xem một bài báo, có một chú chim cánh cụt mỗi năm vượt 8.000km thăm người cứu mạng (*). Theo bài báo, con chim cánh cụt không cho ai đụng vào mình trừ ông Joao Pereira de Souza, 71 tuổi, người cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011.
Bài báo cũng kể rằng, lúc đó con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza đã mang nó về, lau sạch cho nó, cho nó ăn uống...
Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên cuối cùng nó vẫn phải đi. Một năm sau, De Souza bất ngờ khi thấy nó lại xuất hiện. Rồi đều đặn những năm sau, nó đều trở về "thăm" ông.
Ước tính quãng đường nó đã vượt qua để đến gặp De Souza là 8.000km. Thường nó đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm.
Nhiều người đọc bài báo này khen chú chim dễ thương, quá tình cảm (giống con người, đôi khi còn tình nghĩa hơn cả nhiều người) - nhưng không biết, có ai giật mình vì mình đã từng đối xử tệ với nhiều loài, từng sát hại những loài thấp bé hơn (thậm chí những loài gần gụi bên mình, nuôi nó trong thời gian dài, khi chúng nghĩ mình là... người thân của chúng) để ăn thịt - hành động này chắc chắn đã kết tạo tình cảm không lành, gieo oán hận trong các loài ấy, tạo ra năng lượng đau thương, chống đối... rất lớn trong vũ trụ.
Theo luật nhân quả thì gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy, việc gây đau thương, chết chóc cho người và loài khác là nhân xấu, rất nguy, vì chắc chắn sẽ gặt quả xấu. Hơn thế, việc gây oán cừu nhau với năng lượng thù hằn kết tập nơi sự sống diễn ra mỗi ngày như vậy chính là nguyên nhân của xung đột, chiến tranh, đi ngược lại ý niệm và ước muốn hòa bình của những người tiến bộ trên thế giới.
Đừng nghĩ, chúng ta hành xử tàn nhẫn với loài khác chỉ là chuyện nhỏ, nếu hiểu nhân quả, thấy lý duyên sinh thì đây cũng là một "ngòi nổ" của chiến tranh, của bất an nơi lòng mình và cuộc sống.
Lưu Đình Long
____________
(*) Bài dịch, đăng trên TTO ngày hôm nay, 10-3-2016