Từ cô Thúy "bình tĩnh sống" tới Lê Thiện Hiếu

GNO - Nếu “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống!” được mệnh danh là slogan (câu khẩu hiệu) của năm 2015, thì đến nay “Mình sống mặc kệ đời được không?” như một dấu mốc cho sự bộc lộ lối sống và suy nghĩ theo số đông mong muốn của người trẻ ngày nay.

Mình sống mặc kệ đời được không?

Đây được xem là một trong những slogan “gây sốt” nhất năm vừa qua của bạn trẻ Lê Thiện Hiếu, thí sinh bước ra từ cuộc thi Bài hát hay nhất (Sing my song) mùa đầu tiên. Theo đó, trong bài hát do chính bạn sáng tác và thể hiện mang tên “1+1”, Lê Thiện Hiếu đã nói lên không chỉ cá tính của mình, mà qua đó còn là những bộc bạch của người trẻ trong cuộc sống hiện đại.

le thien hieu.jpg


Ca sĩ Lê Thiện Hiếu

Gây ấn tượng với ca khúc Ông bà anh cách đó không lâu, với những ca từ như gợi lại cho mỗi người cách yêu thương, chỉ ra một tình yêu thời xưa được thăng hoa và trân quý như thế nào. Đó đồng thời cũng là sự cảnh tỉnh cho cách mà người trẻ trao nhau tình cảm trong bối cảnh hôm nay, với những sự mong manh, dửng dưng của cho đi và nhận lại…

Quả thực, trước bộn bề và nhiều áp lực không ngừng của cuộc sống như vậy, đôi khi có những giá trị mà chúng ta vô tình đánh quên mất. Và như tác giả của bản “1+1” thể hiện: “Thời gian trôi, cuộc sống dần khác thôi / Thời ngây thơ một đi không trở lại bao giờ / Này ai ơi, cứ vô tư thôi / Mình sống mặc kệ đời được không?

Câu hát này nhanh chóng trở thành slogan được nhiều bạn trẻ sử dụng, như một phương châm sống của mình, bởi người ta tìm thấy ở đó một sự đồng cảm sâu sắc. Khi cuộc sống dường như đặt chúng ta vào một guồng quay không ngừng, buộc ta lao theo nó bằng mọi giá và đánh đổi quá nhiều thứ, nhận ra điều này là lý do khiến con người hiện nay muốn được dừng lại để gom nhặt những “giá trị thật” đã từng lạc mất, để mặc kệ guồng quay của cuộc đời và sống thật với chính mình.

Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống!         

Quay trở lại cách đây hai năm, với chương trình Tìm kiếm tài năng Việt nam (Vietnam got talent) 2015, cô Nguyễn Thanh Thúy (1957), người phụ nữ có chất giọng mộc mạc bên cây đàn ghi-ta, đã lưu lại trong lòng khán giả, ban giám khảo và bất cứ ai từng có dịp được xem phần trình diễn của cô ở sân chơi này, một sự xúc động và ngưỡng phục sâu sắc. Đó không vì sự ngọt ngào trong giọng hát, hay kỹ thuật chơi đàn, mà bởi sự say mê và an nhiên lạ thường từ những chia sẻ của người phụ nữ vương đầy nỗi kham khổ trên nét mặt này.

Vẫn còn độc thân ở độ tuổi lục tuần, cô Thúy sống cùng em gái của mình trong một ngôi nhà tạm bợ trên một ngọn đồi, nơi cô gọi vui là “cái thất” để hai chị em nương tựa nhau, bấm huyệt chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật, qua ngày. Thuở tham gia chương trình, cô Thúy xuất hiện trước ống kính với dáng người nhỏ nhắn, ôm cây đàn trên tay cùng đam mê phát ra từ ánh mắt, cô hát ca khúc Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Và đúng như tên bản nhạc mà cô trình bày, cuộc đời cũng như cách sống của cô cũng thật rất riêng biệt.

Cô chia sẻ những khó khăn vấp phải trong cuộc sống ở ngọn đồi heo hút, từ chuyện không có nước có điện để sinh hoạt, cho đến việc phải đi bộ ròng mấy cây số vác gạo và lương thực người ta quyên góp từ thiện về để bươn chải hằng ngày… khiến cả trường quay xúc động. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của mọi người rằng cô cần được đồng cảm và xoa dịu trước số phận đầy khắc nghiệt của mình, cô Thúy lại bình thản: “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống!”.

Câu nói của cô, với những gì cô đã phải trải qua trong đời, dường như làm mọi người vỡ òa. Có người giật mình, như chợt có ai đó kéo lấy tay, đỡ dậy khi vô tình vấp ngã vì lao đi quá nhanh trên đường đời. Có người lại như được an ủi, động viên và tiếp thêm sức mạnh trước tốc độ chóng mặt của cuộc sống. Và dẫu là với đối tượng nào, câu nói này của cô cũng tựa một châm ngôn sống, thức tỉnh con người giữa muôn vàn khắc nghiệt của cuộc đời.

Ở cô luôn là một thái độ sống lạc quan đến phi thường: “Số phận của một con người, mình gặp nhiều chuyện không được vui, hoặc quá cực khổ, nên biết đó là một sự mài dũa. Xin cám ơn đời đã mài dũa chúng tôi” - cô trải lòng.

Như vậy, qua hai câu slogan trên, một đến từ người trẻ, ở độ tuổi bước chân vào đời với đam mê và khao khát chinh phục làm hành trang; và một đến từ người ở ngưỡng tuổi xế chiều, với những biến cố thăng trầm cùng sự vững chải của cuộc đời; đều nói lên những thái độ sống vô cùng lạc quan: dùng nỗi đau của mình như phương cách xoa dịu nỗi đau của người khác, lấy trải nghiệm của bản thân để mong thức tỉnh được nhiều người.

>> Xem thêm: Gặp người “bình tĩnh sống” giữa núi rừng B’Lao ||

 Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày