Từ những thắc mắc của Phật tử

GN - Một mùa an cư gần qua đi, đối với chư Tăng Ni, đây là thời gian quan trọng nhất tập trung cùng nhau tại các trụ xứ để cùng khích lệ nhau tu học, cùng sống trong lời Phật dạy và truyền thống thiền môn của chư vị Tổ sư được kết tập trong kinh, luật, luận.

Tu và học, hay nói cách khác, thực hành nếp sống của người xuất gia để thăng tiến trong đời sống tâm linh là điều quan trọng nhất đối với người tu sĩ. Nhờ sự thực hành đó, người tu sĩ mới có được tuệ, hay kinh nghiệm giải thoát - chất liệu cho các hoạt động giúp đời thường được gọi là các Phật sự - việc Phật.

Cũng chính điều đó làm nên tính thanh tịnh và hòa hợp, mà thiếu vắng những tính chất này, Tăng đoàn chỉ còn hiện hữu hình thức, dễ dàng bị thế tục hóa.

an cu.jpg


Mùa an cư là mùa ở yên một trú xứ, thúc liễm thân tâm - Ảnh minh họa

Như chúng ta đã biết, an cư là truyền thống có từ thời Đức Phật, và được duy trì qua nhiều giai đoạn phát triển và truyền bá của Phật giáo, tùy theo quan điểm lịch sử và đặc trưng pháp môn, vùng miền, có những điều chỉnh cần thiết.

Mùa an cư thường được tính thời gian là ba tháng. Luật quy định, trong thời gian ba tháng đó, người xuất gia không được đi ra ngoài, dành thời gian ở yên một chỗ, dốc sức thực tập theo một chế độ tu hành được quy định chung cũng như phát nguyện của cá nhân.

Tinh thần đó được phổ biến, và hầu như trở thành điều phổ cập, ai cũng biết được, cả người xuất gia và Phật tử tại gia.

Giáo hội các cấp cũng đã ý thức tầm quan trọng đó và đã có những thông tư hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho truyền thống an cư của chư Tăng Ni được tổ chức một cách thuận lợi.

Những năm gần đây tại TP.Hồ Chí Minh cũng như một vài tỉnh thành khác, các trường Phật học, từ học viện cho đến sơ cấp đều được cho nghỉ học trong mùa hè để Tăng Ni sinh cũng như chư Tăng Ni giáo thọ tập hợp về các trú xứ tuân thủ luật Phật chế về an cư.

Với Phật giáo Việt Nam có mặt nhiều hệ phái, theo đó thời gian an cư cũng có sự khác nhau. Thông bạch của Giáo hội đã đề cập thời gian quy ước như sau: đối với Phật giáo Bắc tông và hệ phái Khất sĩ thời gian tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, kết thúc vào ngày 16 tháng 7 âm lịch; đối với Phật giáo Nam tông thời gian an cư sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 âm lịch, kết thúc vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.

Qua thông tin Phật sự được chuyển tải trên báo chí Phật giáo và các trang thông tin điện tử ban ngành, tự viện…, nhiều ý kiến của Phật tử thắc mắc đã chuyển về tòa soạn, rằng tại sao mùa an cư mà quý Tăng Ni, quý vị giáo phẩm vẫn có thể đi nhiều nơi; nhiều sự kiện, lễ lạt vẫn được tổ chức, như vậy có ảnh hưởng đến tính chất của mùa an cư - mùa chư Tăng Ni chuyên tâm tu hành cao độ? Nên chăng Giáo hội hạn chế tối đa các hoạt động, hoặc tạm ngưng một số hoạt động trong mùa an cư, như chủ trương để các trường Phật học mà Phật giáo TP.Hồ Chí Minh đã làm, ngoại trừ một số ngành và lĩnh vực có hoạt động đặc thù.

Bởi với xã hội và quan niệm bình thường, hình ảnh của Tăng Ni chính là hình ảnh sinh động của đạo Phật giữa cuộc đời, biểu tượng cao quý cho tinh thần giải thoát, thanh tịnh và hòa hợp. Đối với người Phật tử, không có gì thiêng liêng hơn hình ảnh của chư Tăng Ni sống nghiêm mật trong tinh thần giới luật, nhất là tinh thần giới luật Phật giáo vốn không phải giáo điều mà là những nguyên tắc sống đem đến sự tiến bộ tâm linh, nhân cách, lối sống đẹp, lợi lạc cho chính người thực hành cũng như tha nhân, môi trường xã hội.

Thích Pháp Hỷ

* Bạn đọc có ý kiến, trao đổi về nội dung bài viết, hoan hỷ gửi về: baogiacngo@yahoo.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày