Tu quán vô thường để trân quý cuộc sống hơn nữa!

GN - Một người bạn mà tôi quen đã đặt tiêu đề trên trang cá nhân: “Ai rồi cũng phải chết, biết vậy để sống cho tốt!”. Bạn ấy cho tôi biết rằng mình quán vô thường, lấy giáo lý vô thường để nhắc nhở bản thân không lười nhác, biếng trễ mọi việc.

Sau khi nghe bạn ấy nói thế, tôi đã lặng người một chút vì ngạc nhiên, vì tôi nghĩ bạn ấy vẫn còn trẻ sao lại luôn niệm vô thường chi để bận lòng. Nhưng rồi sau đó, suy nghĩ của tôi là tán thành pháp tu của bạn ấy. Cuộc sống này ta cần tỉnh giác về cái chết, không ai biết mình sống thọ bao lâu trên cõi đời này. Mở mắt thức dậy thấy mình còn thở, còn ngắm ánh bình minh ló dạng là một đặc ân, một sự diễm phúc lắm rồi. Khi còn sống hôm nay, hãy sống tốt ngày hôm nay là ý nghĩa của quán vô thường vậy.

anh nhasu 9.jpg


Vô thường - Ảnh: Ngô Đồng

Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát đến lớn như trăng sao và cả chúng sinh đều phải tuân theo bốn giai đoạn “Thành - Trụ - Hoại - Không”, “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”, sự biến chuyển, đổi thay liên tục này gọi vô thường. Sự hiểu biết rõ ràng về giáo lý vô thường luôn là điều tốt cho chúng ta. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của cuộc đời, không có gì là trường tồn mãi mãi. Ta ra đời một mình và rồi ta cũng sẽ ra đi một mình. Chúng ta không thể nắm giữ một cái gì mãi. Ngay cả tâm trí cũng như tất cả những hiện tượng đều thay đổi trong từng phút giây.

Nhà Phật có câu: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hiện tại luôn chảy trôi”. Biết sự vật, hiện tượng trên cuộc đời này đều bị đổi thay theo thời gian, là một điều lợi ích. Đời sống này vốn không bao giờ đứng yên. Khi ta biết rằng vạn vật luôn biến đổi, dù ta đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, ta vẫn có thể tìm thấy niềm an ủi trong sự hiểu biết, rằng tình trạng đó sẽ không như vậy mãi, không có gì phải tuyệt vọng.

Ta biết rằng con người không thể thay đổi quy luật sinh, lão, bệnh, tử, đó là điều lợi ích. Vì sao? Nếu không nghĩ rằng mình phải già, phải có bệnh, sẽ có thể chết sớm, ta sẽ rơi vào ảo tưởng về sự trường tồn của mình. Vận mạng tốt cũng không trường cửu thì làm sao có thể nắm chắc được điều gì ở đời. Như vậy, khi sự việc tốt đẹp đến với mình, mình cũng không nên tham muốn quá nhiều. Nếu không ý thức về sự chết, ta sẽ không để ý đến việc tu tập mà chỉ sống một cách vô nghĩa, không tìm hiểu những thái độ và hành vi nào gây ra đau khổ và những loại nào đưa đến phúc lạc. Với ý thức mạnh mẽ về sự chết tất yếu sẽ đến với mình, bạn sẽ thấy mình cần phải tu tập, chuyển hóa tâm trí và không lãng phí thời giờ với những thú vui từ ăn uống đến những chuyện phù phiếm.

Quán vô thường không những thúc đẩy việc tu tập của ta mà còn tiếp thêm năng lượng an yên cho chính ta nữa. Một khi bị lôi cuốn vào dòng chảy phù hoa của đời sống trần tục, những cảm xúc phiền não, tham lam, sân hận, si mê, ganh tỵ, kiêu ngạo sẽ gia tăng, và đưa đường dẫn lối tạo thêm ác nghiệp. Những cảm xúc phiền não này chỉ gây rắc rối, làm cho bản thân và những người xung quanh rơi vào tình trạng khó chịu. Nếu ghi nhớ là đời sống trôi qua rất nhanh, bạn sẽ trân quý thời gian và sẽ làm những gì có giá trị. Nếu không bị chi phối bởi những mục tiêu phù phiếm nữa, bạn sẽ không lơ đễnh với những mục tiêu quan trọng lâu dài. Vì vậy, ta cần phải có sự chuyển hóa từ bên trong. Ta cũng sẽ không bỏ lỡ một cơ hội tốt khi cuộc sống của ta đang có thời giờ rảnh rỗi và những điều kiện thuận lợi để tu tập những pháp môn lợi ích. Sự hiểu biết về nhân quả nghiệp báo và luân hồi giúp mở rộng tầm mắt, có thể hiểu trọn vẹn tính chất của khổ đau, kiếp luân hồi và phát triển lòng từ bi.

Quán vô thường mang lại năng lực cho việc tu tập lẫn việc làm của chúng ta. Nếu chấp nhận đạo lý vô thường, chúng ta sẽ đối diện cuộc đời dễ dàng hơn. Trong cuộc sống này, điều con người cần làm là sống cẩn trọng, không gây ra tổn thương, đau khổ cho mình và người khác. Đời sống này rất quý báu, ta không nên tạo ra sự tổn hại. Hãy dành cho những hoạt động có tính cách xây dựng. Như vậy, những năm tháng ngắn ngủi của chúng ta ở cõi đời này sẽ có ý nghĩa biết bao.

Tu quán vô thường, quán sát thân tâm và hoàn cảnh đều đổi thay để trừ bệnh tham ái và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn. Quán vô thường để biết rằng đời người là quý báu và không để mất cơ hội tu tập, làm thiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày