Tu sĩ trẻ dấn thân - Kỳ 2: Hành trình tiếp sức đến trường

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 5-9 là ngày toàn quốc khai giảng năm học mới, nhưng đến ngày 2-9, gần 300 phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, thôn Plei Mun Măk chưa mua được gì, dù chỉ là cây bút chì.

6 giờ sáng, khi phố núi Gia Lai vẫn còn mù sương thì hơn 500 em học sinh và phụ huynh đồng bào thiểu số đã có mặt tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, thôn Plei Mun Măk, xã Ia Ake để đón đoàn từ thiện của Ni sư Huệ Dâng (trụ trì chùa Long Phước, TP.HCM) tặng đồng phục mới, tập, bút đi học. Không chỉ phụ huynh, học sinh, mà thầy cô giáo cũng nôn nao chờ đợi.

Những món quà đến kịp ngày khai giảng

Ngày 5-9 là ngày toàn quốc khai giảng năm học mới, nhưng đến ngày 2-9, gần 300 phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, thôn Plei Mun Măk chưa mua được gì, dù chỉ là cây bút chì. Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cũng là điểm trường đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện.

Thế nên, khi nghe tin đoàn từ thiện đến, trao quà là đồng phục, tập, bút và quà bánh, có em đã nôn nao dậy từ lúc 4 giờ sáng và 5 giờ sáng có mặt ở trường. Siu Đấp, học lớp 5 kể: “Con nghe được cho đồ mới, tập và có bánh nên vừa ngủ dậy đã đến trường ngay”. Em ôm chặt quà trên tay, không để nhăn chiếc bọc ni-lông, Siu Đấp bảo: “Chưa bao giờ mẹ mua cho bánh nhiều vầy, con cũng toàn mặc áo cũ mẹ đi xin để đi học thôi”.

Quà cho các em học sinh chào đón năm học mới - Ảnh: Lê Minh Nam

Quà cho các em học sinh chào đón năm học mới - Ảnh: Lê Minh Nam

Học trò nhận quà em nào cũng vui, ôm vào người, nâng niu cẩn thận trên tay, không dám bỏ xuống ghế. Học sinh vui một, phụ huynh vui gấp nhiều lần. Nhận được quà cho con, chị Siu H'Rê Bê Ka, 29 tuổi, mẹ của bốn đứa con đã khóc: “Lần đầu tiên trong đời, 3 đứa con của mình cùng một lúc có áo quần mới đến trường, có tập, bút đầy đủ”. Ba đứa con của chị chỉ có một bộ đồ, hễ đứa lớp 5 đi học thì đứa lớp 3 và 1 nghỉ học ở nhà. Đứa này đi thì hai đứa còn lại phải nghỉ. Chiều hôm trước, khi con về nói ngày mai đi nhận quà, chị Siu H'Rê Bê Ka mừng không ngủ được: “Vì còn 3 ngày nữa tựu trường, chị chưa mua được gì cho con”.

“Khẩu hiệu của trường là ‘mỗi ngày đến trường là một ngày vui’, nhưng nếu không có sự tiếp sức của Ni sư, cái kẹo, cái bánh, bộ đồ mới để các em đến trường thì chặng đường kéo các con đến với con chữ rất xa, giáo viên rất vất vả. Những phần quà của Ni sư giúp thầy cô giáo chúng tôi bớt đi nhọc nhằn, có thêm sức để dìu dắt học trò nghèo đến trường, đến lớp”, cô Kpă H’Nhíp, 20 năm công tác Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, điểm trường làng Plei Ring 1+2, xã H.Bông, huyện Chư Sê.

Cô Lê Thị Anh, 32 năm gắn bó với học sinh đồng bào xúc động nói với học sinh của mình: “Em nói không có đồ mặc nên nghỉ học, giờ em có đồ đẹp rồi, có tập nữa, em đi học nha”. 32 năm công tác trong nghề là ngần ấy năm cô vào làng chở các học trò ra lớp học. Cô bảo: “Thương các em, cha mẹ không biết chữ, đến các con cũng không biết chữ thì khổ biết khi nào vơi”. Khoảnh khắc học trò nhận quà, cô đứng cạnh bên vui mừng không kém.

Về Gia Lai xây lớp học

Điểm trường làng Pan, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cấp I có các em học từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng do không đủ phòng học nên hai lớp 1 và 2 phải đi mượn nhà sinh hoạt của thôn để học. Trường cũng không có nhà vệ sinh, cả thầy, cô và học trò đều đi ở rẫy cà của người dân. Thầy Trần Đăng Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Du, điểm trường làng Pan chia sẻ, 4 năm thầy về trường là đủ 4 năm viết giấy đề xuất xây phòng học cho học sinh lớp 1, lớp 2 và nhà vệ sinh cho thầy cô giáo.

Quỹ từ thiện dành cho an sinh xã hội của chùa Long Phước nhiều hạng mục. Trong đó chương trình dành cho giáo dục: học bổng Ươm mầm tương lai, học bổng Tiếp sức học sinh đến trường - thầy cô bám lớp (tặng quà hàng tháng; xây trường; tặng đồng phục - sách, vở, bút viết, xe đạp; xây nhà tình thương cho học sinh), nước sạch học đường, hỗ trợ bệnh nhân đồng bào - nhất là nhi đồng chữa bệnh, được Ni sư Huệ Dâng ưu tiên hàng đầu.

Chào mừng năm học 2022-2023, Ni sư Huệ Dâng trao tặng công trình trường học cho em, với 2 lớp học, 1 nhà vệ sinh xây mới hoàn toàn; 2 giếng nước, 10 máy lọc nước cho nhà trường; 3 ngôi nhà tình thương cho học trò vượt khó và 2.000 phần quà, học bổng tiếp sức em đến trường.

Kinh phí 2,5 tỷ đồng cho hoạt động này, từ sự đóng góp của Phật tử - đa phần là cán bộ công chức về hưu, giáo viên, Tăng Ni đã và đang công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Ở vùng sâu, vùng xa này cái gì các em học sinh cũng thiếu, cũng thiệt thòi. Thương học trò, thầy cô giáo có cố gắng lắm cũng chỉ làm được cho các em là mỗi tháng trích vài trăm ngàn từ số tiền lương ít ỏi để mua bánh kẹo “dụ” các em đến trường, đổ xăng để vào làng chở các em đến lớp, để duy trì sĩ số. Thế nên, khi Ni sư Huệ Dâng xây cho các em 2 lớp học, nhà vệ sinh mới, trị giá 450 triệu đồng, toàn trường ai cũng vui. Ngày khánh thành, Ni sư bất ngờ tặng thêm 16 chiếc xe đạp cho các em học sinh, niềm vui của các thầy, cô giáo gói gọn trong một câu: “Bao nhiêu năm mơ ước”.

Thầy Trần Đăng Đông giải thích: “16 chiếc xe đạp Ni sư Huệ Dâng tặng, các em sẽ tự đến trường được rồi. Các thầy cô sẽ không phải chạy cả chục km vào tận nhà rước các em đến trường nữa. Lớp học, nhà vệ sinh, xe đạp - đây là sự cổ vũ to lớn, để chúng tôi dìu học trò đến trường, học chữ”. Có trường, lớp mới, các thầy cô sẽ tập trung về một chỗ dạy cho các em, không còn cảnh thầy cô phân tán nhiều nơi và khi học tập trung, các em có nhiều lợi ích hơn, trường đông vui hơn, các em rủ nhau đi học. Có trường, lớp mới, có xe đi học, niềm hạnh phúc cũng ánh lên từ trong ánh mắt, nụ cười các em học trò đồng bào nơi đây.

5 năm duy trì bếp cơm cho 4 bệnh viện

Bắt đầu từ ngày 17-7-2017, tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, bếp ăn từ thiện chùa Long Phước luôn ấm lửa. Nơi đây mỗi ngày cho ra lò 1.000 suất cơm, thời gian dịch bệnh vẫn đều đặn phục vụ cho 4 Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần kinh, Bệnh viện Lao tỉnh.

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai kể chúng tôi nghe: “Bệnh nhân đa phần đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Ở đây Ni sư cho rất nhiều, bệnh nhân khó, bệnh nhân cần, bệnh nhân chuyển viện, thiết yếu Ni sư đều giúp. Nửa đêm bà con đem con vô viện, em bé không có khăn lông, không có tả, thiếu đủ thứ, bệnh viện không biết kêu ai thì xin Ni sư Huệ Dâng”.

Bếp ăn từ thiện chùa Long Phước phục vụ suất ăn và quà 0 đồng cho bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai - Ảnh: Lê Minh Nam

Bếp ăn từ thiện chùa Long Phước phục vụ suất ăn và quà 0 đồng cho bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai - Ảnh: Lê Minh Nam

Tại các Bệnh viện Tâm thần, Lao và Bệnh viện Nhi, mỗi ngày đều nhận hai suất ăn vào sáng và trưa. Sáng có súp, cháo, sữa, chiều có cơm, theo chế độ bệnh viện, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày một suất vào trưa, đủ dùng cho cả buổi chiều. Để duy trì bếp ăn cho 4 bệnh viện, mỗi tháng 200 triệu, thời gian dịch Covid-19 bùng phát bếp vẫn đỏ lửa, đó là điều không dễ dàng.

“Điều gì đã thôi thúc Ni sư Huệ Dâng gắn bó với nơi đây” - chúng tôi hỏi, và Ni sư trả lời: “Đồng bào, đặc biệt là các em học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, bệnh tật đau yếu - sự thiệt thòi của người đồng bào là sức hút mạnh mẽ với tôi. Mỗi lần tôi về làng thăm em, tặng em chút quà, bữa ăn, các em tròn xoe đôi mắt rạng lên nét thích thú, ăn lấy, ăn để như chưa từng được ăn. Điều đó thôi thúc tôi nghĩ, thương và muốn bù đắp cho các em nhiều hơn mỗi ngày”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày