NSGN - Phật Quang Đại Từ Điển, Mục Lục Tổ Tuệ Năng (638-713) đã nêu dẫn Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ như sau:
“Bồ-đề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai”(1).
(Xem Phật Quang Đại Từ Điển Tập 7.
Phật Quang Văn Hóa Sự Nghiệp Hữu Hạn Công Ty xb. Đài Bắc 1999. Trang 6.041 Trung).
Dịch:
“Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Bụi bặm bám vào đâu?”.
Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Bài kệ này cùng với toàn bộ Bản Kinh Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn (ĐTK/ĐCTT, Tập 48, N0 2008, 1 quyển. Sa-môn Tông Bảo đời Nguyên: 1277-1367 biên tập. Phụ: Lục Tổ Đại Sư Duyên Ký Ngoai Ký, do Sa-môn Pháp Hải đời Đường: 618-906 sưu tập) đã được truyền sang Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam… Riêng ở Việt Nam thì Bài kệ Ngộ Đạo ấy đã tạo được ảnh hưởng rất đáng kể đối với giới Tăng sĩ, Cư sĩ học Phật, tu Phật, kể cả giới Thi nhân mộ Phật có những tiếp cận với Phật, Thiền. Bài viết này chúng tôi xin bàn về sự tiếp cận Bài kệ Ngộ Đạo như đã dẫn, ở Việt Nam, từ Trúc Lâm Đầu Đà, từ Thi hào Nguyễn Trãi, Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thì Nhậm, Thi hào Nguyễn Du… đến Bác sĩ Lê Đình Thám.
1- Từ Trúc Lâm Đầu Đà: Tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) nơi Hội thứ 9 của Bài Phú chữ Nôm Cư Trần Lạc Đạo gồm 10 Hội đã viết:
“Thân Bồ-đề, lòng minh kính,
Bài giơ mặt vách hành lang”(2).
(Dẫn theo Thơ Văn Lý Trần. Tập 2. NXB.KHXH. 1989. Tr.509).
Sáu chữ “Thân Bồ đề, lòng minh kính” là nhắc đến 2 câu đầu nơi Bài kệ của Đại sư Thần Tú (605-706) như tại ghi chú (1) đã nêu rõ:
“Thân thị Bồ-đề thọ
Tâm như minh kính đài”.
(Thân là cây Bồ-đề
Tâm như đài gương sáng).
Mà nhắc đến Bài kệ của Đại sư Thần Tú (605-706) tức cũng nhắc tới Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng (638-713). Vì sao? Vì Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng được nêu ra sau Bài kệ của Đại sư Thần Tú. Và Lục Tổ đã căn cứ theo Bài kệ đã được dán nơi vách tường ấy, để như thể phản bác cùng thuyết minh quan điểm của mình.
* Câu 1: Bồ-đề vốn không cây (Bồ-đề bản vô thọ): Là đối nơi câu “Thân thị Bồ-đề thọ” để nêu. Cho thân như là cây Bồ-đề là còn chấp tướng.
* Câu 2: Gương sáng cũng không đài (Minh kính diệc phi đài): Là đối nơi câu “Tâm như minh kính đài” để nêu. Ví tâm như đài gương sáng là còn vướng vào vật vào cảnh.
Câu 3, 4: Xưa nay không một vật, Bụi bặm bám vào đâu? (Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?): Là nói cái tâm chân như ấy xưa nay vẫn như như, tức vẫn rỗng lặng, vắng lặng, trong sáng, thanh tịnh, vô biên vô tế, không dựa vào danh, chẳng nương vào vật. Vậy thì bụi bặm bám vào đâu? Bụi bặm chỉ bám vào những thứ hữu sở trụ, còn đây là vô sở trụ, thì bám vào đâu?
Như vậy thì ở đây chúng ta có thể xem Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã gián tiếp tiếp cận Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng. Do sự tiếp cận ấy nên tác giả mới có thể tự giác:
“Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”(3).
(Bốn câu đầu của Hội thứ 5 nơi Bài Phú Cư Trần Lạc Đạo. Dẫn theo Thơ Văn Lý Trần Tập 2. Sđd. Tr.506).
2- Từ Thi hào Nguyễn Trãi (1390-1442)…: Trong Ức Trai Thi Tập, Thi hào Nguyễn Trãi có bài thơ chữ Hán Đường Luật Thất ngôn bát cú viết về chùa Nam Hoa như sau:
“Thần tích phi lai kỷ bách xuân
Bảo Lâm hương hỏa khế tiền nhân
Hàng long phục hổ cơ hà diệu
Vô thụ phi đài ngữ nhược tân.
Điện trắc khởi lâu tàng Phật bát
Khám trung di tích thuế chân thân
Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần”.
* Dịch nghĩa:
“Gậy thần bay đến đây đã cách mấy trăm xuân rồi
Hương hỏa chùa Bảo Lâm vẫn giữ theo nhân duyên trước
Hàng được rồng, phục được cọp, sao phép mầu nhiệm thế?
Không có cây, không phải đài, lời nói như mới luôn.
Bên điện dựng lầu để giữ cái bát của Phật
Trong tháp còn để dấu lột xác cho chân thân
Trước cửa một dòng Tào Khê chảy
Rửa hết bụi bặm bao nhiêu kiếp của nhân gian”.
* Dịch thơ:
“Gậy thần bay đến mấy trăm niên
Hương hỏa Bảo Lâm giữ trọn nguyền
Phục cọp hàng rồng sao phép diệu
Chẳng đài không thụ vẫn lòng truyền.
Nơi tàng bát Phật lầu bên đấy
Dấu lột xác phàm tháp giữ nguyên
Trước cửa Tào Khê dòng nước chảy
Lâng lâng gột sạch mọi trần duyên”.
(Đào Duy Anh dịch. Dẫn theo Nguyễn Trãi Toàn Tập. NXB.KHXH, Hà Nội. 1976. Tr.383-384).
Phần Ghi chú của sách Nguyễn Trãi Toàn Tập (Sđd. Tr.699) đã nói rõ hơn về chùa Nam Hoa: Theo Đại Thanh Nhất Thống Chí thì chùa Nam Hoa ở phía Nam huyện Khúc Giang, cách Phủ lỵ Thiều Châu 60 dặm, do nhà sư Ấn Độ là Trí Dược dựng vào năm Thiên Giám thứ nhất đời Lương (502 TL)(4) đặt tên là chùa Bảo Lâm. Vào năm Nghi Phượng thứ hai (677 TL) đời vua Đường Cao Tông nhà Đường (618-906) Thiền sư Tuệ Năng (638-713) đã đến tu trì nơi chùa Bảo Lâm, làm Tổ thứ 6 của Phái Thiền Tông ở Trung Quốc. Sau, vào đời Tống Thái Tổ, chùa Bảo Lâm được đổi tên là chùa Nam Hoa.
Ở đây, đáng chú ý nhất là câu thơ thứ 4: Vô thụ phi đài ngữ nhược tân (Chẳng đài không thụ vẫn lòng truyền). Nói Vô thụ phi đài tức là nhắc đến 2 câu đầu nơi bài kệ nổi tiếng như đã dẫn:
“Bồ-đề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài…”.
(Bồ-đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài).
Lại cho: “Không cây, chẳng đài mà lời nói như luôn mới” càng chứng tỏ Thi hào Nguyễn Trãi không chỉ đã tiếp cận thấu đáo mà còn rất tâm đắc đối với Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng. Do từ sự tâm đắc đó mà Nguyễn Trãi đã nói nhiều về Tâm tịnh, Tâm tĩnh:
“Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn
Lạo thoái giang quang tĩnh tục tâm”.
(Tan mưa sắc núi thơ đầy mắt
Vơi lụt ánh sông tục sạch lòng).
(Bài Tức Hứng. Sđd. Tr.364).
Hoặc Tâm tức Phật, Phật tức Tâm:
“Thân đà hết lụy thân nên nhẹ
Bụt ấy là lòng Bụt há cầu!”.
(Thơ Nôm. Bài Mạn Thuật 8. Sđd. Tr.405)
Và:
“Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vết nhơ chẳng bén Bụt làm lòng…”.
(Thơ Nôm. Bài Cây Mộc Cận. Sđd. Tr.471)
3- Từ Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thì Nhậm: Nơi chương Thoát Thanh, chương thứ 7 trong 24 chương của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, sau phần Thanh Dẫn do Ngô Thì Hoành viết và phần Chính Văn do Đại Thiền sư Hải Lượng tức Ngô Thì Nhậm (1746-1803) viết, có nói đến Pháp Tinh Tiến… và tới phần Thanh Chú, Hòa thượng Hải Âu (Phật hiệu của Vũ Trinh: 1759-1829, em rể Thi hào Nguyễn Du) đã bàn về Tinh Tiến và viết: “Tinh đến tột độ thì trong sáng sạch làu, không chút vướng bợn, như Bài kệ của Thiền sư Tuệ Năng đã nói:
“Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Từ đâu nảy trần ai”.
(Cao Xuân Huy dịch. Dẫn theo Thơ Văn
Ngô Thì Nhậm. Tập 1. Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. NXB.KHXH. H. 1978. Tr.94)
… Chứng tỏ Ngô Thì Nhậm - Gương mặt thi ca tiêu biểu nhất của Văn Học Việt Nam thế kỷ XVIII, cũng như các Thiền Hữu của ông, trong quá trình hợp tác để viết nên Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, dùng Phật để soi sáng Nho, đem Nho để soi sáng Phật, sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2 của Học giả Nguyễn Lang đã gọi đó là “Một Tổng Hợp Nho Phật Độc Đáo” (Xem: VNPGSL 2. Bản in 1992. Tr.270) đã không hề quên Bài kệ Ngộ Đạo tuyệt tác của Lục Tổ Tuệ Năng.
4- Từ Thi hào Nguyễn Du…: Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong chuyến Bắc sứ năm 1813-1814 đã đi qua cùng ghé thăm nhiều vùng đất có những gắn liền với lịch sử, văn học, văn hóa của Trung Hoa, trong số ấy có Phế tích Đài Đá Phân Kinh của Thái tử Chiêu Minh đời Lương, và hầu hết đều có sáng tác thơ để ghi nhận, bày tỏ cảm tưởng v.v… Đối với Phế tích Đài Đá Phân Kinh như vừa nêu, Thi hào Nguyễn Du đã viết bài thơ chữ Hán: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài (Đài Đá Phân Kinh của Thái tử Chiêu Minh đời Lương) theo thể Thất ngôn cổ phong trường thiên gồm 32 câu. 32 câu thơ này có thể phân làm 3 đoạn chính:
* Đoạn 1:
Gồm 4 câu đầu:
“Lương triều Chiêu Minh Thái tử phân kinh xứ
Thạch đài do ký phân kinh tự
Đài cơ vu một vũ hoa trung
Bách thảo kinh hàn tận khổ tử”.
(Nơi Chiêu Minh Thái tử chia kinh
Hai chữ “Phân Kinh” đài vẫn rõ
Nền đài hoang rậm chìm trong mưa
Rét dữ héo khô trăm loại cỏ).
Là ghi nhận một vài chi tiết tiêu biểu hiện có của Phế tích ấy.
* Đoạn 2:
Gồm 18 câu tiếp theo:
“Bất kiến di kinh tại hà sở
Vãng sự không truyền Lương Thái tử
Thái tử niên thiếu nịch ư văn
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân.
Phật bản thị không, bất trước vật
Hà hữu hồ kinh an dụng phân?
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa
Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa?
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma
Nhất môn phụ tử đa giao tế
Nhất niệm chi trung ma tự chí
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài
Bạch mã triệu độ Trường Giang thủy
Sở lâm họa mộc trì ương ngư
Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ.
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ…”.
(Chẳng thấy kinh xưa còn ở đâu
Chỉ nghe truyền thuyết Lương Thái tử
Thái tử từ nhỏ mê văn thơ
Vẽ chuyện này ra rắc rối tơ.
Phật vốn là không, không bám vật
Có kinh gì để chọn chia ư?
Văn thiêng chẳng ở tại ngôn ngữ
Gì là Kim Cương, gì Pháp Hoa.
Sắc không cảnh giới không phân tỏ
Tâm si theo Phật, Phật sinh ma
Một nhà cha con thảy mù quáng
Chỉ trong một niệm ma đến ngay.
Núi gò chẳng thấy đài sen mọc
Sớm mai ngựa trắng vượt Trường Giang
Cây rừng cháy rụi cá ao chết
Kinh sách ra tro đài tan hoang.
Còn lưu muôn vạn lời vô ích
Ngọt tai bao thuở đám ngu tăng)…
Qua đấy, tác giả Nguyễn Du lần lượt nói đến:
+ Nhắc tới Thái tử Chiêu Minh.
+ Phê phán công việc Phân Kinh của Thái tử.
+ Phê phán tính cố chấp của Thái tử và vua cha (Lương Vũ Đế).
+ Nhắc lại sự kiện tạo phản của Hầu Cảnh (Năm 549 TL) cùng hệ lụy của cuộc binh biến ấy đối với Đài Đá Phân Kinh (Kinh sách ra tro đài tan hoang).
+ Mỉa mai về hệ quả của sự việc phân kinh đối với hậu thế (Không lưu vô ích vạn thiên ngôn…).
Nhìn chung, những nhận định, phê phán của Thi hào Nguyễn Du ở đây có chỗ rất chính xác (Sắc không cảnh giới mang bất ngộ, Si tâm quy Phật, Phật sinh ma…), nhưng cũng có chỗ cần được góp ý để làm rõ (Không lưu vô ích vạn thiên ngôn, Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ!). Chúng tôi sẽ xin bàn vào một dịp khác. Ở đây, chúng tôi muốn dành để nói về ý nghĩa nơi Đoạn 3 của bài thơ:
* Đoạn 3:
Gồm 10 câu còn lại:
“Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu
Minh kính diệc phi đài
Bồ-đề bản vô thụ
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Tài tri vô tự thị chân kinh”.
(Ta nghe Linh Sơn Đức Phật Tổ
Thuyết pháp độ người nhiều tựa cát sông Hằng nọ.
Người tu được tâm độ lấy rồi
Linh Sơn chính ở tâm người thôi.
Gương sáng cũng chẳng đài
Bồ-đề vốn không cây(5)
Ta đọc kinh Kim Cương trên ngàn lượt
Lắm điều sâu kín hiểu không rành
Đài Đá Phân Kinh nay được đến
Mới hay “Không chữ ấy chân kinh).
(Ngô Linh Ngọc - Mai Quốc Liên dịch. Dẫn theo: Nguyễn Du Toàn Tập, Tập 1. NXB.Văn Học, Trung Tâm Nc Quốc Học. 1996. Tr 536-540).
Cũng như nơi Đoạn 2, Thi hào Nguyễn Du đã theo thứ lớp nói đến:
+ Nhắc lại sự nghiệp thuyết pháp độ nhân của Đức Phật ở Linh Sơn.
+ Suy nghĩ về vấn đề tự độ.
+ Xác định: Linh Sơn chính là ở nơi tâm của mỗi người.
+ Nhắc lại 2 câu đầu nơi Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng (638-713). Do âm vận nên phải đảo trang: Minh kính diệc phi đài (Câu 2). Bồ-đề bản vô thụ (Câu 1).
+ Nói về trường hợp của bản thân: Tác giả đã từng đọc kinh Kim Cương(6) hàng ngàn lần. Những chỗ sâu diệu trong ấy phần nhiều hiểu không rõ.
+ Hôm nay đến nơi Đài Đá Phân Kinh này mới chợt tỏ ngộ: Kinh không chữ mới là chân kinh(7).
+ Theo chúng tôi thì phát hiện sáng giá nhất của Thi hào Nguyễn Du ở đây là ở nơi 2 câu: Nhân liễu thử tâm nhân tự độ, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu: Người tu được tâm độ lấy rồi, Linh Sơn chính ở tâm người thôi. Phát hiện ấy luôn luôn là mới đối với người học Phật tu Phật. Nhưng rõ ràng phát hiện ấy đã dựa trên nền tảng là Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng (638-713). Và cũng từ nền tảng là sự tiếp cận đó mà Thi hào Nguyễn Du đã ngộ đạo:
Tài tri vô tự thị chân kinh.
5- Đến Bác sĩ Lê Đình Thám: Trường hợp Bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969) tiếp cận đối với Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ Tuệ Năng, phải nói đó là một sự kiện hết sức đặc biệt, vì đấy chính là một bước ngoặt trong cuộc đời của Bác sĩ. Một bước ngoặt để từ Bác sĩ Lê Đình Thám, Phật Giáo Việt Nam nơi thế kỷ XX đã có được Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, một vị Đại Cư sĩ toàn diện, như có nhà nghiên cứu Phật học đã đánh giá. Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận T3 của Học giả Nguyễn Lang đã viết về sự tiếp cận vừa nêu như sau: “Bác sĩ Lê Đình Thám là một người có tư chất cực kỳ thông minh và trái tim đầy nhiệt tình… Từ hồi nhỏ ông đã theo học Nho và đã làm được văn bài cùng thi phú cổ điển. Lớn lên ông theo Tân Học, đậu thủ khoa trong tất cả các kỳ thi từ cấp Tiểu học đến Đại học. Ông tốt nghiệp Thủ khoa Đông Dương Y Sĩ khóa 1916 và Y Khoa Bác Sĩ (Ngạch Pháp) khóa 1930.
Năm 1928, lúc còn làm y sĩ tại bệnh viện Hội An, trong một dịp viếng chùa Tam Thai (Núi Non Nước), ông được đọc Bài kệ: “Bồ-đề bản vô thọ, Minh kính diệc phi đài, Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” của Lục Tổ Tuệ Năng viết trên vách chùa. Đây là lần đầu ông tiếp xúc với Văn học Phật giáo. Bài kệ đó gây một ấn tượng sâu trong tâm não ông, nhưng mãi đến năm 1928 về làm việc tại Viện Pasteur Huế, ông mới gặp người giải thích cho ông một cách thỏa đáng về bài kệ ấy. Người đó là Thiền sư Giác Tiên (1880-1936). Thấy được diệu lý, ông phát tâm quy y Tam bảo, thờ Giác Tiên làm thầy, được pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Châu Hải. Ông phát nguyện ăn chay trường từ đó. Lúc ấy, ông mới có 31 tuổi…” (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3. NXB.Lá Bối. Paris. 1985. Tr.88-89).
Ở đây, chúng tôi nhận thấy Học giả Nguyễn Lang, do chú ý nhiều tới giá trị văn học nơi Bài kệ Ngộ Đạo kia nên đã cho: “Đây là lần đầu ông - tức Bác sĩ Lê Đình Thám - tiếp xúc với Văn học Phật giáo” và ghi nhận như vậy là chính xác. Vì giá trị văn học của Bài kệ như thể luôn sẵn sàng hiện rõ đối với những người lần đầu tiếp cận, sau đấy thì người tiếp cận mới chạm tới những giá trị Phật học sâu diệu mà nó hàm chứa. Chính Thiền sư Giác Tiên là người đã chỉ ra chỗ sâu diệu của Phật lý ẩn chứa nơi Bài kệ Ngộ Đạo đó, giúp cho Bác sĩ Lê Đình Thám “thấy được diệu lý”, tức trực nhận được cái tâm chân như vốn có nơi mỗi chúng sinh, xưa nay vẫn như như, là vẫn rỗng lặng, trong sáng thanh tịnh, không vướng vào danh, không dựa vào vật. Tuy nhiên, ở bình diện Tục đế thì cái tâm chân như ấy đã bị vọng động do tác động của vô minh từ vô thủy khi chúng sinh hiện hành, tạo nghiệp. Do đấy, học Phật, tu Phật, là nương theo lời Phật dạy để tìm lại, làm sáng lại cái tâm chân như vốn có kia…
Tóm lại, đây đúng là một sự tiếp cận rất đáng chú ý, rất hy hữu mà nhiều thế hệ nhà nghiên cứu Phật học ở Việt Nam thuộc lớp sau không thể không quan tâm. Chúng tôi ở đây, tức ở cuối bài viết này, xin thay mặt cho một số người có nghiên cứu chút ít về Văn Học Phật Giáo Việt Nam, thay mặt cho một số vị đã Việt dịch được ít nhiều Kinh Luật Luận từ ĐTK chữ Hán, đem lại sự thành tựu cho ĐTK Việt Nam phần Phật Giáo Bắc Truyền, xin cung kính đảnh lễ Lục Tổ Tuệ Năng (638-713) cùng Bài kệ Ngộ Đạo của Lục Tổ. Chính từ Bài kệ Ngộ Đạo bất hủ ấy mà Văn Học Phật Giáo Việt Nam vào đời Trần đã có thêm 2 câu Phú Nôm rất hay của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), cũng là người đã mở đầu cho sự hình thành và phát triển của Văn Học Chữ Nôm. Chính từ Bài kệ Ngộ Đạo bất diệt đó mà Văn Học Phật Giáo Việt Nam vào thế kỷ XV, XVIII, XIX, đã có thêm bài thơ tuyệt vời của Nguyễn Trãi (1380-1442), đã có thêm những câu viết đầy chất ung dung trong Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thì Nhậm (1746-1803), đã có thêm những vần thơ thần tình viết về quá trình nghe đạo, hiểu đạo và ngộ đạo của Thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Và nhất là Phật giáo Việt Nam nơi thế kỷ XX đã có thêm một vị Đại Cư sĩ xuất chúng.
Đào Nguyên
____________
Bài này nguyên là tham luận tại Hội thảo khoa học: “Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và Những Đóng Góp Với Hội An Nam Phật Học” do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam tổ chức vào ngày 10, 11 -04 - 2019 (ngày 6, 7 - 03, Kỷ Hợi) tại Tổ Đình Từ Đàm - Huế.
(1) Tham khảo bài kệ của Đại sư Thần Tú (605-706) mà PQĐTĐ cũng đã nêu dẫn:
Thân thị Bồ-đề thọ
Dịch:
Thân là cây Bồ-đề
Tâm như minh kính đài
Tâm như đài gương sáng
Thời thời cần phất thức
Thời thời siêng lau chùi
Vật sử nhạ trần ai.
Chớ khiến bụi bặm bám.
(PQĐTĐ. Sđd. Trang 6.041 Thượng).
(2) Câu: Bài giơ mặt vách hành lang: Nghĩa là có Bài kệ dán ở vách hành lang.
(3) Nghĩa của 4 câu ấy: Bụt ở tại mình, không phải tìm đâu khác. Nhân vì quên mất cái gốc ở trên (Bụt ở trong nhà) nên mới đi tìm Bụt. Đến khi hiểu ra mới biết Bụt chính là ta.
(4) Về sự việc này có thể xem thêm Mục: Tôn giả Trí Dược Tam Tạng (Thế kỷ VI TL) trong sách Phật Tổ Đạo Ảnh, do HT.Hư Vân (1840-1959) tăng đính, Nguyên Huệ Việt dịch. NXB.Phương Đông. 2011. Tr.596-598.
(5) 2 câu kệ này, Bd của Ngô Linh Ngọc và Mai Quốc Liên dịch là: “Chẳng có đài gương sáng, Chẳng có cây Bồ-đề” là không đúng. Chúng tôi đã biên tập lại như trên. Xem thêm phần Biện luận, Biện chính của chúng tôi nơi bài viết: Ghi nhận về dấu ấn Phật giáo trong thơ chữ Hán của Thi hào Nguyễn Du. Ns Giác Ngộ số 270 ->273. Tháng 9 -> 12- 2018.
(6) Về Kinh Kim Cương có thể tham khảo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413): ĐTK/ĐCTT. Tập 8. N0 235. Tr.746-752 và bản Việt dịch của HT.Trí Quang: Kinh Kim Cương. Tỳ kheo Trí Quang dịch giải. Bản in 1994.
(7) Về vấn đề kinh có chữ - kinh không chữ, kể cả sự việc 2 vị Tôn giả A Nan và Ca Diếp đã trao cho thầy trò Đường Tăng các kinh toàn là giấy trắng (kinh không chữ) thuộc hồi 98 nơi truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, thì xin tham khảo các bài viết: + Bài: Nỗi Lòng Giấy Trắng của Lê Anh Dũng, in trong sách Giải Mã Truyện Tây Du. NXB.VHTT. 1995. Tr.151-164. + Bài: Kinh Hữu Tự Vô Tự Trong Tây Du Ký của HT.Thiện Siêu, in trong sách Hư Tâm Học Đạo. NXB.Tôn Giáo. 2003. Tr.98-107.
Tài liệu tham khảo
1. Phật Quang Đại Từ Điển. Tập 7. Phật Quang Văn Hóa Sự Nghiệp Hữu Hạn Công Ty xb. Đài Bắc. 1999.
2. Thơ Văn Lý Trần Tập 2. NXB.KHXH. 1989.
3. Nguyễn Trãi Toàn Tập. NXB.KHXH. 1976.
4. Phật Tổ Đạo Ảnh. HT.Hư Vân tăng đính - Nguyên Huệ Việt dịch. NXB.Phương Đông. 2011.
5. Thơ Văn Ngô Thì Nhậm Tập 1: Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Cao Xuân Huy dịch. NXB.KHXH. 1978.
6. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2 của Nguyễn Lang. Bản in 1992.
7. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3 của Nguyễn Lang. NXB.Lá Bối. Paris. 1985.
8. Nguyễn Du Toàn Tập. NXB.Văn Học. 1996.
9. Kinh Kim Cương. HT.Trí Quang dịch giải. Bản in 1994.
10. Giải Mã Truyện Tây Du của Lê Anh Dũng. NXB.VHTT. 1995.
11. Hư Tâm Học Đạo của Hth Thiện Siêu. NXB.Tôn Giáo. 2003.
12. Bài viết của Đào Nguyên đăng nơi NS Giác Ngộ như đã dẫn.