GNO - Mặc dù thân thiện với môi trường hơn các loại túi nhựa truyền thống sử dụng một lần, hiệu quả thân thiện với môi trường của túi tái sử dụng lại phụ thuộc vào nguyên liệu làm ra chúng; đôi khi tốn nhiều năng lượng hơn để sản xuất, phân phối và tái chế.
Túi nhựa được xem là mối đe dọa cho sức khỏe con người. Thông tin từ Cơ quan Quản lý và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), trong hơn một thập kỷ qua, trung bình một gia đình người Mỹ mang về nhà khoảng 1.500 túi nhựa mua sắm mỗi năm.
Tình hình này đã khá hơn trong thời gian gần đây. Theo National Geographic, trong năm 2018, người mua sắm ở Hoa Kỳ chỉ sử dụng hầu như 1 túi nhựa mỗi ngày (so với người Đan Mạch trung bình sử dụng 4 túi nhựa mỗi ngày).
Ảnh minh họa
Khả năng tái chế “định nghĩa” sự thân thiện với môi trường
Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc ghi rõ: “Tùy thuộc vào chất liệu làm nên mà túi tái sử dụng có thể phải tiêu hủy theo một quy trình tốn kém để phân tách các vật liệu khác nhau. Kết quả là trong nhiều trường hợp, túi tái sử dụng không tái chế được”.
Điều này có nghĩa là dù với ý định ban đầu tốt đẹp, hàng triệu túi tái sử dụng được thiết kế để thay thế nhu cầu túi nhựa truyền thống lại bị chất đống ngoài bãi rác.
Và một lưu ý khác là không phải tất cả các loại túi tái sử dụng đều giống nhau về khả năng được tái chế.
Một số lưu ý khi dùng túi tái sử dụng
Dù sử dụng loại túi nào đi nữa, chìa khóa để giảm tác động tiêu cực với môi trường là tái sử dụng càng nhiều lần càng tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về yếu tố vệ sinh của túi tái sử dụng được sử dụng nhiều lần; đặc biệt là các túi dùng để đựng thức ăn và các thực phẩm đã qua chế biến hoặc tươi sống.
Theo Bệnh viện Mayo, tỉ lệ nhiễm khuẩn chéo có thể xảy ra khi thịt, rau củ quả, và các thực phẩm sơ chế là khá cao khi được đặt trong cùng một túi.
Các nghiên cứu của Đại học Arizona cho thấy, một nửa số túi họ kiểm tra có chứa coliform, kể cả vi khuẩn E. coli. Và có đến 97% số người tham gia phỏng vấn cho biết họ không bao giờ giặt túi này.
Lời khuyên của các chuyên gia là nên giặt các túi này hàng tuần hay sau mỗi lần đi chợ về để tiêu diệt các vi khuẩn tích tụ bên trong. Và trong tương lai, chúng ta nên thiết kế các túi tái sử dụng dành riêng cho thịt thà các loại và túi cho rau củ tươi sống. Đặc biệt vào mùa nóng, mức vi khuẩn trong túi càng dễ dàng tăng cao hơn.
Giải pháp sử dụng túi tái sử dụng không nên được xem và thực hiện một cách nửa vời. Sử dụng túi tái sử dụng một hoặc hai lần và sau đó ném chúng đi hoàn toàn không có lợi cho môi trường - các chuyên gia nhấn mạnh.
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)