GNO - Sáng nay, 4-3 (nhằm ngày 28-1-Kỷ Hợi) tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 xa lộ Hà Nội, Q.2, TP.HCM) đã trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm 65 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2019).
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS, BTS Phật giáo TP.HCM quang lâm tham dự lễ tưởng niệm
Chứng minh, tham dự buổi lễ có HT.Thích Giác Nhường, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM; HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Viên Giác - đồng UVTT HĐCM; HT.Thích Như Tín, HT.Thích Giác Ngộ - đồng Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Giác Toàn - đồng Phó Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn đức trong HĐTS, Phật giáo TP.HCM, ban trị sự 24 quận huyện, chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ thuộc các giáo đoàn.
Chư tôn đức Hoà thượng dâng trầm tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang
Trong không khí trang nghiêm, chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS đối trước Giác linh đài Tổ sư thành kính dâng hương tưởng niệm, toàn thể hội trường thành kính thắp nén tâm hương dâng lên cúng dường, hướng về Tổ sư Minh Đăng Quang trong tiếng chuông trầm hùng, khói trầm quyện tỏa. HT.Thích Huệ Minh, xướng lễ tưởng niệm.
Thay mặt cho môn đồ đệ tử, HT.Minh Tuyên cung tuyên hành trạng của Tổ sư và sơ lược quá trình hình thành, phát triển của Hệ phái Khất sĩ sau 65 năm.
Theo tiểu sử, Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long).
Năm 1937 (lúc 14 tuổi), ngài đến Campuchia thọ giáo với ông Lục Tà Keo. Sau 4 năm thọ học, ngài xin phép trở về quê hương.
Mùa xuân năm Giáp Thân (1944), ngài xuất gia đến Mũi Nai, Hà Tiên. Chính nơi đây, ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát Nhã”, năm đó ngài tròn 22 tuổi.
Đầu năm 1946, ngài được một cư sĩ cung thỉnh về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho phổ hóa nhân sinh, vào ngày rằm tháng Tư. Rằm tháng Bảy năm đó, ngài đối trước Tam bảo tại Linh Bửu tự 7 ngày đêm thu nhiếp tam nghiệp, phát nguyện thọ trì y bát, giới Sa-di, rồi Cụ túc - Tỳ-kheo 250 giới, pháp hiệu Minh Đăng Quang với đại nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, noi gương Phật, Tăng xưa sống đời phạm hạnh, giải thoát.
Đầu năm 1947, ngài đã nhiếp hóa cả hai chúng nam, nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng, Ni Khất sĩ. Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Tổ sư rời Phú Mỹ, khởi phát chuyến du hành đầu tiên do ngài hướng dẫn có hơn 20 Tăng Ni trực chỉ vùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn để truyền bá giáo pháp.
Những thời thuyết pháp của ngài còn ghi lại trong bộ Chơn Lý gồm 69 tiểu luận thể hiện được sự dung hợp giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo.
Sau 10 năm tu tập và hoằng hóa, mùng 1-2-Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc qua Vĩnh Long đến Cần Thơ, ngài thọ nạn và vắng bóng cho đến ngày nay.
HT.Minh Tuyên cung tuyên tiểu sử và công hạnh của Tổ sư
Chỉ trong 10 năm tu tập và hành đạo (1944-1954), ngài đã dựng lập được một truyền thống Phật giáo Khất sĩ với hơn 20 ngôi tịnh xá, 100-120 Tăng Ni và hàng vạn tín đồ Phật tử.
Từ năm 1954 đến 1975, hệ phái phát triển trong lòng dân tộc, tới năm 1975 đánh dấu con số 250 ngôi tịnh xá với khoảng hơn 1.500 Tăng Ni.
Ngày 7-11-1981, GHPGVN thành lập, Hệ phái Khất sĩ là 1 trong 9 hệ phái Phật giáo thành viên sáng lập. Đến nay, Hệ phái Khất sĩ xây dựng được 500 ngôi tịnh xá, trong đó 50 ngôi tịnh xá tại hải ngoại, tất cả hơn 3.000 Tăng Ni.
HT.Thích Như Tín đạo từ tại lễ tưởng niệm
Chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ về tham dự
Thay mặt HĐCM, HĐTS GHPGVN, HT.Thích Như Tín có lời đạo từ tán dương công đức tới toàn thể chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ nhân lễ tưởng niệm lần thứ 65 Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.
HT.Thích Giác Toàn thay mặt Ban Tổ chức gửi đến toàn thể chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh, thành; Tăng Ni, Phật tử đã đến tham dự lễ tưởng niệm 65 năm Tổ sư vắng bóng những lời tri ân, cảm tạ.
HT.Thích Giác Toàn dâng lời cảm tạ
* Trước đó, đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành bảo tháp Hồng Ân nằm trong khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang dành để thờ phượng và trang trí hình ảnh sinh hoạt của Hệ phái.
Đây là tháp Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh của Hệ phái, tôn thờ Đức Thế Tôn và phổ hệ truyền thừa từ Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đến chư vị đại đệ tử của Tổ sư, và cho đến ngày nay. Từ dữ liệu này, Hệ phái sẽ viết cuốn sử “Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ” một cách chi tiết nhất sau gần 1 năm nỗ lực tập hợp dữ liệu, hình ảnh và thiết kế.
Chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tham dự lễ cắt băng khánh thành bảo tháp Hồng Ân
Tại lễ cắt băng khánh thành bảo tháp, HT.Giác Toàn phát biểu cảm tạ tri ân toàn thể chư tôn đức Tăng Ni cùng Phật tử Hệ phái trong thời gian thi công đã đồng lòng chung sức hoàn thành công trình tâm linh này để kịp khánh thành trong lễ tưởng niệm 65 năm Tổ sư vắng bóng.
Chư tôn đức cắt băng khánh thành
Tham quan các tầng thiết trí các nội dung
Trong khuôn khổ lễ tưởng niệm 65 năm Tổ sư vắng bóng, hơn 800 chư tôn đức Tăng Ni đã trang nghiêm tổ chức trì bình khất thực, tái hiện lại hình ảnh chư Phật, Tăng xưa.
Hơn 800 chư Tăng Ni tham dự trì bình khất thực
Tin ảnh: Vũ Giang