Tưởng niệm 70 năm ngày HT.Thích Bửu Đăng viên tịch

GNO - Sáng qua, 21-10 (2-9-Đinh Dậu), tại chùa Linh Sơn Hải Hội (Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp) đã diễn ra lễ tưởng niệm 70 năm ngày viên tịch của HT.Thích Bửu Đăng. Quang lâm chứng minh lễ tưởng niệm có sự hiện diện của HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Giác Thuận, HT.Thích Thiện Chiếu - Chứng minh BTS GHPGVN Q.Gò Vấp; HT.Thích Nhật Lang, Trưởng BTS GHPGVN Q.Gò Vấp… cùng chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN Q.Gò Vấp, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài quận.

thichbuudang (3 of 3).jpg

Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm

Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Phạm Quang Đồng, Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM; Bà Vũ Thị Nga, Chủ tịch UBMTTQVN Q.Gò Vấp; bà Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng ban Dân vận Q.Gò Vấp… cùng đại diện các cấp chính quyền quận và phường 14.

Mở đầu buổi lễ tưởng niệm, TT.Thích Giác Trí, Phó Thường trực BTS GHPGVN Q.Gò Vấp đã điểm qua sơ nét tiểu sử HT.Thích Bửu Đăng. Theo đó, Hòa thượng thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm 1907 tại xã Bình Mỹ, tỉnh Gia Ðịnh. Ngài sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo nhiều đời, nên được song thân cho phép ở chùa Vạn Đức từ thuở ấu thơ.

Khi tuổi thiếu niên, Ngài đã được bổn sư là HT.Thích Chánh Hòa cho phép thế độ xuất gia và đặt pháp danh là Hồng Lang. Năm 1924, tại chùa Giác Viên (Chợ Lớn) khai giới đàn Chúc Thọ, ngài được bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới và ban pháp hiệu là Bửu Ðăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.

Sau khi thọ đại giới, Ngài ở lại chùa Giác Viên tu học trong một thời gian. Khi trở về lại chùa Vạn Ðức, được Bổn sư cử chức thủ tọa thay thế Hòa thượng quản lý mọi công việc chùa, Ngài giữ trọng trách này ở chùa đây trong 6 năm.

Năm Tân Mùi 1931, quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm muốn cất một ngôi chùa tại làng Bình Hòa (Gia Ðịnh), đã cung thỉnh ngài đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi bảo tự này. Xây dựng xong, ngài đặt tên cho ngôi chùa là Hải Hội. Ngài ở nơi đây hành đạo trong 9 năm, được chư Sơn trong vùng phong làm Giáo thọ bởi uy tín qua các trường Hương mà ngài kiết Hạ.

Năm 1941, được sự khuyến trợ của quan Tri phủ Lương Sơ Khai, Ngài làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội (tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp), với diện tích 2.500 m2, tọa lạc trên phần đất của quan Tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội, vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho đời sống tu hành.

Trong hoản cảnh đất nước bị loạn lạc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhận thức rõ trách nhiệm của người tu sĩ Việt Nam, ngài đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, tham gia kháng chiến chống Pháp trên tinh thần của một Bồ-tát đại sĩ.

Hòa Thượng bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước, và tiếp sau là tổ chức cách mạng Việt Minh. Ðể che mắt chính quyền thực dân, Ngài tổ chức ra Hội Lân sư rồng chùa Linh Sơn Hải Hội, hằng ngày quy tụ thanh niên trai tráng địa phương tham gia tập luyện võ nghệ để chống giặc dưới hình thức đội lân; vì vậy, ngài được mọi người quen gọi là “Thủ tọa Lân”.

Năm 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại chiếm lấy 3 kỳ, lập ra chính phủ bảo hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời vào ngày 19-8-1946 do HT.Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng. Sau đó, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Ðịnh được thành lập, ngài được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, HT.Thích Pháp Dõng làm Hội phó, HT.Thích Bửu Ý làm Thư ký, HT.Thích Thiện Hào làm UV Kinh tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, xã An Phú Ðông.

Năm 1947, giặc Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Ðông, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định tổ chức cho các vị cán bộ nòng cốt di tản để tránh bị giặc bắt, riêng ngài vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu dưới vỏ bọc “Thủ tọa Lân” ở chùa Linh Sơn Hải Hội. Năm 1948, ngày 29 tháng 8 Âm lịch , trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, ngài bị giặc Pháp phục kích bắt giữ.

Sau 3 ngày bị tra khảo, ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì; giặc Pháp đem ngài ra địa điểm cầu Tham Lương (Hóc Môn) xử bắn. Sau đó, chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân (Tân Bình) ở gần đó. Sau khi được tin, Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Ðịnh đã làm lễ truy điệu ngài trọng thể.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của ngài, sau khi thống nhất đất nước, Hòa Thượng đã được Nhà nước truy tặng: Bằng Tổ Quốc Ghi Công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký; Huân chương Độc Lập hạng Nhì do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký.

thichbuudang (1 of 3).jpg

HT.Thích Giác Thuận đọc lời tưởng niệm

Ðối với Phật giáo Việt Nam, cuộc đời của Ngài là một tấm gương tiêu biểu cho sự gắn bó giữa đạo pháp với dân tộc. Ngài là vị tiền bối hữu công đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp Đạo Pháp – Dân Tộc – Đất Nước, để hậu thế có một vị anh hùng Liệt sĩ Phật giáo đạo hiệu Thích Bửu Đăng được ghi danh vào trang sử vàng của dân tộc.

Để ghi nhận công đức với đạo pháp và dân tộc, đặc biệt là ngôi chùa Linh Sơn Hải Hội mà ngài đã khai sáng, trong khuôn viên nhà chùa đã được xây dựng một ngôi tháp Bửu Đăng 9 tầng, chiều cao 48 mét và văn bia tưởng niệm cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hòa thượng. Ngoài ra, tại Q.Gò Vấp cũng có một con đường Thích Bửu Đăng, đặt theo tên ngà.

Tại buổi tưởng niệm, HT.Thích Giác Thuận thay mặt chư tôn đức đọc lời tưởng niệm. “Ngài đã thể hiện trọn vẹn tinh thần yêu nước của một công dân thời kỳ đất nước chinh chiến, thể hiện trọng trách của một tu sĩ với đầy đủ ý thức hào hùng trong thời kì chấn hưng Phật Giáo. Cuộc đời của ngài đã thể hiện trọn vẹn nghĩa cử tốt đời đẹp đạo, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo trên bước đường thừa hành Phật đạo và phụng sự đất nước”, HT.Thích Giác Thuận ghi nhận.

thichbuudang1 (2 of 3).jpg

Chư tôn đức và quý quan khách dâng hương tưởng niệm

Tiếp đó, TT.Thích Tắc Bạch, Chánh Thư ký BTS GHPGVN Q.Gò Vấp, trụ trì chùa Linh Sơn Hải Hội cảm tạ tri ân. Buổi lễ kết thúc với nghi thức dâng hương tưởng niệm và cúng dường trai Tăng.

N.Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày