Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Văn Hai tại TP.HCM, Huế

GNO - Sáng nay 2-2-2020, tại chùa Già Lam (Quảng Hương Già Lam, Q.Gò Vấp, TP.HCM), đã diễn ra lễ tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Văn Hai, pháp danh Hồng Dương, Giáo sư Toán học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu Phật học, từ trần vào ngày 25-1-2020 (nhằm mùng 1 Tết Canh Tý), tại tư gia ở Yardley, Pennsylvania, Hoa Kỳ, thượng thọ 93 tuổi.

6tn.JPG
Quang cảnh lễ tưởng niệm tại giảng đường chính của chùa Già Lam

Lễ tưởng niệm có sự hiện diện của quý vị học giả, thiện tri thức, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… từng là môn sinh và những người yên quý Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (1927-2020).

Tại buổi lễ, GS.Lê Tự Hỷ đã nhắc lại đôi nét về con người và sự nghiệp của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai trong ký ức của môn sinh, gia đình. Theo đó, Giáo sư sinh năm 1927 tại Huế, tốt nghiệp tiến sĩ Toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, cộng hòa Pháp.

Các chức vụ đã đảm trách: Hiệu trưởng trường Quốc Học, Huế; Giám đốc Học chánh Cao nguyên và Trung nguyên Trung phần, Khoa trưởng Đại học Khoa Học Huế, Khoa trưởng Đại học Sư phạm Huế, Phó Viện trưởng Đặc trách Phát triển Viện Đại học Huế; Giáo sư Đại học Louseville Kentucky, Hoa Kỳ. Đặc biệt, Giáo sư là người sáng tạo mô hình trường bán công và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Bán công tại Huế, môi trường giáo dục dành cho người nghèo có khao khát về tri thức.

2tn.JPG

Chân dung Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Với Phật giáo, Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai là thành viên sáng lập và nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế.

Sau khi nghỉ hưu tại Đại học Louseville Kentucky, Hoa Kỳ, Giáo sư dành trọn thời gian để học, nghiên cứu và viết về Phật học. Những công trình về Phật học của Giáo sư đã được đăng trên các tập san Phật học, báo chí Phật giáo ở nước ngoài, trên các trang mạng. Đặc biệt những sách viết sâu về Phật học, về triết học Phật giáo được in trong nước: Tìm hiểu Trung luận - Nhận thức luận và Không tánh (2001); Luận giải Trung luận Tánh khởi và Duyên khởi (2003); Nhân quả đồng thời (2008).

Khi tuổi đã gần 90 và trên 90 Giáo sư vẫn minh mẫn viết sách về triết học Phật giáo, đã xuất bản trong nước: Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze (6-2015);  Nguyên tắc Lý do đủ - Lý Duyên khởi (9-2017); Đạo Phật là Toán học (3-2018);  Ngã - Pháp (4-2019).

4tn.JPG

Những tác phẩm về Phật học của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai trưng bày tại lễ tưởng niệm

Giáo sư được biết là một người có học lực xuất sắc, đỗ bằng cử nhân Giáo khoa kép Toán - Lý - Hóa hiếm hoi thời bấy giờ, trở thành nhà quản lý giáo dục khi còn rất trẻ: 26 tuổi!

Trên mọi cương vị công tác, Giáo sư luôn tỏ ra chủ động cải cách cho tốt đẹp hơn và là con người thông minh dám làm dám chịu trách nhiệm, đã chủ trương thay đổi cách dạy, cách học mới: Học sinh không phải là cái thùng chứa kiến thức do thầy rót vào, mà là một chủ thể được thầy giới thiệu tư liệu, khơi dậy lòng niềm say mê kiến thức để tự tìm hiểu, học tập một cách chủ động và tích cực.

Trên cương vị Khoa trưởng Đại học Khoa học Huế kiêm Phó Viện trưởng đặc trách phát triển, sau một chuyến đi khảo sát các Đại học Mỹ năm 1968, Giáo sư về lại và cải cách ngay chương trình học. Trước đây Đại học Khoa học theo mô hình Đại học Pháp: chỉ đào tạo kiến thức mà không đào tạo chuyên nghề, nên sinh viên ra trường không thể làm nghề cụ thể. Để đào tạo ra các sinh viên làm việc được cho xã hội, năm 1969 Giáo sư đã cho mở ba ngành mới: Tạo tác thủy lợi do Kỹ sư Bùi Hữu Lân làm trưởng bộ môn; Thống kê nhân khẩu, do Tiến sĩ Bùi Đặng Hà Đoán (Paris) làm trưởng bộ môn; Sinh hóa ứng dụng do Tiến sĩ Bùi Thế Phiệt (Mỹ) làm trưởng bộ môn. Các chương trình ứng dụng này, tuy mới đào tạo được ba khóa, nhưng các cựu sinh viên đã đóng góp rất tích cực trong nền kinh tế sau năm 1975 không thua gì các kỹ sư tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Sài Gòn hay Hà Nội thời bấy giờ.

IMG_8073.JPG

GS.Lê Tự Hỷ nhắc lại đôi nét về con người và sự nghiệp của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Nhân duyên với Phật giáo, GS.Lê Tự Hỷ gợi lại: Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai “được thân mẫu dẫn vào chùa tụng kinh, nghe kinh từ nhỏ tại Quảng Bình. Cho nên ông thuộc lòng Bát-nhã tâm kinh. Có lẽ đó là cơ duyên để Giáo sư Hồng Dương gặp Đại lão Hòa thượng Trí Quang khi Hòa thượng còn là chú tiểu ở trong chùa Phổ Minh. Chính nhờ theo thân mẫu đến chùa từ tuổi ấu thơ, mà chủng tử Phật được trồng sâu trong tâm Giáo sư, và vì Giáo sư là một người thấm nhuần tinh thần khoa học, toán học, hiểu rõ mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện xảy ra trong thế giới cho nên nhận ra lý duyên khởi mà Đức Phật đã dạy là chân lý. Vì vậy mà Giáo sư vẫn kiên định lập trường theo Phật như việc học Phật và viết sách Phật học sau khi về hưu như chúng ta đã nêu trên”.

12tn.JPG

Các thế hệ môn sinh, người yêu quý Giáo sư Hồng Dương tại lễ tưởng niệm

Phát biểu cảm tưởng tại lễ tưởng niệm, Kỹ sư Phạm Ngọc Tôn, môn sinh ngành Tạo tác thủy lợi khóa đầu tiên, bày tỏ: “Chúng tôi đã có được những bài học quý giá về Người là tấm gương mẫu mực, liêm trực, suốt đời tận tụy cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò của mình với tôn chỉ và quy chuẩn của việc giảng dạy và học hành”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, cựu học sinh Quốc Học cũng đã bày tỏ những ấn tượng về vị hiệu trưởng đặc biệt này.

10tn.JPG

HT.Thích Nguyên Giác phát biểu

HT.Thích Nguyên Giác, trụ trì chùa Già Lam, Trưởng khoa Phạn ngữ Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nhận định khi được mời phát biểu về các công trình nghiên cứu Phật học của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai.

Hòa thượng đã nhắc lại nhân duyên và những thông tin mà Giáo sư Nguyễn Văn Hai, một vị cư sĩ Phật giáo, pháp danh Hồng Dương, với truyền thống tâm linh qua gia đình, trong mối tương quan với nhà chùa, qua các bậc tôn túc như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang lúc ấu thơ, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Tuệ Sỹ…

“Giáo sư là một trong những người Việt Nam đầu tiên dùng khoa học, toán học để tìm hiểu và phát triển Phật giáo. Với những tác phẩm của Giáo sư về Trung luận, nhận thức luận, Tánh không (hay Không tánh)… những tác phẩm liên hệ Nhân quả đồng thời… giới thiệu cho chúng ta - những người Việt Nam, cũng như Phật tử Việt Nam, một khởi đầu tạo ra một phong trào một hướng mới để nghiên cứu Phật giáo qua nhãn quan mới qua Toán học”.

Việc đó, theo HT.Thích Nguyên Giác, có ý nghĩa trong việc phát triển Phật giáo dưới ngôn ngữ thời đại, góp phần trong việc “làm cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam càng thêm phát triển phong phú. Nhằm giúp cho con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam có một định hướng, cơ sở tư tưởng hết sức khoa học nhằm xây dựng đất nước luôn luôn phồn vinh, trường tồn”.

11tn.JPG

Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên

Tại lễ tưởng niệm, Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên đã nhắc lại những phẩm chất và kỷ niệm đẹp với người thầy của mình, đồng thời triển khai quỹ học bổng “Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai” do Giáo sư Lê Tự Hỷ làm cố vấn, Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên làm trưởng ban, Kỹ sư Phạm Ngọc Tôn làm Phó ban và Thư ký là nhà giáo Võ Văn Viện.

Được biết quỹ được thành lập nhằm tiếp nối tinh thần giáo dục của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, với mục đích giúp những sinh viên ưu tú về khoa học cơ bản như toán học, sinh học, vật lý học, hóa học… có cơ hội đi xa và cao hơn trên con đường học vấn ở cấp đại học và tiến sĩ, để về giúp đỡ cho đất nước.

Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên cũng cho biết sẽ thành lập ban quản lý và sẽ tiến hành trao học bổng đến các sinh viên, nghiên cứu sinh vào dịp tưởng niệm Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai hàng năm.

7tn.JPG
Phút tưởng niệm Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
8tn.JPG
Kỹ sư Phạm Ngọc Tôn hồi ức về người Thầy của mình
9tn.JPG
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phát biểu tại lễ tưởng niệm
13tn.JPG
Lắng nghe ký ức về những dấu ấn nhân cách Giáo sư Hồng Dương
15tn.JPG
Tự nguyện đóng góp vào quỹ học bổng mang quý danh Giáo sư Hồng Dương
1tn.JPG

Giảng đường chùa Già Lam, nơi tổ chức lễ tưởng niệm

Được biết, chiều cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế cũng tổ chức lễ tưởng niệm Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai.

Sau đây là những hình ảnh về buổi lễ do PV Quảng Điền thực hiện:

7.jpg

Chân dung Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai được thiết trí tại Trung tâm VHPG Liễu Quán

1.jpg

Quang cảnh lễ tưởng niệm tại Huế

5.jpg

Chư vị giáo phẩm Tăng Ni tham dự

2.jpg

HT.Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế phát biểu

3.jpg

Các vị nhân sĩ, trí thức Huế tham dự

6.jpg

GS.TS Thái Kim Lan đọc tiểu sử Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

8.jpg

Phật tử Cao Huy Hóa, đại diện môn sinh của cố Giáo sư phát biểu

4.jpg

Buổi lễ tưởng niệm do Trung tâm VHPG Liễu Quán Huế tổ chức

N.Danh - Q.Điền

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Đội lân miễn phí

GNO - Nó nhớ những ngày sống ở Nha Trang. Nhà nó tận sâu trong ngách nhưng Trung thu nào cũng tưng bừng rộn rã. Tiếng cắc tùng tùng len vào những căn nhà ổ chuột, mùi bánh nướng, bánh nếp sực nức được bày bán trên phố xộc vào mũi, nó phải phồng ngực lên mà hít.

Thông tin hàng ngày