Tưởng niệm một năm Trưởng lão HT.Thích Trí Quang viên tịch

GNO - Sáng 27-10 (11-9-Canh Tý), tại tổ đình Từ Đàm ( số 1 đường Sư Liễu Quán, P.Trường An, TP.Huế) đã trang nghiêm diễn ra lễ Tiểu tường - tròn một năm ngày Trưởng lão HT.Thích Trí Quang viên tịch.

1.jpg


Di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng

Đúng 9 giờ, Tăng Ni, Phật tử vân tập tại chánh điện tổ đình Từ Đàm đồng tụng kinh Di giáo.

Trưởng lão HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình Hòa thượng đều theo Phật lâu đời, thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ kinh thành Phú Xuân - Huế.

Trưởng lão Hòa thượng được Đại sư Hồng Tuyên thế độ ngày 1 tháng Giêng năm Mậu Dần (1938) tại chùa Phổ Minh (tỉnh Quảng Bình) với pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải.

Một năm sau khi xuất gia, Trưởng lão Hòa thượng được Bổn sư cho theo học tại Trường An Nam Phật học do Tổng hội Phật học Miền Trung thành lập năm 1932.

Sau kỳ thi tốt nghiệp năm 1943, Trưởng lão Hòa thượng phát nguyện thọ Sa-di giới tổ chức tại Phật học viện, do Đại sư Đắc Quang làm Hòa thượng chứng minh, Đại sư Trí Độ ban cho ngài đạo hiệu Trí Quang.

Đầu năm Đinh Hợi (1947), khi giặc Pháp sắp chiếm Quảng Bình, đúng vào ngày vía Đức Bổn Sư Thích Ca thành đạo (mùng 8 tháng 2 PL.2491), Trưởng lão Hòa thượng cầu thỉnh Bổn sư là Đại sư Hồng Tuyên truyền thọ Tỷ-kheo, Bồ-tát giới theo cách gặp lúc đại nạn hay ở biên địa.

13.jpg


Xá-lợi thượng thủ của ngài sau khi trà-tỳ

Đại lão Hoà thượng là tác giả của nhiều công trình giảng luận Phật pháp, Luật học của người xuất gia, là nhà phiên dịch, chú giải nhiều kinh điển Đại thừa, sám pháp, luận sớ của chư vị Bồ-tát, chư Tổ sư và hàng trăm bài khảo luận dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng cho Phật học và thái độ ứng xử theo Chánh pháp.

Kể từ lúc gắn bó các hoạt động Phật giáo ở Sài Gòn, sau ngày thống nhất đất nước, Trưởng lão Hoà thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận…

3.jpg


Pháp tử - HT.Thích Hải Ấn dâng hương cúng dường Tôn sư


Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà sau hơn 60 năm xa cách và lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Thuận theo di huấn của ngài, chư tôn đức pháp tử và môn đồ pháp quyến đã tổ chức tang lễ giản đơn, nhục thân Trưởng lão Hòa thượng đã được trà-tỳ vào ngày 1-11-2019 tại Công viên Vĩnh Hằng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) với sự thành tâm cầu nguyện của hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử và người dân xứ Huế.

9.jpg


Tăng Ni, Phât tử đồng tụng kinh Di giáo

Nhân ngày chung thất trai tuần, sau khóa lễ tụng kinh Kim cang, Tăng Ni, Phật tử trang nghiêm đảnh lễ, đồng niệm Phật. Chư vị pháp tử đã cung thỉnh xá-lợi cố Trưởng lão Hòa thượng nhập bảo tháp tại khuôn viên tổ đình Từ Đàm - nơi gắn liền với cuộc đời của ngài trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963.

Được biết, cũng theo di huấn để lại, chùa Từ Đàm là nơi lưu giữ xá-lợi của Trưởng lão Hoà thượng, trong đó có xá-lợi xương sọ. Ngoài ra, có hai nơi khác được thờ một phần xá-lợi của ngài là Quảng Hương Già Lam (chùa Già Lam, Q.Gò Vấp, TP.HCM) và chùa Đại Giác, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, quê hương của Trưởng lão Hoà thượng.

Hiện nay, tại phương trượng tổ đình Từ Đàm, nơi gian phòng cố Trưởng lão tu tập và phiên dịch kinh sách đến cuối đời, HT.Thích Hải Ấn đã tôn tạo thành không gian “Dư hương thất” để tưởng niệm.

7.jpg

5.jpg
Bảo tháp cố Trưởng lão trong khuôn viên tổ đình Từ Đàm

12.jpg
Hương án cố Trưởng lão tôn trí tại “Dư hương thất”

10.jpg
Chiếc giường đơn sơ khi sinh tiền cố Trưởng lão chỉ tịnh

11.jpg
Thủ bút và bàn làm việc mỗi ngày khi phiên dịch kinh điển

14.jpg
Điệp thế độ của ngài sau khi xuất gia


Xem phóng sự của Giác Ngộ TV toàn cảnh về lễ trà-tỳ

Quảng Điền

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ cầu siêu chơn linh gần 400 bộ hài cốt được tìm thấy tại phố Tây Sơn

Hà Nội: Lễ cầu siêu tại nơi phát hiện gần 400 hài cốt ở phố Tây Sơn

GNO - Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, sự đồng thuận của chính quyền các cấp, ngày 30-11, tại chùa Bộc (P.Quang Trung), Ban Trị sự TP.Hà Nội cùng Ban Trị sự Q.Đống Đa tổ chức Lễ cầu siêu cho các hương linh tại ngõ 167 phố Tây Sơn - nơi phát hiện hàng trăm bộ hài cốt.
Ảnh minh họa

Cái lõi

GNO - Mục đích và tôn chỉ của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu Phật cũng vậy. Đây là chỗ rốt ráo của Phật đạo, cũng là cốt lõi mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vậy thì giác ngộ điều gì? Diệu lực nào cho chúng ta giải thoát?
Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam đã được ICDV chọn và thông qua

Đã có logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam

GNO - Thông tin với Báo Giác Ngộ chiều nay, 2-12, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam cho biết đã thống nhất chọn logo (biểu trưng) chính thức cho sự kiện quan trọng này.

Thông tin hàng ngày