Tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Hải Phòng

GNO - BTS GHPGVN TP.Hải Phòng sáng qua, 6-12 (30-11-Mậu Tuất) đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 710 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn (1308 - 2018) tại chùa Long Hoa - ngôi chùa có tôn tượng Ngài trên núi, lớn nhất Hải Phòng - thuộc quần thể khu danh thắng Núi Voi (xã Trường Thành, H.An Lão).

dsc_3306-copy_jpg.jpg


Quang cảnh buổi lễ

Quang lâm tham dự buổi lễ có HT.Thích Huệ Minh, UVTT HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư; HT.Thích Giác Liêm, UVTT HĐTS; TT.Thích Thanh Giác, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN TP.Hải Phòng, trụ trì chùa Long Hoa cùng chư tôn đức BTS Phật giáo TP.Hải Phòng, chư Tăng Ni trong và ngoài TP.

Đại biểu khách mời có ông Dương Ngọc Anh, Phó ban Tôn giáo TP.Hải Phòng; ông Lê Văn Nhã, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo TP.Hải Phòng cùng lãnh đạo X.Tràng Thành, H.An Lão cùng đông đảo quý Phật tử, du khách thập phương và nhân dân địa phương.

DSC_3233-Copy.jpg


TT.Thích Thanh Giác cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tại buổi lễ, TT.Thích Thanh Giác đã cung tuyên tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhắc lại xuất thân tôn quý của Ngài và cả quá trình tu tập, chứng đắc.

Theo đó, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt, trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 cho đến khi nhập Niết-bàn.

Trong cương vị Đức vua, ngài được sử Việt đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước.

Là con trai trưởng của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vào tháng 11-1278 - lúc ngài chưa đầy 20 tuổi. Vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông-Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc. Do vậy, ngay sau khi lên ngôi Trần Nhân Tông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức mạnh kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của Đại Việt, đồng thời xây dựng quan hệ tích cực với nước láng giềng phía nam là Chiêm Thành.

Năm 1285, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt huy động một lực lượng lớn (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư là 50 vạn người) tấn công Đại Việt. Quân dân Đại Việt ban đầu gặp nhiều tổn thất; nhưng dưới sự chỉ huy của vua Nhân Tông, thượng hoàng Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, người Việt đã dần dần xoay chuyền tình thế và đánh bật quân Nguyên về nước. Sau đó, 2 vua Trần và Hưng Đạo vương tiếp tục lãnh đạo dân Việt đánh bại một cuộc xâm lược khác của Mông-Nguyên vào năm 1287.

Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông, Đức vua Trần Nhân Tông đã khôi phục được sự hưng thịnh của Đại Việt, đồng thời thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Năm 1293, ngài truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó xuất gia tu hành theo đạo Phật.

Tháng 10 (âm lịch) năm 1299, Đức vua đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu-đà (mười hai điều khổ hạnh). Ngài còn có đạo hiệu là Trúc lâm đại đầu đà, hay Trúc Lâm đại sĩ và Giác hoàng Điều ngự.

Tại Yên Tử, Đức Điều ngự đã mở tinh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận được khá nhiều đệ tử. Vào thế kỷ XI-XIII, Phật giáo Đại Việt tồn tại chủ yếu dựa trên 3 dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Đức Điều ngự đã hợp nhất các tông phái này vào dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Đây được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam.

Tháng 11 âm lịch (tháng 12 dương lịch) năm 1308, Đức Điều ngự Trần Nhân Tông viên tịch trên đỉnh Ngọa Vân (Yên Tử).

dsc_3323-copy_jpg.jpg


Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm

Trong lời tưởng niệm, ĐĐ.Thích Tục Thành, UVTT BTS Phật giáo TP.Hải Phòng thay mặt cung tuyên, thành kính bày tỏ: “Công đức hoằng dương Phật pháp của Tổ sư sau khi ngộ đạo, Điều ngự Giác hoàng, Vua Phật trần gian, trăm hoa đua nở, ngàn cỏ hương thơm, chín nước, mười mây vang rền tiếng pháp, chống gậy trúc dạo chơi thiên hạ, nâng gót hài đại địa vững bền. Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy ‘Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi'.

Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam...”.

DSC_3186-Copy.jpg
Đại biểu chính quyền

Ngay sau đó, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, chư tôn đức BTS GHPGVN TP.Hải Phòng, lãnh đạo chính quyền, Phật tử và người dân đã dâng tâm hương tưởng niệm Đức Tổ sư, nguyện cầu âm siêu dương khánh, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và Phật pháp trường tồn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày