Tượng Phật Đồng Dương

GN - LTS. Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM là nơi lưu giữ nhiều bảo vật, hiện vật quý của quốc gia và vùng đất Nam Bộ, trong đó có các bảo vật Phật giáo. Mở đầu cho loạt bài này, GN giới thiệu đến quý bạn đọc về pho tượng Phật Đồng Dương - pho tượng được đánh giá cổ nhất và đẹp nhất Đông Nam Á, một tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng tinh xảo cùng nghệ thuật tạo hình ấn tượng của nền văn hóa Chăm-pa, đây cũng là pho tượng đồng tương đối nguyên vẹn, hiện đang trưng bày tại bảo tàng.

------------------------

Tượng Phật Đồng Dương là pho tượng tạc hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tìm thấy bởi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier vào tháng 4-1911 tại Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
dong duong (1).jpg
Tượng Phật Đồng Dương với thủ ấn Giáo hóa (Vitarka)

Tượng Phật có hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế, mềm mại, làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm của Đức Phật: Tóc trên đỉnh đầu được bới ba hay bốn vòng theo kiểu ushsina, tóc trên trán quăn hình ốc, với khuôn mặt tròn đầy đặn, đôi tai dài và đôi mắt sâu, cổ ba ngấn, vai phải để trần, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha, thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân, nếp gấp để trên tay trái, đó là Uttayria dài rộng mà các Tăng nhân khoác ngoài khi đi du hành. Đây được xem là phong cách nghệ thuật Amaravati (tên một thành phố miền Nam Ấn Độ thời cổ đại, là một trung tâm nghệ thuật Phật giáo quan trọng đã gây ảnh hưởng lớn cho nền văn hóa nghệ thuật ở những vùng Nam Á, như Sri Lanka,Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam…), mang đậm tính bản địa người Dravidian, được đánh giá là khuôn mẫu cho điêu khắc ở Sri Lanka và vùng Đông Nam Á. Chúng ta có thể thấy phong cách này toát lên rõ nét trong tác phẩm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni - Đồng Dương.

Với chất liệu đồng thau, nặng 120kg với chiều cao 120cm, chỗ rộng nhất 38cm và chỗ dày nhất là 38cm, tượng trong tư thế đứng như đang thuyết pháp (chuyển pháp luân) trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của bệ là khối bán cầu ở thế ngửa lên. Phần dưới bệ có hình tròn lớn hơn như miệng chuông úp xuống. Toàn thân tượng đồng được đóng chặt vào bệ bằng những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng.

Khi ấy, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đã đánh giá tượng Phật Đồng Dương là một trong những pho tượng Phật cổ nhất, thuộc hàng đẹp nhất ở khắp cả vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Xét về mặt cổ xưa, ngày ấy nguồn gốc chính xác của tượng còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, tượng Phật Đồng Dương giống các tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka), nên có thể tượng Phật Đồng Dương có niên đại vào khoảng thế kỷ III - IV và đã được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Mặt khác, nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng là tượng do người Chăm xưa làm nên. Ngày nay, pho tượng được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII - IX, liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chăm-pa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”.

Xét về khía cạnh mỹ thuật, quả thực không thể không nghiêng mình trước vẻ đẹp hiếm thấy của tượng Phật Đồng Dương, khi hội tụ nhiều tướng tốt trong “tam thập nhị tướng” 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật được ghi trong bộ luận Đại trí độ.

Trước hết, có thể kể đến là nghệ thuật tạo hình đặc sắc cho pho tượng, thể hiện tướng tốt đầu tiên của Phật, đó là lòng đôi bàn chân bằng phẳng, trong tư thế đứng trên bệ sen, chấm sát đất và khít khao đến nỗi “cây kim cũng không thể lọt qua”. Bên cạnh đó, hai tay đưa ra phía trước, một tay theo thủ ấn Giáo hóa (Vitarka), tay kia vịn nhẹ đầu vạt áo choàng, cùng với hai chân, đôi mắt và ba ngấn chìm giữa cổ, gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn” biểu hiện diệu tướng thứ 17 của Phật. Tạo hình vai bên phải để trần cũng thể hiện hảo tướng thứ 21 là tròn và đẹp.

Với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao, những nghệ nhân Chăm-pa như còn ẩn ý lồng vào tượng Phật vẻ đẹp của ba diệu tướng khác: “thân kim sắc” (tức ánh sắc vàng) - diệu tướng thứ 14 và 15 - có sức tỏa hào quang minh tịnh; diệu tướng thứ 16 - da mịn, trơn bóng như hoa sen buổi sớm.

Đi vào phần chi tiết, người ta còn có thể dễ dàng nhận ra các diệu tướng khác trên khuôn mặt tượng Phật Đồng Dương. Tiến sĩ Bá Trung Phụ - Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM từng nhận xét về mặt con người: “Tượng Phật Đồng Dương được các nghệ nhân khắc họa với khuôn mặt hình trái xoan phúc hậu, đôi mắt sâu, mang những nét gần gũi, gắn bó với con người hơn so với tượng Phật ở các nước khác”.

Trên khía cạnh Phật giáo, nhà báo Giao Hưởng - Báo Thanh Niên cũng đưa ra nhận định: “Hai má tượng phẳng và rộng như sư tử chúa, thể hiện tướng thứ 25 của Phật, đúng như kinh chép: Khi Phật mở miệng thuyết pháp ví như tiếng sư tử hống, làm tắt tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng (tướng âm thanh Phạm thiên). Diệu tướng thứ 29 được thể hiện ở đôi mắt, không nhắm hẳn lại mà đang mở nhìn, đẹp như cánh hoa sen xanh. Giữa trán khắc một vòng tròn tiêu biểu cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn triều cường”.

dong duong (2).jpg


Tượng Phật Đồng Dương tại Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM
là bảo vật quốc gia, và được trưng bày ở các nước như Mỹ Pháp, Áo, Bỉ - Ảnh tư liệu

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tướng tôn nghiêm nằm ở vị trí cao nhất của tượng Phật Đồng Dương mà các nghệ nhân Chăm-pa xưa đã khéo léo đúc trác: tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu.

Tượng Phật Đồng Dương từng được ghi nhận qua nhiều ấn phẩm giới thiệu hiện vật Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm không chỉ bởi giá trị nghệ thuật mà còn ở yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm này. Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa Việt Nam, vào tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận tượng Phật Đồng Dương là bảo vật quốc gia, và cho phép đưa đi trưng bày ở các nước như Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ với giá bảo hiểm lên đến 5 triệu USD.

Đôi nét về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM thành lập vào năm 1979, dựa trên cơ sở cải tạo từ “Bảo tàng Blanchard de la Brosse” (1929 - 1956, đặt theo tên vị thống đốc Nam Kỳ thời bấy giờ) và cũng là “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn” (1956 - 1975) sau khi chính quyền Sài Gòn tiếp thu từ người Pháp. Bằng nhiều nguồn sưu tầm, từ khai quật khảo cổ học; tiếp nhận của các cơ quan hữu quan; được hiến tặng và mua lại…, các sưu tập của Bảo tàng Lịch sử không ngừng được chọn lọc, bổ sung, nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu giáo dục, nghiên cứu và thưởng thức của công chúng trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nhân loại.

Hiện nay, bảo tàng gồm hai hệ thống trưng bày chính: 1. Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến hết thời Nguyễn (1945) với 10 phòng trưng bày, và 2. Một số sưu tập về lịch sử - văn hóa các nước trong khu vực với 8 phòng và khu trưng bày. Ngoài ra, đến với Bảo tàng, khách tham quan còn có thể tra cứu tư liệu tại Thư viện Bảo tàng với trên 12.000 đầu sách có niên đại từ thế kỷ XIX đến nay với các loại ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nhật, Thái… (trước đây là thư viện của Hội Nghiên cứu Đông Dương, thành lập từ cuối thế kỷ XIX). Hay xem trình diễn múa rối nước - một hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian của dân tộc xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước.

Tháng 10-2006, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) hỗ trợ xây dựng một xưởng phục chế hiện vật đá. Hiện nay, tại Bảo tàng đang tiến hành chuyên đề “Cổ vật sưu tầm 40 năm”, tiếp nhận thêm 159 hiện vật do 17 nhà sưu tập trong nước và 2 nhà sưu tập nước ngoài trao tặng. Sự kiện mở cửa từ ngày 22-4-2015 đến hết tháng 10-2015 tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Giao Hảo

  • Kỳ 2: Tượng Bồ-tát Avalokiteśvara huyền bí niên đại thế kỷ VII - VIII

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày