Uớc mơ về một Việt Nam phát triển

Giác Ngộ - Sáu học giả gồm GS.Hoàng Tụy, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, dịch giả Nguyễn Đôn Phước, dịch giả Phạm Văn Thiều, GS.Ivo Vasiljev (Cộng hòa Czech) và GS.Kevin Bowen (Hoa Kỳ) vừa được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải (năm 2010) vào cuối tháng 3 vừa qua tại Khách sạn Rex (TP.HCM).

Họ là những người đã dành trọn một phần đời của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật và Việt Nam học…

anh 1 - Bai ve giai thuong PCT.JPG

Các học giả nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh
chụp hình với bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa P
han Châu Trinh (thứ 2, từ phải sang) - Ảnh: L.Đ.L

"Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng"

Đó là tựa sách của GS.Hoàng Tụy - là người đoạt giải Giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lần này. Quê ở Quảng Nam và là cháu ruột của danh tướng Hoàng Diệu nên huyết thống dòng dõi đã thấm nhuần trong ông. Bước vào nghề giáo từ năm 20 tuổi, rồi mày mò tự học, đọc và nghiên cứu, chu du nhiều nước trên thế giới, tiếp cận với nền Tây học và trở về phụng sự cho đất nước, suốt 60 năm làm nghề giáo ông chưa bao giờ ngừng thao thức về những vấn đề nan giải, còn tồn tại của nền giáo dục nước nhà vốn nhiều "lỗ hổng".

Trong bài diễn từ của mình, nhà giáo dục Hoàng Tụy đã trăn trở: "Không đâu cần bốn chữ cần-kiệm-liêm-chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc…". Có nhận xét ấy chính từ sự nhận diện về một sự thật:

"… Đặc biệt, sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua".

GS.Hoàng Tụy nén lòng lại để nêu bật lên một sự thật - là "nỗi đau" mà ông là người thao thức, rút ra từ chính cuộc đời dấn thân phụng sự nền giáo dục trong suốt sáu thập kỷ: "Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư? Thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưởng như ban đầu. Thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã được nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có hay bằng gì gì đó thì đố ai biết quy mô đến đâu".

"Đối với phần di sản trứ thuật và sáng tác gắn với văn tự Quốc ngữ, tôi cho rằng các giới nghiên cứu chuyên nghiệp và không chuyên cần đẩy mạnh hơn công tác sưu tầm, khôi phục…" – Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Cả khán phòng hôm ấy như lắng lại, nghẹt thở, cánh phóng viên liên tục chụp hình GS.Hoàng Tụy, nhiều người tỏ ra phấn chấn: "Phải có tinh thần phản biện như ông, dám nói thẳng sự thật, dám phê bình như thế thì may ra…". Sau phần trình bày của ông là một tràng pháo tay dài, có học giả đứng lên bắt tay, bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng bắt tay ông như một lời cảm ơn, khuyến khích!

Những người đem văn hóa nước ngoài về Việt Nam

Đó chính là hai dịch giả: Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước. Đối với dịch giả Nguyễn Đôn Phước, ông từng giảng dạy về kinh tế ở Paris (Pháp) rồi làm chuyên gia thống kê kinh tế ở Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Pháp… Từ năm 1998 đến nay, Nguyễn Đôn Phước là dịch giả dịch sách kinh tế và nghiên cứu độc lập về kinh tế, thống kê. Vị dịch giả 60 tuổi này cho rằng: "…dù sống ở đâu trong thời đại nhiều biến động nhanh chóng, dồn dập và sâu sắc như thế giới toàn cầu hóa của chúng ta ngày nay, ai cũng dễ dàng thấy rằng kinh tế là một việc quá quan trọng để chỉ giao phó cho các nhà kinh tế. Trước độ phức tạp của những vấn đề mà các xã hội phải giải quyết, chính bản thân các nhà kinh tế cũng nhận thức giới hạn của việc tự bó hẹp tầm nhìn trong chuyên ngành của mình".

Còn dịch giả Phạm Văn Thiều (sinh năm 1946), hiện ông công tác tại Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia và Hội Vật lý Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Vật lý & Tuổi trẻ thì tâm đắc với với việc dịch rất nhiều tác phẩm về vật lý. Trong đó, ông có cơ duyên tiếp xúc với nhà vật lý thiên văn người Mỹ, gốc Việt – Trịnh Xuân Thuận và trở thành dịch giả cho hầu hết các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận. Về lĩnh vực Vật lý - Phật giáo có cuốn "Cái vô hạn trong lòng bàn tay" mà ông là người chuyển tải thành công qua cái thấy của Trịnh Xuân Thuận để không chỉ là Phật tử mà nhiều người yêu mến đọc cũng hiểu được giá trị của đạo Phật, sự gần gũi và những tương đồng của Phật giáo với một ngành khoa học hiện đại - Vật lý.

Những người bạn của Việt Nam

Có thể nói, GS.Ivo Vasiljev là một người khá đặc biệt khi ông là người Cộng hòa Czech nhưng lại nói tiếng Việt chuẩn. Ông cho rằng, muốn tìm hiểu văn hóa của một đất nước nào đó mình cần phải giỏi ngôn ngữ của quốc gia, dân tộc đó vì "trong ngôn ngữ đã "chở" đầy bản sắc văn hóa". Có mặt ở Việt Nam từ trước giải phóng, cảm thông và thấu hiểu được mất mát từ cuộc chiến tranh nên các công trình chủ yếu của ông là viết về chiến tranh. Hàng ngàn trang viết, hàng chục bài báo ông đều kêu gọi hòa bình và phản đối chiến tranh Việt Nam trên diễn đàn ở nhiều nước như Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tây Đức… Với tinh thần làm việc không mệt mỏi và tình yêu Việt Nam, ông cho biết rằng ông đang làm Từ điển Séc-Việt và Việt-Séc như một món quà tặng để người Việt ở Cộng hòa Czech có cơ hội tiếp cận với quê hương mình và ngược lại.

"Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh trích từ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, tiền thân là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ đã trao giải thưởng cho 16 học giả, tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật và Việt Nam học

.Đối với GS.Kevin Bowen (nhà thơ, dịch giả, Giám đốc Trung tâm William Joiner - Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả xã hội, thuộc ĐH Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ) thì lại có một kỷ niệm đặc biệt: từng là quân nhân phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau khi rời khỏi chiến trường Việt Nam, ông đau đáu ngày trở lại mảnh đất mà khi lên máy bay về nước, nhìn xuống dưới ông chỉ thấy một màu tan tác, tiêu điều bởi bom đạn và chất độc dioxin, thuốc diệt cỏ…

anh 2 - Bai ve giai thuong PCT.jpg

Thi cử không khoa học, một trong những "lỗ hổng"
của giáo dục Việt Nam đã được GS.Hoàng Tụy nhắc tới - Ảnh: CTV

Ngày trở lại Việt Nam (năm 1987) ông cảm nhận hòa bình và sức sống mạnh mẽ của người Việt để rồi ông yêu mến mảnh đất này, trở thành một trong những người làm công tác hòa giải dân tộc. Trong buổi đầu đó, nghĩa là sau khoảng 10 năm giải phóng, ông nhận định: "Quan niệm về Việt Nam ở Mỹ và về Mỹ ở Việt Nam đều u ám bởi nhiều thập niên tuyên truyền và xuyên tạc. Việc cắt hầu hết ngân sách cho các chương trình dạy ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa Việt Nam ở Mỹ và những cắt giảm tương tự đối với chương trình dạy tiếng Anh và nghiên cứu về Mỹ ở Việt Nam đồng nghĩa với tình trạng bất khả của những giao lưu trực tiếp và thực sự trong sáng". Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng của ông và rất nhiều người yêu chuộng hòa bình đã bắt đầu "khai thông" dần những suy nghĩ hạn hẹp về tình trạng u ám đó. Giờ đây, GS.K. Bowen giống như một người bạn Việt Nam, cứ mỗi người bạn Việt Nam đến Boston đều có thể đến nhà ông làm khách như về chính ngôi nhà của mình. Ông tâm đắc về hòa bình và "nối vòng tay lớn" trong tình anh em: "Làm sao có thể quên được Đoàn nhạc Sông Hương của Võ Quê đã diễn một đêm trên sông nước vằng vặc ánh trăng ở Huế, rồi lại diễn ở ngay sân sau nhà chúng tôi ở Doschester… Rồi những lúc ngồi ở hiên nhà nghe ca khúc Trịnh Công Sơn với phần đệm guitar nhẹ nhàng, mà nhiều năm sau lại được ngồi với Duy trong một quán bar Sài Gòn, nghe chính Trịnh Công Sơn hát những ca khúc ấy…".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày