Vài kỷ niệm với thi sĩ Phạm Thiên Thư

GN - Đầu thập niên bảy mươi thế kỷ trước, trong  một dịp tình cờ nào đó (tôi không còn nhớ nữa), tôi và anh gặp nhau! Để rồi sau đó chúng tôi trở thành “duyên nợ” gắn bó đến bây giờ.

Khi đó, hai chúng tôi đều “Tâm trụ đạo Bụt”, tôi tu học ở Linh Sơn Đà Lạt, một thành phố miền núi quanh năm ngập tràn sắc hương hoa trái, những đồi nương chập chùng thông reo như những bản tình ca du dương theo gió núi mây ngàn, còn thi sĩ Phạm Thiên Thư tu ở chùa Vạn Thọ, quận 1, Sài Gòn.

pham-thien-thu.gif


Thi sĩ Phạm Thiên Thư

Tuy tuổi tác giữa anh và tôi có sự chênh lệch khá xa, về sự nghiệp thi văn thì anh là người của công chúng, tiếng tăm lẫy lừng sau những bản nhạc do cố nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ thơ của anh, như: Ngày xưa Hoàng thị, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu, Đưa em tìm động hoa vàng… đã được phổ biến rất thịnh hành thuở ấy ở miền Nam. Và hẳn nhiên anh đã có một vị trí, tên tuổi sáng ngời trong văn đàn Sài Gòn - miền Nam lúc bấy giờ. Tên tuổi anh càng nổi hơn, đó là vào năm 1973, tác phẩm “Đoạn trường vô thanh” của anh được chính quyền Sài Gòn chọn và trao giải thưởng văn chương (do Tổng thống trao tặng) nhưng anh đã không đến nhận giải.

Những tác phẩm của anh hầu hết đều lấy tư tưởng Phật giáo làm chủ đạo hoặc thi hóa từ kinh điển mà anh đã chọn cho hướng sáng tác của mình. Những tác phẩm của anh được in với số lượng lớn và phát hành một cách chóng vánh. Có thể nói, tên tuổi của anh đã được định hình (nổi tiếng) trong lòng độc giả miền Nam thời bấy giờ.

Là người nổi tiếng như vậy, nhưng tính cách của anh rất thân thiện, gần gũi và dễ mến không hề biểu hiện một chút kiêu kỳ, ngạo mạn của người nổi danh. Với tôi, mặc nhiên anh luôn dành những thiện cảm đặc biệt. Mỗi khi có dịp ngược lên Đà Lạt thăm thú vui chơi để tìm cảm xúc cho tứ thơ của mình, anh không quên dành thời gian giao du với tôi như trả “món nợ ân tình” đằm thắm.

Ngược lại, tôi cũng vậy, hay mượn cớ xa rừng bỏ núi của xứ cao nguyên lâm viên để xuống Sài Gòn tìm một chút nắng hanh khô sưởi ấm thay cho không khí ẩm ướt mù lạnh của núi rừng nơi trú ngụ. Những dịp như thế chúng tôi đều dành thời gian cho nhau, cùng “bù khú” bên những tách trà ấm áp ngọt ngào dư vị như rót vào tâm hồn nhau những hương sắc chan chứa ân tình, bạn đạo, bạn văn… Từ đó tôi luôn mang tâm trạng bâng khuâng gợi nhớ đến câu thơ của Tế Hanh: “Lòng của người đi réo kẻ về…”. Cứ thế! Đến năm 1975, do những chướng duyên, nghịch cảnh anh em chúng tôi hoàn tục trở về cuộc sống đời thường!...

Gắn bó thân thiết với nhau như thế nên tôi biết khá rõ hoàn cảnh của gia đình anh. Gia đình anh chỉ có một mẹ và một con. Thân mẫu anh trước đây ở trong một căn nhà nhỏ trên đường dẫn vô chùa Vạn Thọ. Thuở ấy, anh tuy đang là một tu sĩ nhưng để báo hiếu mẹ, anh thường thu xếp lui tới chăm lo cho mẹ, mẹ anh nay đã ở độ tuổi “cổ lai hy”, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khỏe mạnh và tâm trí thì vẫn minh mẫn tinh tường. “Được như thế này là nhờ có Phật độ đấy!...”., bà từng nói với tôi. Bà theo nghề thuốc gia truyền và có bàn tay phục dược, nên luôn có nhiều người bệnh tìm đến bà nhờ chữa trị. Bà chữa bệnh không phải vì tiền, vì thế tùy theo hoàn cảnh người bệnh bà linh động miễn giảm tiền thuốc cho họ.

Tiếng lành đồn xa, nhiều hoàn cảnh khó khăn tìm tới bà để trị bệnh ngày một thêm đông, nhưng bà vẫn luôn hoan hỷ chữa trị cho những bệnh nhân nghèo bất hạnh… Với những điều mắt thấy tai nghe về bà, tôi nghĩ bà là một lương y giỏi về bốc thuốc trị bệnh lại là người có tâm đức, nhân hậu giúp đời cứu người. Sau đó bà chuyển về mua một căn nhà ở đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận bây giờ). Căn nhà mới khang trang thoáng mát, có nhiều phòng ốc và một khoảng sân khá rộng phía trước được bao bọc bằng bức tường cao hơn 2,5m.

Với điều kiện thuận duyên đó, chàng thi sĩ họ Phạm đã mở Trường Tiểu học Lạc Hồng. Anh cũng dành một góc bên mái hiên nhà chếch về hướng Đông để dựng một lều tranh, tuy đơn giản nhưng tạo được không gian thơ mộng. Mỗi khi chúng tôi có dịp tao ngộ anh lại tổ chức uống trà đọc thơ! Anh có thói quen đốt một cây nến ánh sáng vừa đủ tỏa ra lung linh trong không gian nhỏ của lều tranh, bên cạnh anh đặt một lò trầm tỏa hương thơm dịu nhẹ làm cho không gian ẩn giữa chốn đô thị ồn ào kia thêm phần tĩnh lặng nên thơ hơn.

Tôi vốn có chất giọng ngâm thơ thiên phú, vậy nên những lần hội ngộ như thế anh không quên bắt tôi “độc diễn” những bài thơ của anh mới viết! Có khi ngẫu hứng, anh lại “ép” tôi trích ngâm Đoạn trường vô thanh, một tác phẩm mang tâm ý sâu sắc của đạo Bụt cũng là tác phẩm đắc ý của anh.

Gặp lại anh gần đây tại quán cà-phê Hoa Vàng, Y1B Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10, anh tặng tôi tập thơ Động hoa vàng do Nhà xuất bản Văn Hóa -Văn Nghệ thành phố tái bản đầu năm 2012. Anh tâm sự: “Có thể anh sẽ trở lại chùa và nơi anh dự định đến là tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh”.

Có lẽ, những gì xuất phát từ trái tim tràn đầy cảm xúc thân thương thì sẽ được đón nhận từ trái tim hòa nhịp đồng điệu tâm giao! Đó là những gì mà tôi cảm nhận và có được từ mối quan hệ tri kỷ này. Đó cũng là những kỷ niệm tuyệt vời đầy thêm hạnh phúc của chúng tôi khắc ghi một thời kết bạn vong niên với thi sĩ tài hoa Phạm Thiên Thư. Và tôi luôn mang theo mình niềm vui ấm áp này, không phải là niềm vui mới bắt đầu mà cũng chẳng phải niềm vui đã kết thúc!...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày