“Oedipe, số phận của ngươi thật là khủng khiếp: Ngươi sẽ giết bố, lấy mẹ”. Đó là lời sấm ngôn trong bi kịch Oedipe của vua Sophocle để rồi khi nghe như vậy, Oedipe đã bỏ nhà ra đi né tránh điều đó. Nhưng trớ trêu thay, khi chạy trốn số phận, Oedipe đã vô tình đón lấy số phận. Oedipe đã thực hiện một điều mà các nhà tương lai học thế kỷ XX gọi là “hiệu ứng Oedipe”, nghĩa là Oedipe càng cố gắng trốn tránh số phận tiền định bao nhiêu thì lại càng tiến gần đến số phận bấy nhiêu. Trốn nhưng không tránh được số phận bủa vây. Cuối cùng con người rơi đúng vào con đường do số mệnh dẫn dắt.
Đã từ xưa, người Hy Lạp luôn ý thức về số phận đời mình như những cuộn chỉ trong tay ba chị em nữ thần Norn. Họ bắt đầu nhận thức về cái chết như là một định mệnh cuối cùng dù có cố phủ nhận điều đó. Nhưng ở mặt khác, họ luôn muốn thoát khỏi bàn tay của số phận bằng ý chí tự do của con người.
Khi Thiên Chúa giáo ra đời, có một câu chuyện đặc biệt tượng trưng cho mối quan hệ giữa định mệnh và tự do được kể trong Kinh Thánh về việc con người bị đuổi ra khỏi thiên đường. Huyền thoại đó đã khởi đầu lịch sử loài người với sự tự do ý chí. Nhưng khốn thay, đó là sự lựa chọn sai trái để rồi con người rơi vào vòng vây của tội nguyên thủy đời đời và đặt định mệnh con người vô tay Thượng đế. Đỉnh cao của tư tưởng này thể hiện rõ trong học thuyết của Calvin khi ông nói rằng: “Ta không phải là của chính ta; vì lẽ đó, ta không nên đặt lý trí và ý chí chúng ta lên trên những dự định và hành vi của ta. Chúng ta không tự tại; vì lẽ đó, hãy đừng phụng sự nó như cứu cánh cuối cùng của ta, hãy đừng tìm kiếm điều lợi lộc cho ta theo tiếng gọi của thân xác. Chúng ta không tự tại; vì lẽ đó, hãy quên đi bản thân cùng tất thảy những gì thuộc về nó. Trái lại, chúng ta thuộc về Chúa; hãy phó thác sự sống chết của ta vào tay Người”.
Nhưng đến Hồi giáo, tư tưởng định mệnh được sử dụng triệt để nhất. Tôn giáo đó trao cho con người một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Allah, vào tư tưởng định mệnh. Người nào có niềm tin sẽ đi qua cuộc đời khốn khổ đầy khắc nghiệt một cách thanh thản.Cuộc sống của họ như được “mua bảo hiểm” và cái chết đối với họ không còn là một điều lo sợ nữa. Niềm tin giúp con người vượt qua những giới hạn của ý thức để hình thành những khả năng siêu phàm không ngờ được của con người. Điều này có thể thấy qua những cuộc thánh chiến, những người tử vì đạo không sợ chết là gì.
Họ tin vào tư tưởng định mệnh, vào cuộc sống đã được an bài bởi Thánh Allah vĩ đại toàn năng rất mực nhân từ và khoan dung. Vì thế “sự tin tưởng ở tiền định làm cho sự cuồng tín thành một nét chính của tư tưởng Hồi giáo. Mahomet và các vị thủ lĩnh khác dùng nó kích thích lòng dũng cảm trên chiến trường vì ngày chết của mỗi người đã do tiền định thì tai nạn lớn lao nào cũng không làm cho ta chết trước ngày đó được…” [Will Durant].
Qua đến vùng Bắc Á xa xôi, người Trung Hoa đã xây dựng cho mình một hệ thống triết lý sâu sắc về số phận con người qua nhiều khoa bói toán có từ ngàn xưa để tìm hiểu vận mệnh đời người giữa tạo hóa. Điển hình nhất là tử vi đấu số.
Dựa vào giờ ngày tháng năm sinh, ta có thể thiết lập một lá số tử vi với hơn 100 sao khác nhau để từ đó luận đoán về cuộc đời. Tất cả mọi người đều có những sao như thế trong lá số, chỉ khác nhau là nằm ở cung nào, đắc địa hay hãm địa. Điều này cũng như quan niệm của Duy thức: tất cả chúng ta đều có tất cả những chủng tử như nhau ở tàng thức tùy vào ta huân tập nó nhiều hay ít mà nó hiện hành ở ý thức hay không; còn với phân tâm học của Jung thì có thể gọi đó là những cổ mẫu, những năng lượng tâm thần tạo dựng khuôn mẫu từ đó tạo dựng nên tính cách và số phận đời người.
Nếu một người có sao Vũ Khúc đắc địa trở lên tọa trấn cung tài bạch thì có khả năng giàu có, người có sao Thái Âm ở cung điền trạch thì sẽ có đất đai rộng lớn, có sao Hóa Khoa ở cung mệnh thì có khả năng học rộng, đỗ đạt cao.
Hoặc nhìn vào lá số tử vi để biết được đó là người tốt hay người xấu, người này có khả năng sau này sẽ giết người, bị tù đày, chết ra làm sao. Và người xem tử vi giỏi thậm chí biết được tháng, năm chết của mình.
Chúng ta cứ nghĩ rằng, bằng ý chí của mình, chúng ta có thể thay đổi được cuộc đời, nhưng nào có hay, thậm chí người có được ý chí cũng do một số sao trong tử vi quyết định.
Từ đó cho thấy, hình như cuộc đời của ta luôn bị tiền định. Và ai trong chúng ta cũng khát khao muốn biết cho bằng được rằng sau này mình ra sao? Có giàu sang không? Có được công danh, sự nghiệp gì ở đời không?Có hạnh phúc không? Thế cho nên rất nhiều người thích coi bói, nhưng thử hỏi có mấy ai thấy hài lòng với những lời giải đáp của người bói toán? Rồi có khi, chính ta lại chuốc phiền não thêm.
Với Phật giáo thì không có Thượng đế hay trời cao nào sắp đặt số phận con người, mà chính con người đã tạo tác nên cuộc đời của mình qua tất cả những hành vi mà con người đã làm được gọi là nghiệp (kamma). Danh từ kamma trong tiếng Pali nghĩa là “hành động”. Nhưng trong lý thuyết Phật pháp thì nó có ý nghĩa: “những hành động do ý muốn”. “Hỡi các Tỳ-kheo, chính ý muốn (cetana) ta gọi là nghiệp. Khi đã muốn, thì người ta liền thực hành bằng thân, miệng, ý” [Tăng nhất A-hàm]. Và cứ như thế, con người đã vẽ nên bức tranh số phận đời mình.
Và liệu con người có thể thay đổi được điều đó hay không?
Nếu số phận do con người tạo ra, thì cũng sẽ do con người thay đổi nó. Nhưng quả thật, trong cuộc sống này, con người như bước vào đường ranh xe lửa đã định sẵn cho mình mà không hề hay biết. Đường ranh ấy do những thói quen, những ham muốn mà ta đã huân tập tạo thành những tập khí khó thay đổi.
Bạn có thể chứng minh nó trong định luật vật lý: khi bạn tạo ra một hành động, hành động ấy chắc chắn sẽ tạo ra một lực. Theo định luật 1 Newton, vật ấy sẽ chuyển động thẳng đều và theo định luật 2 Newton mọi vật đều có xu hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động thẳng đều khi không có ngoại lực tác động vào chúng. Nhưng rồi vì thói quen, tập khí đã có sẵn trong tàng thức, bạn cứ tạo tác mãi không thôi, nó từ từ hình thành một nguồn năng lượng khổng lồ, chính nguồn năng lượng này đã tạo tác nên định mệnh bạn, cuộc đời bạn.
Gieo một suy nghĩ gặt một hành động.
Gieo một hành động gặt một thói quen.
Gieo một thói quen gặt một tính cách.
Gieo một tính cách gặt một số phận.
Gieo một số phận gặt một cuộc đời.
Vậy ta có thể dựa vào đó để thay đổi định mệnh đời ta theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng chắc chắn không phải một sớm một chiều mà nó cần được thay đổi từng chút, từng chút những suy nghĩ, hành động hàng ngày để tạo thành một thói quen tốt khác.
Điều này gọi là chuyển hóa thói quen, tập khí xấu thành những thói quen tập khí tốt hơn. Và con đường hữu hiệu nhất chính là con đường thiền quán.