Vai trò của người truyền đạo

NSGN - Việc thiết lập Phật pháp tại một vùng đất nào đó phải luôn cần đến một số bước đi căn bản, trước hết là đào tạo người đảm trách công việc truyền bá, thứ đến là xem xét những gì sẽ được truyền bá, nghiên cứu đối tượng tiếp nhận Phật pháp là ai

 Từ buổi đầu bình minh của mình, Tăng đoàn Phật giáo đã rất nhiệt tâm trong việc chuyển tải thông điệp của Đức Phật đến với quần chúng. Người Tỳ-kheo vời bình bát và ba y, đã du hóa khắp nơi, vừa khất thực để nuôi sống bản thân nhưng qua đó cũng truyền trao giáo pháp của Đức Phật đến với cõi đời, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của nhiều người. Không bị ràng buộc và giới hạn bởi nơi ở và trụ xứ, và nơi một nền văn hóa mà người tu hành luôn được kính trọng bởi mọi giai tầng trong xã hội, các Tỳ-kheo có thể đi đến bất cứ nơi đâu để thực thi sứ mệnh của mình mà không bị chi phối hay bị kiểm soát nhiều bởi những quyền lực thế tục. Cũng ngay từ buổi đầu, Đức Phật đã thấy rõ vai trò của những đệ tử trong việc đại diện cho Ngài truyền bá Phật pháp rộng khắp muôn nơi, cho nên Ngài không chỉ truyền dạy cho đệ tử những pháp môn tu học để giải thóat bản thân, mà cũng khuyến khích các đệ tử hãy lên đường vì “lợi ích của số đông”.

27_922213323.jpg

Vào thời Đức Phật, khi một vị Tăng lên đường giáo hóa, thì hầu như đang mang Phật pháp đến những vùng đất mới, trong ý nghĩa rằng những vùng đất đó chưa có sự hiện diện của Phật pháp trước đấy. Và với sự “lên đường” nhiệt tâm của những Tăng sĩ thời kỳ đầu, không bao lâu sau đó Phật pháp đã có mặt khắp cõi tiểu lục địa rộng lớn này, và nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ưu thế. Nhưng Phật pháp được truyền bá nhanh chóng vào thời kỳ đầu không chỉ nhờ bởi sự nhiệt huyết truyền đạo của các thầy Tỳ-kheo, mà cũng do vì quần chúng lúc ấy đang chán ngán tôn giáo truyền thống Bà-la-môn với những triết thuyết khó hiểu và những lễ nghi phức tạp, và đang khát khao một nguồn tâm linh mới đáp ứng được những mong mỏi của họ. Với giáo pháp khế lý và khế cơ, và với đoàn thể Tăng già có nhiều người chứng thánh quả, đã tạo cho Phật giáo thời kỳ đầu có nhiều sinh khí và hấp dẫn quần chúng cao độ.

Bắt đầu từ thời vua A Dục (Ashoka), Phật giáo chính thức được truyền bá ra khỏi Ấn Độ và cũng trở thành một tôn giáo thế giới từ thời điểm đó. Sự truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới dưới thời vua A Dục là lần “quốc tế hóa” Phật giáo đầu tiên. Về sau với việc giao thương qua đường biển cũng như qua Con đường Tơ lụa, Phật giáo đã nhanh chóng hiện diện khắp cõi châu Á và trở thành tôn giáo chính của người Á châu.

Trong lịch sử truyền bá Phật pháp ra nước ngoài (từ Ấn Độ sang các nước khác, và từ các nước Phật giáo đến những châu lục khác), có hai cột mốc được xem là quan trọng, đó là việc truyền bá Phật pháp dưới thời vua A Dục và lần thứ hai là khi Phật giáo tiếp xúc với các nước phương Tây trong thời kỳ thuộc địa và sau đó là những đợt di dân của người châu Á đến các nước Âu Mỹ. Vào thế kỷ XX, một số nước Phật giáo Á châu cũng đã có những hoạt động truyền bá Phật pháp ở những châu lục khác, và cũng đã ít nhiều có sự thành công. Nhưng một điều đáng tiếc là, trong khi các tổ chức Phật giáo tại các nước khác có những chương trình truyền bá Phật giáo ra nước ngoài, thì Phật giáo Việt Nam không hề có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến sứ vụ này, ngoại trừ những tổ chức Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.

Khi nói đến việc truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới là nói đến việc truyền bá Phật pháp đến những vùng đất chưa có Phật pháp, bất kể vùng đất đó là nơi đâu, trong nước hay ở những nước khác. Nhưng ở bài viết này, nhận thấy rằng bàn đến việc truyền bá Phật pháp ra nước ngoài là điều không thể, chúng tôi xin giới hạn ở phạm vi “nội địa”, là việc truyền bá Phật giáo đến những nơi chưa có Phật pháp trên đất nước Việt Nam. Và giới hạn thêm một lần nữa là chỉ nói đến vai trò của người truyền đạo.

Việc thiết lập Phật pháp tại một vùng đất nào đó phải luôn cần đến một số bước đi căn bản, trước hết là đào tạo người đảm trách công việc truyền bá, thứ đến là xem xét những gì sẽ được truyền bá, nghiên cứu đối tượng tiếp nhận Phật pháp là ai (nói cách khác là có sự tìm hiểu về nhân chủng và xã hội học), thiết lập cơ sở ở đó và đào tạo người dân địa phương để họ trực tiếp nắm giữ vai trò truyền đạo và giữ đạo cho cộng đồng...

Đọc lại lịch sử truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang các nước khác, cũng như việc truyền bá Phật giáo từ những nước theo Phật giáo đến những vùng đất chưa có Phật pháp ta thấy những bước đi trên là những điều căn bản trong việc truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới. Và trong những yếu tố được đề cập ở trên, việc đào tạo và huấn luyện người truyền đạo có thể được coi là nhân tố quyết định. Điều này là hẳn nhiên, bởi vì yếu tố chủ đạo này luôn ảnh hưởng những bước còn lại.

Giới - định - tuệ là những nguyên tắc mà một người tu tập phải thực hành và hoàn thiện; và đối với một người làm công tác hoằng pháp lại càng không thể thiếu. Không khó để hình dung thái độ của dân chúng khi lần đầu tiên tiếp cận Phật giáo qua hình ảnh một vị thầy thiếu oai nghi, hay một vị thầy tính tình nóng nảy, dễ sân hận và thiếu sự điềm tĩnh cần thiết. Và cũng không thể phó thác sứ vụ hoằng pháp cho một người mà kiến thức về Phật pháp bị hạn chế, và thiếu những hiểu biết nhất định về đời sống xã hội. Người đảm trách công việc hoằng pháp mà chỉ giỏi Phật pháp thôi vẫn không đủ, họ phải am hiểu những vấn đề xã hội khác, để có thể tương thích Phật pháp vào những hoàn cảnh và bối cảnh xã hội khác nhau.

Nhưng một yêu cầu không thể thiếu, là để truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới, người hoằng pháp cần phải có tinh thần dấn thân, và luôn mang trong tâm hoài bão truyền bá Phật pháp vì lợi ích quần sanh. Nói bằng ngôn ngữ “thời thượng” là người hoằng pháp phải có tâm và có tầm. Việc đào tạo người hoằng pháp, do đó, không chỉ là việc đào tạo cho người đó giỏi Phật pháp, mà còn phải làm sao để họ phát khởi được hạnh nguyện Bồ-tát, luôn lấy việc cứu đời làm mục đích dấn thân. Một khóa hoằng pháp được mở ra, nhưng kết thúc khóa học những học viên không phát khởi được tinh thần dấn thân, không thấy được việc truyền bá Phật pháp là một sứ vụ thiêng liêng, không đào tạo nên được những người biết chấp nhận sự thua thiệt, coi công việc truyền bá Phật pháp là việc chung và cao cả hơn hết…, thì dù khóa học đó có lượng học viên tốt nghiệp đông đảo đến đâu, vẫn không thể được coi là thành công!

Việc truyền bá Phật giáo, dù ở tại những vùng đất ở đó đã có sự hiện diện của Phật giáo, hay những vùng đất mà Phật giáo còn mới lạ, thì người truyền đạo trước hết phải là một tấm gương sáng về đạo đức. Quần chúng sẽ không thể tin và theo Phật giáo nếu người truyền đạo không thể hiện được những phẩm hạnh của một người tu sĩ. Và một người không có đức hạnh nhưng lại đảm trách sứ vụ hoằng pháp, chưa nói đến việc hóa độ những người chưa biết đạo, có nhiều trường hợp đã khiến cho người Phật tử tại gia thối thất tín tâm, xa lánh chùa chiền và từ bỏ đạo. Ở những vùng đất chưa có Phật pháp, những yêu cầu này càng nghiêm ngặt hơn, vì không thể yêu cầu quần chúng “y pháp bất y nhân” được.

Tôi có đọc một bài viết của Ajahn Brahm nói về sự thành công của Phật giáo ở Úc, ở đó tác giả đưa ra một số yếu tố đã giúp việc phát triển Phật giáo thành công ở đất nước này, đó là việc diễn giải Phật pháp bằng một ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu; Phật giáo thể hiện là một tôn giáo hấp dẫn và dễ tiếp cận; Phật giáo quan tâm đến những vấn đề trong đời sống hàng ngày; và những Tăng sĩ lãnh đạo là những tấm gương sáng.

Như vậy có thể thấy, việc truyền bá Phật pháp đến một vùng đất mới, “thân giáo” là một yếu tố quan trọng trong việc góp phần tạo sự cảm tình và cảm thông từ quần chúng. Mỗi khi quần chúng không có thiện cảm với người truyền đạo, thì Phật pháp không dễ gì được thiết lập.

Ở đây tôi xin kể lại câu chuyện về Ashin(1) Ottama, một Tăng sĩ người Miến Điện đã thành công trong việc truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới, nhờ vào nhân cách, lòng từ bi và tinh thần dấn thân của thầy. Ashin Ottama sinh năm 1910, thọ giới Tỳ-kheo vào năm 19 tuổi và sau đó bắt đầu sứ mệnh hoằng pháp của mình. Nhưng vào thời điểm đó chính quyền thuộc địa Anh không cho phép những Tăng sĩ Phật giáo được truyền đạo ở những khu vực phía Bắc Miến Điện, nơi chính quyền Anh dành ưu tiên cho những người truyền đạo Thiên Chúa giáo. Và nếu chính quyền thuộc địa nhìn thấy các Tăng sĩ Phật giáo ở vùng này họ sẽ bắt giữ. Nhưng bất chấp những trở ngại và khó khăn, Ashin Ottama vẫn quyết tâm truyền đạo đến những vùng đất đồi núi ở khu vực phía Bắc.

Dân chúng ở những khu vực này là người dân tộc thiểu số, và hầu hết họ đều thuộc giống dân được gọi là Chin. Họ có tiếng nói nhưng không có chữ viết; và người Anh đã tạo ra chữ viết cho họ dựa trên bảng chữ cái tiếng Anh. Bấy giờ, ngoại trừ một số người cải đạo sang Thiên Chúa giáo, còn hầu hết dân chúng ở đây đều thờ thần và mù chữ. Ashin Ottama thương xót những người này và muốn thuyết pháp cho họ, nhưng người dân ở đây không chấp nhận thầy vì nghĩ thầy truyền bá những điều xấu khi thấy thầy cạo trọc đầu và mặc y vàng, hình thức mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Nhưng bằng sự tu tập và bằng lòng từ bi, thầy đã khiến cho người dân ở đây thay đổi. Dân chúng bắt đầu nhận thấy rằng thầy là một người tốt thực sự và đang mong muốn đem điều tốt lành đến với cộng đồng của họ. Và rồi họ đã theo thầy học giáo pháp và quy y theo Phật giáo(2).

Ashin Ottama được giới Phật giáo Miến Điện xem là một Tăng sĩ có phẩm chất cao quý, là một tấm gương sáng trong việc truyền bá Phật pháp đến những vùng đất mới. Đó là nhờ vào tinh thần hy sinh và dấn thân, chịu chấp nhận rủi ro và xem sứ mệnh truyền bá Phật pháp quan trọng hơn hết. Và trong ứng xử xã hội, Ashin Ottama đã đến với mọi người bằng một tấm lòng chân thành và bằng tâm từ bi thực sự mà nó được xây dựng trên năng lượng tu tập và một đời sống tâm linh sâu sắc.

Tấm gương của Ashin Ottama không chỉ để cho người Phật tử Miến Điện học hỏi, mà cũng chung cho bất cứ ai muốn đem Phật pháp truyền đến những vùng đất mới. Việc truyền đạo và quảng độ chúng sanh, trước hết phải dẹp bỏ tất cả những toan tính tư lợi. Việc quảng bá một pháp môn hay xây dựng một cơ sở tôn giáo, phải xác định đó là một công việc vì lợi ích của tha nhân và của xã hội, chứ không phải nhằm mục đích khuếch trương bản ngã và vị thế cá nhân. Theo tinh thần Phật giáo, một việc làm vì động cơ vị kỷ và tư lợi, thì dù được khóac dưới lớp vỏ bọc nào, không phải là việc làm đúng.

Chúng ta có lẽ đã biết đến câu chuyện Tôn giả Phú Lâu Na khi thầy xin Đức Thế Tôn đến truyền bá giáo pháp ở một vùng đất hẻo lánh, với đời sống người dân còn nghèo nàn và lạc hậu, và cũng có thể gây nên hiểm nguy cho tính mạng của thầy vì người dân ở đấy rất hung dữ và còn xa lạ với người tu sĩ Phật giáo. Nhưng cũng bằng tinh thần dấn thân, lòng từ bi và biết kết hợp phương tiện thiện xảo trong việc đem lại những lợi ích cụ thể cho cộng đồng dân chúng ở đấy trước khi thuyết pháp cho họ, Tôn giả Phú Lâu Na đã thành công.

Việc thành lập chùa chiền là điều cần thiết sau khi đã có người tin theo Phật pháp. Người cùng một tôn giáo cần phải có một nơi chốn chung để gặp mặt thường xuyên để qua đó tạo sự liên kết giữa các thành viên, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống tu tập và những chia sẻ cần thiết khác trong đời sống xã hội. Việc những người có cùng niềm tin trong cùng một cộng đồng gặp mặt nhau vào những thời điểm nhất định nào đó, một mặt tạo nên sự vững chắc trong liên kết nhóm, và mặt khác sẽ thuận tiện cho người hướng dẫn không mất thời gian đi đến từng gia đình riêng rẽ để thuyết giảng Phật pháp. Việc thiết lập chùa chiền, như vậy, là để cho người tín đồ có nơi họp mặt tu tập cũng như để thực hiện những sinh hoạt tôn giáo khác, chứ không phải thiết lập nó để thể hiện một điều gì đó khác hơn.

Phật giáo từ xưa đến nay luôn đề cao sự hòa hợp, và hòa hợp là một trong những yếu tố thiết yếu hình thành nên Tăng-già. Đối với việc truyền bá và thiết lập Phật pháp ở những vùng đất mới lại rất cần đến yếu tố hòa hợp này. Nói cách khác, chiến lược cho việc phát triển Phật giáo đến những vùng đất Phật giáo chưa có mặt phải có sự hoạch định của một tập thể, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, điều đưa đến sự xung đột ngay cả với những người cùng làm một công việc là truyền bá Phật pháp, do vì những sai biệt về tông phái, về pháp môn tu tập và vì những lý do khác.

Bất cứ ở xứ sở nào và bất cứ vào thời nào, người truyền đạo là nhân tố quan trọng quyết định việc truyền đạo thành công hay thất bại. Và một người thực thi sứ mệnh truyền bá Phật pháp, mỗi khi thấy những gì mình nói, những gì mình làm đang gây nên sự xung đột và thối thất tín tâm nơi người khác, thì tốt nhất hãy nên dừng lại công việc đó, để cho quần chúng không hiểu nhầm về những giá trị Phật giáo.

 Chú thích

(1) Ashin có thể được hiểu như là Đại đức.

(2) Dẫn lại từ “Exporting Dharma to New Lands: Emprical Approaches of Teaching Dharma in Predominantly Non-Buddhist States”, trong Teaching Dhamma in New Lands, Ayutthaya: hachulalongkornrajavidyalaya University, 2012, tr. 176-177.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày