GN - Đời sống xã hội luôn vận động không ngừng nghỉ. Tùy duyên để có những điều chỉnh chiến lược phù hợp với yêu cầu của một giai đoạn lịch sử mới, khế hợp với tinh thần thời đại, đó là việc làm tất yếu của sự phát triển.
HT.Thích Giác Toàn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
do UBMTTQVN TP.HCM tổ chức - Ảnh: H.D
Trong thời gian qua, cùng với các tổ chức, các tầng lớp nhân dân, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Thông tư hướng dẫn các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành, các ban ngành trực thuộc triển khai góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Quốc hội phát động.
Với tư cách là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi có một vài ý kiến như sau:
1. Trong Lời nói đầu, ngoài các nội dung hiện có, thiết nghĩ nên thêm nội dung nêu bật nguồn gốc giống nòi Rồng Tiên của dân tộc, đặc biệt là dấu ấn 18 đời Hùng Vương và sự nối tiếp liên tục các thế hệ từ khởi nguồn dân tộc cho đến hôm nay.
Cụ thể, đề nghị bổ sung trong đoạn đầu:
“Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, với nguồn gốc cha Rồng mẹ Tiên, từ thuở 18 đời vua Hùng dựng nước và được các thế hệ liên tục kế thừa, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
2. Thứ tự các chương nên được xem xét lại thật kỹ và hợp lý, có hệ thống theo đúng thực tế sinh hoạt của thời đại đất nước hòa bình; đồng thời qua đó xác lập trật tự, thể diện, cung bậc, nề nếp của một đất nước độc lập và có chủ quyền.
Bản Dự thảo sửa đổi có 11 chương, với trật tự như trong văn bản đã công bố. Nay tôi xin đề nghị thứ tự các chương như sau:
Chương I: Danh hiệu nước - Quốc huy - Quốc kỳ - Quốc ca - Quốc khánh và Thủ đô
Chương II: Chế độ chính trị
Chương III: Quốc hội
Chương IV: Chủ tịch nước
Chương V: Chính phủ
Chương VI: Tòa án Nhân dân - Viện Kiểm sát Nhân dân
Chương VII: Chính quyền địa phương
Chương VIII: Hội đồng Hiến pháp - Hội đồng Bầu cử Quốc gia - Kiểm toán Nhà nước
Chương IX: Quyền con người - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Chương X: Kinh tế - Xã hội - Văn hóa - Giáo dục - Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chương XI: Bảo vệ Tổ quốc
Chương XII: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.
Ý kiến thêm: Trong thứ tự các chương theo đề nghị, sẽ có 2 trường hợp: Một là, nếu “Chế độ chính trị” được tách riêng một chương (chương II, như trên), thì bản Hiến pháp sẽ có 12 chương (thay vì 11 chương như bản Dự thảo); Hai là, nếu nội dung “Quyền con người” được khẳng định và đề cao trong Hiến pháp, thì cũng nên tách riêng trong một chương hẳn hoi. Trong trường hợp này, tôi đề nghị nội dung “Quyền con người đưa lên ở vị trí chương III (sau nội dung về Chế độ chính trị và trước nội dung Quốc hội).
3. Tại Điều 1 (theo Dự thảo): “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”, thiết nghĩ cần xác định rõ, cụ thể biên giới lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời của Tổ quốc, không nên gọi chung chung như trong Dự thảo. Thí dụ: Lãnh thổ cần ghi rõ: “từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”…; Lãnh hải, cần ghi rõ cách bờ biển bao nhiêu hải lý và bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Đại biểu UBMTTQVN TP góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến chương năm 1992
- Ảnh: H.D
4. Tại Điều 8 của bản Dự thảo, ở điểm (2) “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Nay tôi đề nghị bỏ phần cuối, đoạn từ chữ “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Thiết nghĩ, Hiến pháp là văn kiện thể hiện ước mơ, nguyện vọng tốt đẹp nhất của người dân, nếu để nội dung như thế (chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) sẽ làm cho văn kiện rất quan trọng này mất đi tính tinh tế chiều sâu của Nhà nước ta.
Điều 8 hiện có 3 điểm, tôi đề nghị thêm một điểm nữa, làm điểm thứ (4). “Cán bộ, công chức, viên chức được công cử, bổ nhiệm phải có đầy đủ các tố chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”; tận tụy phục vụ, chu toàn mọi trách nhiệm đối với nhà nước và nhân dân”.
Thiết nghĩ, thêm điểm (4) như trên nhằm xác lập tinh thần phục vụ nhân dân tốt hơn bằng phẩm chất cần có của một cán bộ, một công chức, viên chức “của dân, do dân và vì dân”, để phục vụ nhân dân đúng trọng tâm của văn kiện Hiến pháp.
(Riêng vấn đề “chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...” thì nên đưa vào văn bản Luật Phòng, chống tham nhũng để được thi hành “chống tham nhũng và chống lãng phí” một cách nghiêm túc, triệt để).
5. Tại Điều 21, Dự thảo đã ghi “Mọi người có quyền sống”, thiết nghĩ cần sửa thành “Mọi người có quyền sống và được sống thực sự an vui, hạnh phúc”.
6. Tại Điều 25, điểm (1) của Dự thảo đã ghi: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”, thiết nghĩ, nên tách nội dung trên làm 2 điểm độc lập là “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” và “Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Như vậy, Điều 25 sẽ bao gồm 4 điểm (thay vì 3 điểm như Dự thảo).
Tại Điểm (2) “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”, tôi đề nghị đổi nội dung “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” thành “Cơ sở thờ tự tín ngưỡng của tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.
***
Trên đây là một vài ý kiến được bày tỏ từ tấm lòng và suy tư của một công dân có tín ngưỡng trong thời đại đất nước hòa bình, với mong ước dân tộc ngày mỗi phát triển xán lạn, đất nước hưng thịnh và đời sống đồng bào ngày càng được an lạc, hạnh phúc hơn.
HT.Thích Giác Toàn
(Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQVN, Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh,
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Phó ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN)