Vấn đề bản quyền báo chí

GN - Tính đến tháng 2-2013 cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp.

Báo chí  - những sản phẩm được thực hiện qua nhiều thể loại đều xuất phát từ công sức lao động tư duy của nhà báo. Và, như tất cả hàng hóa có được từ những sáng tạo, sản xuất trên thị trường, sản phẩm báo chí cũng có bản quyền và được bảo hộ theo luật pháp hiện hành.

doakien.jpg
Minh họa của họa sĩ DAD sau vụ dọa kiện baomoi.com của Năng Lượng Mới - Ảnh TTO

Theo Luật truyền thông (Hoa Kỳ) và một số nước phương Tây, các tổ chức báo chí đều phải tuân theo những quy tắc đạo đức nghề báo. Ở Mỹ, quy tắc hướng dẫn đạo đức của nhà báo thường đề ra những quy định của tổ chức báo chí để xử lý những trường hợp mâu thuẫn lợi ích về tài chính. Họ nghiêm cấm phóng viên đưa tin về công ty của vợ (chồng) mình. Về việc thêu dệt hay sao chép các nguồn tin lẫn nhau càng không được chấp nhận.

Lời tựa của Bộ Quy tắc đạo đức của cộng đồng báo chí chuyên nghiệp Hoa Kỳ có ghi rõ: Sự trung thực, liêm khiết trong nghề nghiệp chính là nền tảng căn bản quyết định mức độ đáng tin cậy của các nhà báo, tờ báo. Các nhà báo không được phép bịa đặt tin tức, không được đạo văn; không được tự tiện sử dụng các bản tin, tác phẩm của người khác, không được in lại tin, bài do người khác viết nếu không được sự đồng ý.

Riêng báo chí Việt Nam, việc vi phạm bản quyền, nhất là báo mạng đã và đang diễn ra khá nhiều và khó kiểm soát. Hành vi vi phạm bản quyền báo chí phổ biến trong lĩnh vực thông tin điện tử như sao chép nguyên văn (tin, bài), không ghi rõ nguồn chính thống, tùy tiện đặt lại titre, cắt cúp nội dung, thậm chí làm biến dạng bản chất nguồn tin gốc. Đây là một thực trạng dẫn đến “triệt tiêu” động lực sáng tạo và sự lao động của nhà báo.

Ngoài các hình thức sao chép như trên, còn có cách rút tin tự động qua việc tập hợp tin tức theo cách làm của Google News. Luật pháp về bản quyền báo chí quốc tế rất nghiêm khắc. Trường hợp phóng viên Báo Dân Trí trang tiếng Anh sao chép một tin thời sự của CNN không xin phép. Sau 24 giờ, Ban Biên tập Dân Trí nhận được thư chuyển phát nhanh của BBT CNN nêu rõ báo Dân Trí đã vi phạm bản quyền, yêu cầu phải gỡ bỏ ngay khi nhận được thư cảnh báo, nếu không, vị Tổng Biên tập sẽ được triệu tập hầu tòa tại Mỹ để phúc trình vụ vi phạm bản quyền. Ngay lập tức sau đó, Dân Trí đã cam kết hoàn toàn không vi phạm nữa.

Về truyền thông Phật giáo, ngoài một Giác Ngộ Online (www.giacngo.vn) có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Thông tin - Truyền thông, còn có khoảng 150 website PG trong cả nước. Do không ràng buộc về bản quyền thông tin nên việc sử dụng nguồn tin lẫn nhau được xem là trong khuôn khổ chia sẻ “thân mật”. Tuy vậy trong tương lai để hợp pháp hóa việc sao chép, chia sẻ thông tin cần có các văn bản thỏa thuận với nhau để tránh những kiện cáo về vi phạm bản quyền sau này.

Đối với quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thì... “Không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật” và “Hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thật”.

Vấn đề chính là hệ thống luật pháp cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao sự quản lý về mặt chống cũng như xây dựng hoàn thiện hàng rào pháp lý để những vụ vi phạm bản quyền không được xảy ra.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày