Văn hóa phẩm ngoại nhập lấn át thị trường Việt

Những năm gần đây, hiện tượng các mặt hàng đồ thờ tự, pháp khí, văn hóa Phật giáo ngoại nhập đã và đang tràn ngập trên thị trường phát hành văn hóa phẩm Phật giáo tại Việt Nam. Nó thực sự tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với thị hiếu người Việt. Chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” thực sự là câu chuyện dở dang nếu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt chưa thật sự hết mình vì hàng Việt, vì thị trường Việt và vì Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Hàng Việt Nam loay hoay trên sân nhà

Không một chút khó khăn để nhận ra sự xuất hiện của các mặt hàng văn hóa phẩm Phật giáo (VHP PG) từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Tây Tạng… đang “lấn sân” trên thị trường Việt Nam. Từ các phòng phát hành kinh sách Phật giáo cho đến các cửa hàng bán sỉ, lẻ đều tràn ngập hàng hóa “Made in China ”. Nhiều nhất là các cửa hàng bán đồ VHP PG tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thử dạo một vòng các phòng phát hành kinh sách Phật giáo trên địa bàn Q.1, Q.3 và Q.Phú Nhuận, TP.HCM mới biết hàng ngoại nhập “lấn sân” như thế nào! Nhiều nhất là hàng Trung Quốc. Hàng nhiều, giá rẻ, mẫu mã phong phú nên rất hút khách. Bất cứ sản phẩm nào từ sợi xâu chuỗi đeo tay, chuông, mõ… cho đến pho tượng nặng hàng trăm ký đều có thể tìm được tại các phòng phát hành kinh sách. Thậm chí nhiều loại hàng giống Việt Nam cũng bị nhái lại thành  “Made in China ”.

vanhoa-1.gif

Một phòng phát hành trưng bày toàn đồ ngoại nhập

Tại một phòng phát hành nằm trên đường Cù Lao, Q.Phú Nhuận có hẳn một gian phòng bày bán toàn đồ ngoại nhập. Từ những dụng cụ thờ tự cho đến các pháp khí, tượng Phật đều mang phong cách truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Các mặt hàng có giá từ 30.000đ đến 15.000.000đ. Trong đó, có những mặt hàng mà thậm chí người bán cũng chẳng biết dùng để làm gì, công dụng của nó ra sao? Các pho tượng Phật, Bồ tát cũng rất phong phú và đẹp mắt, nhưng nếu các gia đình Việt Nam thờ những tượng Phật này thì liệu họ có biết hết đó là tượng gì (!?). Nói về tượng thờ thì hiện nay những pho tượng làm bằng gốm sứ, đồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng đang là thị hiếu của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay các chùa trong thành phố đa phần đều sử dụng chuông, mõ, tượng cho đến các dụng cụ trang trí trong chánh điện có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan... Trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10 được coi là “đại bản doanh” của đồ thờ tự và tượng là hàng Trung Quốc chiếm hơn 95% thị phần Việt Nam.

“Sở dĩ  ngày nay các chùa sử dụng hàng Trung Quốc vì giá rẻ, đẹp và dễ chọn lựa hơn. Bây giờ, muốn thỉnh một pho tượng Phật, Bồ tát xuất xứ tại Việt Nam thì phải đi đặt, và phải mất từ 10 đến 20 ngày mới có. Chi bằng, đến các cửa hàng trưng bày tượng gốm sứ  Trung Quốc là thỉnh được ngay pho tượng ưng ý về thờ. Vừa rẻ, vừa đẹp lại tha hồ chọn lựa…”, ĐĐ.Thích Thiện Hưng (Q.Tân Phú) bộc bạch.

vanhoa-2.gif

Các loại văn hóa phẩm này sản xuất ở nước ngoài

Đi các phòng phát hành VHPPG lớn nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh hiện nay, rất khó để lựa chọn loại mặt hàng có xuất xứ Việt Nam . Mấy hôm trước, tôi được một thầy ở Nha Trang nhờ tìm thỉnh chiếc khánh đồng và đôi nhịp (còn gọi là đẩu). Phải mất hết cả buổi tôi mới tìm được bộ nhịp nhưng không phải ở các phòng phát hành VHP PG mà phải tìm đến một cơ sở sản xuất ở tận Bình Chánh mới mua được. Theo chị Dung, nhân viên của một cửa hàng bán đồ VHP PG cho biết: “Hầu hết các phòng phát hành VHP PG đều nhận hàng ký gởi từ nhiều nguồn khác nhau trên cả nước. Hiện nay, các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan được quý Tăng Ni, Phật tử ưa dùng. Nhiều mặt hàng xuất xứ tại Việt Nam tuy đa dạng nhưng giá lại cao hơn hàng ngoại nhập nên cũng rất khó bán. Có những loại hàng lưu niệm do các cơ sở sản xuất ở Việt Nam làm cũng rất đẹp, giá mặt hàng cũng tương xứng nhưng bán chỉ chừng vài tháng thì hàng nhái Trung Quốc về chào bán giá rất thấp, do đó mà mặt hàng Việt Nam bị khựng lại là điều tất nhiên!”.

Tất cả chỉ vì thị hiếu và lợi nhuận

Phải có người mua mới có người bán. Những hàng hóa ấy lại do chính các “thương nhân”, thương lái Việt Nam đưa vào. Ngoài con đường tiểu ngạch, trên đường xâm nhập nội địa, một số lượng không nhỏ được chuyển qua theo đường “xách tay” từ những người chuyên buôn hàng… nhái. Phải chăng lợi nhuận đã làm những người bán hàng, nhập lậu hàng… không nhận ra được sức xâm hại văn hóa từ những mặt hàng ngoại nhập (!?) làm ảnh hưởng nền văn hóa Phật giáo Việt Nam có hàng trăm ngàn thế kỷ nay. Phải chăng, lợi nhuận đã làm các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, các cửa hàng phát hành VHP PG quay lưng với hàng Việt. Thực tế hiện nay cho thấy, phần đông doanh nghiệp chỉ tập trung vào xuất khẩu, để lại thị trường nội địa với trên 80% cho hàng nước ngoài lấp chỗ trống. Điều này cũng dễ hiểu bởi làm hàng xuất khẩu chỉ phải lo sản xuất, không cần xây dựng kênh phân phối. Thậm chí, nhiều ngành không cần lo cả mẫu mã. Ông Thiên Tân, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (chủ yếu là tượng Phật giáo) cho biết: “Nói về các sản phẩm thuộc hàng VHP PG, hàng lưu niệm… ở Việt Nam cũng rất đa dạng nhưng mức tiêu thụ trong nước lại không bằng ngạch xuất khẩu. Tại các cơ sở sản xuất cũng chú trọng đến sản phẩm cạnh tranh như: đẹp, rẻ nhằm phổ biến trong giới tiêu dùng là Tăng Ni, Phật tử nhưng vấn đề đầu ra lại rất nhập nhằng, do đó việc phân phối trong nước lại không hiệu quả so với xuất khẩu đi các nước khác. Mặt khác, nhiều chính sách ưu tiên miễn giảm thuế cho hàng xuất khẩu. Cũng là một mặt hàng nhưng nếu xuất khẩu thì thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0%, còn bán trong nước phải chịu thuế 10%”.

vanhoa-3.gif

Các loại tượng Phật này được nhập từ nước ngoài

Chị Thanh Vân (Q.5) từng nhiều năm “chạy” hàng VHP PG của Trung Quốc cho biết, khi các phòng phát hành VHP PG cần hàng, chỉ gọi điện thoại (hoặc email) tới nhà cung cấp ở Trung Quốc, hàng sẽ được gửi về tận địa chỉ theo yêu cầu. Từ đây, hàng sẽ được các đầu mối đưa đi các nơi. Thậm chí, tại các quận, huyện nội thành nhân viên chở hàng bằng xe máy đến tận các phòng phát hành. Hệ thống phân phối này thực sự gọn nhẹ, nhanh chóng và hiệu quả. Thế nhưng, trong nước, các nhà sản xuất Việt Nam dường như vẫn loay hoay với những dự án phát triển hệ thống phân phối hoành tráng mà chưa biết có khả thi hay không!

Cần nâng cao ý thức dùng hàng VN

Để hàng VHP PG ngoại nhập có cơ hội tràn ngập trên thị trường nội địa, là vì chúng ta chưa ý thức sử dụng hàng Việt Nam mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam trong Tăng Ni , Phật tử. Một pho tượng Việt Nam được thờ trong chùa hay tại tư gia của các gia đình Phật tử, lẽ nào không gần gũi hơn so với việc thờ một pho tượng xuất xứ từ Tây Tạng hay Trung Quốc. Trước đây, vào những thập niên 1940, các lò sản xuất gốm mỹ nghệ như Biên Hòa (miền Nam), Bát Tràng (miền Bắc) sản xuất các sản phẩm VHP PG hay các tượng thờ rất đẹp mắt, có giá trị nghệ thuật cao, và rất được nhiều người ưa dùng thời bấy giờ. Có thể nói, vào thời điểm ấy, ý thức làm chủ văn hóa dân tộc rất cao và mọi người tự hào khi dùng sản phẩm có xuất xứ từ mảnh đất mà họ đang sinh sống.

vanhoa-4.gif

Tượng và hình ảnh theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng được bày bán khắp nơi

 

Đối với những rào cản như: chính sách thuế, nhập hàng theo hạn ngạch, dựng rào cản kỹ thuật... ở nước ta đều chưa khả thi. Bởi lẽ, chúng ta đã ký những hiệp định thương mại song phương và đa phương với Trung Quốc, không thể hạn chế các loại mặt hàng tiêu dùng nhập vào nước ta. Hơn thế nữa, hầu hết những mặt hàng thuộc đồ lưu niệm, thờ tự… của Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu, ngang nhiên lưu thông tự do trên thị trường mà không bị kiểm tra gắt gao. Do đó, vấn đề là các cơ quan chức năng phải có biện pháp hữu hiệu kiểm tra, phát hiện và xử lý mạnh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Giáo hội, cũng như các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền về sự xâm hại văn hóa đối với hàng ngoại nhập cũng như nêu cao ý thức về văn hóa thờ tự đối với Tăng Ni, Phật tử nhằm bảo vệ nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày