Vàng mã không còn phù hợp với xã hội hiện đại

Vàng mã không còn phù hợp với xã hội hiện đại
Đốt, rải vàng mã không phải là nghi lễ của Phật giáo, gây lãng phí cần phải bỏ và là một trong 6 hành vi gây mất mỹ quan đô thị đã được các đại biểu tham dự nhất trí tại tọa đàm do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch kết hợp với UBND quận 11 tổ chức. Theo đó, đốt vàng mã không còn phù hợp với văn minh đô thị nên trước hết cần tuyên truyền, vận động người dân không rải vàng mã trên đường phố, sau đó áp dụng chế tài, xử phạt hành chánh.

Đốt vàng mã không phải nghi lễ của Phật giáo

Theo TT.Thích Trực Giáo, Thư ký BĐDPG quận 4, đạo Phật là đạo như thật, cho nên chỉ coi trọng việc độ sanh còn việc độ tử chỉ là phương tiện. Do đó, nhiều vị giảng sư, trụ trì thường khuyên Phật tử không đốt giấy tiền vàng mã trong các lễ tang. "Trong kinh Phật có dạy, chúng sanh theo nghiệp mà thọ sanh, nghĩa là theo nghiệp lành, nghiệp dữ theo đó mà thác sanh vào cõi lành cõi dữ. Người đã mất thì theo nghiệp mà thọ sanh, chớ đâu có ngồi chờ chúng ta đốt quần áo, nhà cửa, tiền bạc xuống mà xài. Việc làm này không những trái đạo lý mà còn tốn tiền vô ích, người trí không bao giờ chấp nhận việc làm mù quáng này". TT.Trực Giáo cũng nhấn mạnh, đạo Phật chủ trương giác ngộ, mang ánh sáng trí tuệ soi rọi thế gian; đi ngược với chủ trương của Đức Phật tức là đồng nghĩa với mê tín. Đốt vàng mã cùng với các tệ nạn như: ông lên bà xuống, lịch số sao hạn, xem tay coi tướng, xin xăm bói quẻ, cúng sao xem hướng, rải vàng mã trên đường phố không có trong kinh sách Phật giáo.

Giáo sư Thượng Minh Thanh, đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tại TP.HCM cho rằng cần nói rõ đốt, rải vàng mã không phải là nghi tiết của Phật giáo chính truyền và GHPGVN. Tôn giáo chân chính luôn luôn góp phần hướng thiện con người, tin tưởng rằng hễ gầy tạo công ích cho cuộc sống trần thế, hẳn người mất sẽ được hưởng sự thanh thản đầy phước hạnh.

Ông cũng cho rằng tục đốt vàng mã còn do thái độ xem thường, phô trương đỏm dáng của bộ phận người dư ăn dư để, những kẻ khai thác tín ngưỡng mưu lợi nhưng thiếu hiểu biết văn hóa, thừa "đức tin vào thế lực đồng tiền" và nghèo nàn đức tin tôn giáo chân chính. Chính những người này tác động đến một bộ phận quần chúng bình thường, người ham đua đòi "sang cả" mà lại hiểu đó là "hiếu nghĩa". Chén cơm đĩa muối tế lễ tâm thành, chắc chắn giàu giá trị nghĩa nhân hơn nhà lầu, ô tô, bạc nén, vàng thoi… bằng hàng mã.

Xây dựng đời sống tâm linh cho Phật tử người Hoa, đã 12 năm qua TT.Thích Duy Trấn, Phó đại diện PG người Hoa tại TP.HCM, trụ trì chùa Liên Hoa (Q.11) đã khuyến khích người đến chùa không đốt, rải vàng mã khi đưa tang. Mặc dù lúc đầu còn rất nhiều khó khăn nhưng dần dà Phật tử cũng hiểu và ủng hộ. Thay vì dùng số tiền đó để mua giấy vàng mã đốt thì bỏ vào thùng từ thiện, tổng số tiền gần 6 tỷ đồng và 40 tấn gạo, số tiền này dùng để giúp trẻ phẫu thuật tim, trao học bổng cho học sinh nghèo, phẫu thuật mắt… cho người nghèo.

Chia sẻ từ thực tế gia đình mình, chị Phan Thị Hòa, ngụ tại phường 14, Q.Phú Nhuận cho biết trong vòng 6 năm gia đình chị có 3 đám tang. Chị phải chịu áp lực rất nặng nề ngay trong gia tộc vì không đồng tình tập tục rải vàng mã trên đường phố cũng như đốt vàng mã trong lễ tang. Chị là người theo đạo Phật, được nghe quý thầy giảng dạy nhiều về nghiệp báo và thọ sanh nên khuyên giải mọi người trong gia đình. Tuy mọi người cũng đồng tình nhưng vẫn nơm nớp sợ làm như vậy là thất lễ với người đã khuất. Chị cũng khẳng định, đốt vàng mã chỉ còn diễn ra trong các gia đình chưa hiểu nhiều về Phật pháp.

Xóa bỏ vàng mã cần có thời gian

TT.Thích Thiện Ngộ, Chánh đại diện PG quận 11 cho rằng đốt vàng mã trong đám tang là mê tín và gây lãng phí. Phật giáo chỉ khuyên con cháu người mất phải hiếu thảo, phóng sinh, làm phước để hồi hướng công đức. Không nên để người mất mặc đồ đắt tiền; tiền đốt vàng mã nên để giúp người nghèo. Đốt vàng mã cho người chết là hành vi thiếu trí tuệ, tuy vậy, nó đã trở thành tập quán. Muốn xóa bỏ tập quán lâu đời thì cần phải có thời gian để giảng giải, vận động chứ không phải một sớm một chiều mà chấm dứt được. TT.Thích Thiện Xuân, chùa Hạnh Nguyện (Q.Bình Tân) cho biết, chùa có Hội tương tế thành lập từ năm 1998 đến nay, từ nhiều năm qua từ khi TP phát động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhà chùa đã thực hiện không rải vàng mã ra đường. Phật tử cũng nghiêm túc hưởng ứng, tuy nhiên đây là tập tục lâu đời ảnh hưởng từ Nho, Lão giáo nên chỉ vận động, thuyết phục là chính.

Từ thực tế tuyên truyền, vận động của Phòng Văn hóa Thông tin quận 11 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội trong cộng đồng người Hoa cũng gặp không ít khó khăn vì tập quán tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức và lối sống. Theo bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND P.14, Q.Phú Nhuận cần phải dùng phương pháp "Mưa dầm thấm lâu" đến người dân để làm thay đổi tập tục không còn phù hợp trong một đô thị văn minh. Cũng theo bà Hương, tại địa phương khi gia đình nào có tang thì chính quyền gởi thư chia buồn đồng thời có một câu kêu gọi không rải vàng mã ra đường và được các gia đình chấp hành. Phường chấp nhận cho người dân phương án đốt vàng mã tại gia và nơi hạ huyệt chứ không khuyến khích rải ra đường gây mất mỹ quan đô thị.

Tuyên truyền, vận động không rải vàng mã ra đường khi đưa tang, nhiều người tham gia tọa đàm cho rằng cần có nhiều biện pháp để chấm dứt hành vi gây mất mỹ quan đô thị này qua nhiều hình thức: trong đó Phường 14, Q.Phú Nhuận cho biết phường đã thực hiện quay phim, chụp ảnh tư liệu để đưa hình ảnh đốt, rải vàng mã họp góp ý, nhằm khuyến khích các hộ khác thực hiện. Nhiều ý kiến cho biết nên vận động sâu rộng trong các tổ chức xã hội, quần chúng, các nhà đòn, hội tương tế, các gia đình, đặc biệt là cán bộ đảng viên cần phải làm gương, có ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị bằng cách không rải vàng mã ra đường. Bên cạnh đó, các vị chức sắc tôn giáo cũng cần thuyết giảng và vận động Phật tử, người dân không rải vàng mã ra đường khi đưa tang và dần chấm dứt việc đốt vàng mã. Đây là hành vi không còn phù hợp với văn minh đô thị, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị, gây lãng phí, dễ gây tai nạn giao thông và tiến dần đến bỏ hẳn tập tục này.

Nhiều đại biểu cũng thống nhất quan điểm từ nay đến hết năm 2010 sẽ còn áp dụng tuyên truyền, vận động nhưng đến đầu năm 2011 các cơ quan thẩm quyền cần áp dụng các quy định pháp luật để xử phạt, chế tài hành vi rải vàng mã ra đường. Việc xử phạt hành vi rải vàng mã ra đường được đồng nhất với việc xả rác ra đường được áp dụng như tinh thần của Nghị định 75/2010/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1-9-2010 quy định xử phạt hành vi đốt vàng mã hoặc Nghị định 34/2010 để xử phạt xả rác nơi công cộng.

dotvangma-2.jpg

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:

"Rải vàng mã ra đường khi đưa tang không còn phù hợp với đô thị văn minh"

Quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", "sống cõi âm cũng như dương thế" nên những món đồ chuẩn bị cho người mất như người còn sống. Trong tất cả các nghi lễ của đám ma thì việc đốt vàng mã và rải vàng mã là không thể thiếu. Lịch sử của việc đốt và rải vàng mã thì có nhiều dị bản khác nhau nhưng có một điều chắc chắn là nó tồn tại rất lâu đời, có thể hàng ngàn năm và nó thay đổi theo thời gian, tùy vào điều kiện kinh tế, luật pháp và trình độ dân trí. Hầu như hành vi đốt vàng mã đều mang ý nghĩa tâm linh và có giá trị an ủi, người nghèo không lo được đám ma to thì cũng thẻ nhang và vàng mã. Chính vì thế mà đốt và rải vàng mã có sức sống rất dai dẳng trong xã hội Việt Nam.

Đốt và rải vàng mã trong đám ma không phải là hành động xấu, chúng ta không nên cực đoan lên án, thóa mạ như là một hành động tệ hại, một hủ tục hay một hành động không văn hóa. Chúng ta phải nhận thức rằng nó không xấu nhưng chỉ có điều là không hợp với một đô thị hiện đại-văn minh.

Nhiều người cho rằng rải vàng mã đám ma là truyền thống lâu đời cho nên không thể và không nên bỏ. Nhận thức này là không đúng với thực tế vì các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đều chịu ảnh hưởng của Hán hóa và Nho giáo nhưng ngày nay không hề có hiện tượng rải vàng mã trên đường phố. Ở các nước này hành vi xả rác bị phạt rất nặng bằng tiền, lao động công ích, thậm chí bị phạt đòn roi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày