Vào chùa để sống... chậm

Vào những ngày cuối năm khi nhịp sống thường ngày hối hả tất bật nhân đôi, guồng quay của xã hội như đang cuốn tất cả với một tốc độ chóng mặt thì chúng tôi lại đến với Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương để học cách sống chậm. Dù đang vào mùa chuẩn bị cho lễ hội nhưng thầy Thích Minh Hiền vẫn dành trọn thời gian trò chuyện về Đạo và Đời.

Muốn biết Đạo thì phải học đạo phải không ạ, thưa thầy?

Đúng vậy, muốn biết thì phải học, cậu hãy vào chùa đi tu để biết. Tôi muốn mời cả tòa soạn báo KH&ĐS vào chùa Hương để đi tu cùng tôi.

Lý do gì khiến thầy muốn điều ấy?

Để các cậu không những biết Đạo mà còn hiểu Đạo một cách thật sâu sắc.

Dân gian thường nói: Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa cơ mà. Tại sao không tu ở nhà mà lại phải vào chùa?

Vì chưa biết tu chùa. Như nhiều người vào đây không biết gặp tôi nên bắt tay hay chắp tay. Chưa ở trong chùa, chưa tu trong chùa thì chưa biết phép tắc nhà chùa rồi chưa biết cách tu học thì làm sao tu nhà được, mang cái gì về để tu bây giờ? Cha ông ta vẫn nói: học ăn - học nói - học gói - học mở nhưng chưa biết Phật thì làm sao tu được ở nhà? Phải tu ở trong chùa, ở xã hội rồi mới tu ở gia đình. Tu cũng phải có cấp độ khác nhau chứ không phải cứ nhất là nhất mà đó là dễ nhất vì tu nhà không phải chịu sự ràng buộc quản lý.

Học cách sống chậm

Thầy có thấy dường như ngày càng nhiều bạn trẻ đang tìm đến cửa chùa?

Thế hệ trẻ luôn có khát vọng về tri thức, sự hiểu biết. Các kỹ năng họ học được trong trường dường như là chưa đủ. Do vậy mà với một số bạn trẻ ngay khi bước chân ra khỏi nhà trường là họ cảm thấy bế tắc về cách sống, kĩ năng sống mà không ai giải đáp được. Đạo Phật lại không hạn cuộc về điều ấy, đề cập đến vấn đề nhân sinh như sống cho mình và tốt cho người... Nhiều bạn sinh viên đã đến với cửa Phật để học cách sống... Họ có mong muốn thực hành sống như thế nào, ăn như thế nào, đi đứng giao tiếp ra làm sao.

images625622_T14_tro.jpg
Đại đức Thích Minh Hiền

Nhưng việc giáo dục kỹ năng sống trách nhiệm rất lớn thuộc về trường học?

Giáo dục học đường là  quan trọng nhưng đừng phó mặc tất cả cho thầy cô. Giới trẻ bị tác động rất nhiều bởi môi trường xã hội. Tuổi trẻ đang "lệ" quá nhiều vào cuộc sống hiện đại, lệ thuộc quá nhiều vào internet, tạo ra một thế giới ảo, cảm giác ảo và sống rất ảo.

Dường như không chỉ  có "sống ảo" mà họ còn bị cuốn vào vòng xoáy "sống vội"!

Đa phần những người bước chân vào cửa Phật là để học cách sống chậm. Không ít người Việt đi nước ngoài về đã chê bai rằng người nước ngoài họ chậm! Họ không chậm đâu! Họ bình tĩnh và tự tại để sống để làm việc. Như cậu thấy đấy, nhà chùa có hàng trăm con người nhưng trật tự không tiếng động. Nhưng thử so sánh trong một cơ quan nào đó, chỉ với chục người thôi thì ồn ào vô cùng.

Lên chùa để tĩnh tâm

Nhiều người lên chùa, trong đó có kẻ có tội, kể cả tham ô  ham nhũng nhưng vẫn lên chùa gọi là "rửa tội". Thầy nghĩ sao về điều ấy?


Đó là điều rất bình thường. Trước hết, người ta lên chùa với tâm thiện, biết quay đầu về bờ là điều quan trọng nhất. Đức thánh Khổng đã nói: Ta không sợ điều ác mà chỉ sợ không biết phục thiện. Vợ không nói được, cơ quan không nói được, đồng chí lại càng không thể nói được và họ lên chùa để tĩnh tâm. Vào với chùa tôi không cần biết đó là ai, quan trọng họ đến với đạo, tìm đến cái Thiện.

Thầy đang nói đến bất phân vị trí?

Đúng vậy, bất phân vị trí giàu, nghèo, thiện, ác. Quan trọng là cách hành xử...

Tệ nạn bám theo lễ hội

"Thế nào là hối lộ? Thế nào là tham nhũng? Chúng ta phải định danh cho chính xác. Tất cả chỉ là tương đối mà thôi! Việt Nam ta quy định khi tham gia giao thông phải  đi bên phải nhưng một số quốc gia lại quy định bên trái. Vậy đâu là đúng? Theo quan điểm của tôi là đừng va chạm khi lưu hành giao thông, đó là đúng. Cộng đồng này quy định là phải thì nó là phải, cộng đồng kia quy định nó là trái thì nó là trái. Sao chúng ta lại lên án hay thắc mắc việc người có tội lên chùa".

Nói về cách hành xử, hiện nay có nhiều cách hành xử thiếu văn hóa nhưng một số người vẫn chấp nhận và thậm chí cổ súy cho nó. Ví dụ như có hai bạn trẻ ăn nói tục tĩu, người lớn tuổi nhìn vào thấy khó chịu nhưng số nhiều người trẻ quanh đó lại công nhận như một mốt "văn hóa thời đại"?

Có nhiều trường hợp như  thế. Cái đấy là do giáo dục mà ra, giáo dục ta có lỗ hổng. Lỗ hổng cả ở học đường, cả ở gia đình và xã hội. Đó là một trào lưu xấu, một xu thế phải tồn tại, tất nhiên sẽ chỉ trong một thời gian ngắn rồi cũng sẽ mất đi.

Là trụ trì chùa Hương, thầy có quan sát gì về cách ứng xử của khách hành hương?

Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội nhưng người ta hay mổ xẻ đến vấn  đề "hội" với những gì được và chưa  được. Tất nhiên là phải có những tệ nạn bám theo chứ. Lễ hội lớn thì kéo theo bộ  máy tổ chức lớn. Chùa Hương cũng vậy, một lễ  hội phải đảm bảo hai yếu tố: chủ nhà và khách. Chủ nhà phải hoàn thiện mình, đó là hòa nhã, khách thì có thể chỉ thoáng qua nhưng cũng phải chuẩn bị tối thiểu những kĩ năng văn hóa như đi lại, nói năng.

Lễ hội người ta cứ  gộp hàng mã - vàng mã, thực ra là không có  mã như ngựa giả, ô tô giả... để đốt. Phật giáo không có ai đem tiền âm phủ đi cúng nhưng người ta cứ nghĩ là đi lễ và đi hành hương là như nhau và cứ đốt một cách phi mã. Đi lễ chỉ mong sao bằng tấm lòng thành kính với hành xử đúng đắn. Chỉ mong khách hành hương, đặc biệt là thanh thiếu niên có ý thức trẩy hội trang nghiêm, giữ gìn "khẩu nghiệp thân nghiệp" chứ không nên "kém miếng khó chịu".

Như việc cố vượt lên nhau phải không ạ?

Đúng vậy, như ở trung tâm Hà Nội đấy, phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng không ai chịu ai, thấy người này vượt lên mình thì mình cũng phải rồ ga vượt lên không để ai hơn mình...

Xin chân thành cảm ơn thầy!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày