Về chữ Phật được tặng

GNO - LTS: Tháng Giêng đã qua, Tết đã lắng, nhưng khi nhận được bài này, chúng tôi đọc chầm chậm, để cảm!

1. Đó là một ngày mùa xuân có mưa phùn ở Hà Nội. Đã là những ngày đầu năm mới rồi, thế nhưng cái rét căm căm vẫn chưa thôi thổi lạnh lẽo vào lòng miền Bắc. Hôm ấy là mùng 5 Tết.

Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết ở thủ đô, nơi rất xa quê nhà. Tết ở Hà Nội cũng khá khác biệt so với miền Nam. Tôi nghe kể rằng ở đây mọi người thường nô nức đi chùa hành hương vào những ngày đầu năm mới, bất chấp mưa và gió rét. 

Mùng 5 còn là lễ hội ở gò Đống Đa, nơi kỷ niệm chiến thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa của Tây Sơn trước triều Mãn Thanh và kết thúc thời Hậu Lê lịch sử năm 1789. Vì thế không ngạc nhiên khi chỉ mới mùng 5 Tết mà đường xá Hà Nội, đặc biệt quận Đống Đa lại vô cùng tấp nập.

w.chuPhatduoctang.jpg

Chữ Phật mà tôi được tặng hồi mùng 5 Tết, là một lời nhắc quay về nương tựa Phật trong tôi - Ảnh: Từ Ngọc

Chúng tôi đều là những chúng sanh - như muôn vàn chúng sanh khác - đã gieo chủng tử giác ngộ từ kiếp nào đó, và điều đó khiến chúng tôi vững tin hơn trên con đường mà mình đã chọn, khi biết bên cạnh mình vẫn còn nhiều chúng sanh cũng khao khát tu học, hướng đến giác ngộ Phật tánh uyên nguyên trong mỗi chúng ta.

Tôi ghé thăm phố ông Đồ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thư pháp vốn là một môn nghệ thuật luyện định tâm mà tôi rất thích nghiên cứu để học hỏi thêm mỗi khi có dịp. Vốn chẳng mấy ra ngoài dịp nghỉ hay lễ, nhưng đây là một tục lệ văn hóa đẹp mà tôi khá hứng thú, vì thế tôi mặc đồ lam để đến thăm phố các cụ Đồ hiện đại ấy.

Đang đi dạo thăm thú các cụ viết chữ, tôi sà xuống một chiếu mà cụ ông chỉ bán các công cụ vẽ viết chứ không bán chữ, tôi định mua một chiếc cọ cỡ trung mà hôm chuyển nhà không mang theo. Vừa ngồi xuống được hai giây, bỗng một chị đang mua giấy bên cạnh quay sang hỏi tôi:

- Chị có thích chữ Thiền không?

Tôi chưa kịp nghĩ ra chuyện gì nên im lặng một lúc, sau tôi hỏi, lúc này chị vẫn đang lựa giấy chứ không nhìn tôi:

- Chị viết ạ?

- Không, bố em. (Chị vẫn trả lời mà không ngẩng lên nhìn). - Nếu thích thì chị đi theo em.

Tôi im lặng không biết nên nói gì. Mua giấy xong, chị thong thả bước đi, rồi quay lại nhìn tôi, vô thức tôi cũng đứng dậy bước theo chị.

Tới một chiếu cụ Đồ, chị bước vào, phụ cha nẹp khung, cắt giấy, trao các tờ thư pháp đã xong thành phẩm cẩn thận cho khách hàng. Thấy chị bận rộn tôi cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ chiêm ngưỡng các bức thư pháp cha chị viết treo trên bờ tường, trong số đó có một bức chữ Thiền (tiếng Hán) có hình lá bồ đề rất đẹp. Bỗng chị nhìn tôi, cười nói:

- Chị có thích chữ Thiền đó không? Em sẽ nhờ cha viết tặng chị không lấy tiền. Nhưng chỉ chữ ấy thôi.

Tôi chưa kịp trả lời thì chị đã “bị” những khách hàng xung quanh réo giục, vì cha chị, cụ Đồ chỉ ngồi viết chữ, các công việc khác chị phải giúp cụ. Khi chị nhìn tôi hỏi, bỗng bao nhiêu người xung quanh quay lại nhìn tôi kỳ lạ. Chắc vì mọi người thì phải bỏ tiền ra để mua chữ và yêu cầu, còn phải ngồi thật lâu để chờ tới lượt mình, riêng tôi bỗng dưng được đề nghị tặng. Hay vì lúc đó ai cũng đang xúng xính trong quần áo mùa đông đẹp đẽ, trang điểm lộng lẫy để du xuân, chỉ riêng tôi là mặc chiếc quần lam cũ rộng thùng thình, giày vải và đội một chiếc mũ len đen trùm kín mái tóc trông như một ni cô sống trong tu viện. Hay cũng bởi vì khi vừa cất tiếng, mọi người nhận ra ngay rằng tôi là người miền Nam...

Tôi bắt đầu nhìn chị, và nhận ra đó là một phụ nữ vô cùng xinh xắn. Chị có thân hình và gương mặt tròn đầy và sáng rực trông rất nhân hậu, có lẽ chỉ hơn tôi vài ba tuổi. Trong lúc làm việc chị liên tục nở nụ cười rất hòa nhã với mọi người.

Phải một lúc lâu sau, chị mới ngơi tay, nhìn tôi cười, nói tiếp:

- Chị thích không?

Tôi chậm rãi:

- Chị tặng em chữ gì ấy nhỉ?

Chị cười:

- Chữ Thiền, hoặc chữ Phật, tùy chị, thích chữ nào em tặng chị chữ ấy.

Tôi cũng cười:

- Vậy… chữ Phật.

Chị cười, và tìm cho tôi tờ giấy khổ A3 có hình một cành lá bồ đề còn non rất đẹp. Rồi chị nhờ cụ viết cho tôi chữ Phật, đóng dấu đỏ không phải bằng triện riêng của cụ, mà là một con dấu mang hình bánh xe chuyển pháp luân.

Vẫn cùng với nụ cười xinh xắn, chị trao nó cho tôi bằng cả hai tay, cúi người:

- Em tặng chị, chúc thân tâm an lạc.

Tôi cũng đón nhận bằng hai tay. Và vì còn đôi chút bất ngờ nên không kịp tìm từ gì để nói.

- Em cũng chúc chị như thế.

Tôi đã nhận tờ thư pháp rồi, mà chúng tôi còn cười nhìn nhau một lúc. Ai cũng nhìn chúng tôi. Trước khi đi, tôi cảm ơn chị, và cụ Đồ cha chị đã cho chữ. Nhìn chị lần cuối, tôi nói:

- Phật ở trong tâm nhé.

2. Câu chuyện này mới đi qua chưa lâu. Tôi không phải viết lại vì nghĩ nó đơn giản chỉ là một kỷ niệm, mà hơn thế, tôi nghĩ rằng, dường như đằng sau sự tình cờ đầy trong trẻo ấy là cả một sự nhắn nhủ thầm kín sâu xa nào đó. Liệu sau này có ai đó hỏi chị rằng, vì sao cô lại tặng chữ Phật cho cô gái ấy không?

Khi tôi kể lại câu chuyện này cho vài người. Người thì bảo rằng, có lẽ kiếp nào đó hai chúng tôi từng là những bạn đạo tâm giao; người khác cho rằng, trông tôi có điều gì đó lạ thường khiến người ta muốn khởi sự biếu tặng. Cũng có người nghĩ rằng cô gái ấy là nhân duyên được cõi khác gửi đến để mang tới cho tôi một thông điệp nào đó, một lời động viên trong việc tu học, hoặc một sự nhắc nhở nghiêm khắc chẳng hạn…

Tôi không rõ đâu mới đúng, mà cũng không muốn bỏ nhiều thì giờ để phán đoán. Chỉ đơn giản rằng, chúng tôi đều là những chúng sanh - như muôn vàn chúng sanh khác - đã gieo chủng tử giác ngộ từ kiếp nào đó, và điều đó khiến chúng tôi vững tin hơn trên con đường mà mình đã chọn, khi biết bên cạnh mình vẫn còn nhiều chúng sanh cũng khao khát tu học, hướng đến giác ngộ Phật tánh uyên nguyên trong mỗi chúng ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày