NSGN - Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, sinh năm 1915 tại tỉnh Chanthaburi, Đông nam Thái Lan (gần biên giới Campuchia). Mồ côi năm 11 tuổi, ông sống ở nhiều chùa, cho đến năm 20 tuổi được thọ giới xuất gia, về sau trở thành một Thiền sư lớn (theo truyền thống tu tập trong rừng) ở Thái Lan.
Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) người Mỹ, theo học thiền với Ajaan Fuang Jotiko và xuất gia năm 1976 tại Thái Lan. Hiện Tỳ-kheo Thanissaro cũng là Thiền sư, chuyên trước tác và giảng dạy về thiền. Bài dịch này được trích trong quyển AWARENESS ITSELF (Chánh Niệm), là một trong những giáo huấn cụ thể, thiết thực của Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, được Tỳ-kheo Thanissaro soạn dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Do đó, danh xưng tôi dưới đây là chỉ Tỳ-kheo Thanissaro.
+ Một đệ tử của Ajaan Fuang - là thợ may - bị khách hàng phê rằng: “Cô biết tu, phải không? Vậy sao cô quá tham lam, cô tính giá cao quá? Người tu hành chỉ nên lấy tiền công vừa đủ sống qua ngày”. Dầu cô thợ may biết rằng mình đã tính giá phải chăng, nhưng cô không biết trả lời khách như thế nào, nên khi gặp Ajaan Fuang, cô bèn kể lại câu chuyện đó. Thiền sư góp ý, “Lần sau, khi họ nói như thế, hãy nói - Không phải tôi tu hành để trở nên ngu si”.
+ Khi mới đến ở tại tu viện Dhammasathit, thỉnh thoảng tôi có thể nghe được tiếng phi cơ B-52 từ căn cứ Không quân Utapao bay trên đầu vào đầu giờ sáng, làm nhiệm vụ thả bom ở Campuchia. Mỗi lần nghe chúng, tôi bắt đầu tự nghĩ làm sao tôi có thể ngồi tọa thiền ở đây khi trên thế giới có quá nhiều sự bất công cần phải giải quyết. Khi tôi trình với Ajaan Fuang những suy nghĩ của tôi, ngài nói: “Nếu con muốn sửa đổi thế giới trước khi thực sự sửa đổi được mình, thì bản tánh thiện nội tại của con sẽ dần dần tan vỡ, lúc đó con sẽ về đâu? Con sẽ không thể giúp đỡ ai cả - bản thân con hay người khác”.
+ “Ngay khi vừa được sinh ra, chúng ta đã lãnh án tử - chỉ có điều ta không biết khi nào giờ hành hình sẽ đến. Vì thế, quý vị chớ nên dễ duôi. Hãy bắt đầu ngay và phát triển toàn vẹn các thiện tánh của mình, khi còn có thể”.
+ “Nếu quý vị muốn trở thành một người tốt, thì phải biết sự thiện lành thực sự nằm ở đâu. Đừng chỉ có cảm giác rằng mình tốt, mình thiện”.
+ “Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, nhưng đa phần không quan tâm đến việc xây đắp các điều kiện đưa đến hạnh phúc. Chúng ta chỉ muốn có kết quả. Nhưng nếu ta không quan tâm đến gốc rễ, thì làm cách nào có được quả?”
+ Khi tôi bắt đầu học thiền với Ajaan Fuang, tôi hỏi ngài, sau khi chết, người ta có thực sự đi tái sinh. Ngài trả lời, “Khi con bắt đầu thực hành, Đức Phật chỉ yêu cầu con tin vào một điều duy nhất: đó là nghiệp. Còn những vấn đề khác bên cạnh đó, con có tin hay không, không thực sự quan trọng”.
+ Một năm kia, ngay trước mùa an cư không lâu - thời gian mà các vị tu sĩ theo truyền thống dốc sức trau dồi Phật pháp - một đệ tử của Ajaan Fuang đến thưa với ngài rằng cô muốn tu Bát quan trai trong mùa an cư, nhưng sợ rằng không được ăn buổi chiều, cô sẽ bị đói. Thiền sư đáp: “Đức Phật đã nhịn ăn đến độ Ngài chỉ còn da bọc xương, sau đó Ngài mới khám phá ra Chánh pháp để trao truyền cho chúng ta, vậy mà ta không thể bỏ mỗi bữa ăn chiều. Đó là lý do tại sao ta vẫn còn bơi lội trong vòng sinh tử”. Kết quả là cô đệ tử đó quyết định giữ tám giới vào những ngày như ngày rằm, ba mươi, ngày mùng một, trong suốt ba tháng an cư. Và cô đã thực sự làm được. Cuối mùa an cư năm đó, cô đệ tử rất phấn khởi vì đã thực hiện được ước nguyện của mình. Nhưng mùa an cư năm sau, khi cô vừa gặp Ajaan Fuang, cô chưa kịp nói gì, ngài đã nhận xét, “Cô thật may mắn, cô biết không. Mùa an cư của cô chỉ có mười hai ngày. Mọi người khác là ba tháng”. Nghe vậy, cô đệ tử cảm thấy hổ thẹn, nên từ đó cô đã giữ tám giới mỗi ngày trong suốt các mùa an cư.
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko
+ Một thiền sinh đang hành thiền dưới sự chứng kiến của Ajaan Fuang khi - trong một phút thất niệm - cô đã đập chết con muỗi cắn tay cô. Ajaan Fuang nói: “Máu cô tính cao giá quá, phải không? Con muỗi chỉ xin một giọt, nhưng cô lấy cả mạng sống của nó để bù đắp”.
+ Một tín nam trao đổi với ngài Ajaan Fuang về giới luật, và khi nói đến giới thứ năm cấm uống rượu, anh ta nói: “Đức Phật cấm uống rượu vì người dùng sẽ thất niệm, đúng không? Nhưng nếu ta uống với chánh niệm thì không sao, phải không thưa Sư?” Ngài thiền sư trả lời, “Nếu con thực sự chánh niệm thì trước hết con đã không nghĩ tới việc uống rượu rồi”.
+ Dường như có nhiều lý do biện hộ cho giới thứ năm hơn bất cứ giới nào khác. Một buổi nọ, một thiền sinh cũng thưa chuyện với Ajaan Fuang về vấn đề này khi có một nhóm người khác đang ngồi thiền gần đó. Anh ta nói, “Con không thể giữ giới thứ năm vì con bị nhiều áp lực từ bạn bè. Khi ở công ty họp mặt xã giao thì mọi người trong nhóm đều uống rượu, nên con phải uống theo họ”. Ajaan Fuang chỉ về nhóm người đang hành thiền gần đó, nói, “Nhóm người đó không buộc con phải uống rượu. Sao con không chịu áp lực của nhóm người này?”
+ Một cô thợ may thấy các bạn mình tinh tấn giữ tám giới ở tu viện Dhammasathit, nên cũng quyết định thử làm. Nhưng giữa trưa, khi cô đang đi trong tu viện, ngang qua một cây ổi. Các trái ổi quyến rũ quá, nên cô hái một trái và cắn một miếng. Ajaan Fuang tình cờ ở gần đó, nên ngài nói, “Ủa. Sư tưởng cô đang giữ tám giới chứ. Cô ăn gì trong miệng thế?” Cô thợ may giật mình nhận ra mình đã phạm giới, nhưng Ajaan Fuang đã an ủi cô: “Cũng không cần phải giữ tám giới đâu, nhưng con chắc chắn phải giữ một giới. Con có biết giới đó là gì không? “Thưa sư, không ạ. Thưa đó là gì?”. “Không làm điều ác. Ta muốn con giữ giới đó suốt đời”.
+ Một phụ nữ đến tu viện Dhammasathit để hành thiền và giữ giới trong một tuần, nhưng cuối ngày thứ hai cô đã nói với Ajaan Fuang rằng cô phải trở về nhà, vì cô sợ rằng không có cô, gia đình cô không yên ổn. Ngài dạy cô buông bỏ âu lo bằng cách nói rằng, “Khi cô đến đây, hãy tự nhủ là cô đã chết. Bằng cách này hay cách khác, gia đình cô cũng phải có cách tự lo”.
+ Một Phật tử trung niên, lần đầu viếng tu viện Dhammasathit, rất ngạc nhiên khi trông thấy một vị tu sĩ người Mỹ. Ông hỏi Ajaan Fuang, “Làm sao mà người Tây phương có thể xuất gia?” Ajaan Fuang trả lời ông, “Người Tây phương không có tâm sao?”
+ Có lần một tạp chí ở Bangkok có đăng các bài tự truyện về một cư sĩ thiền giả, người có khả năng sử dụng định lực để chữa bệnh. Trong một bài viết, người đó kể lại đã gặp Ajaan Fuang, và ngài Thiền sư đã xác chứng rằng ông ta (người cư sĩ) đã chứng đắc. Đó không phải là cách hành xử của Ajaan Fuang, nhưng sau bài báo đó, nhiều người đã tìm đến tu viện với ý nghĩ là Ajaan Fuang, cũng giống như tác giả của các bài tự truyện kia, có thể chữa các bệnh bằng thiền định. Một phụ nữ đã hỏi ngài có thể chữa bệnh thận cho bà không. Ngài trả lời, “Tôi chỉ chữa được một thứ bệnh: đó là các loại bệnh của tâm”.
+ Một thiền sinh xin phép ghi chép các bài giảng của ngài Ajaan Fuang vào sổ, nhưng ngài từ chối, nói rằng, “Con là loại người đó sao? - loại luôn mang theo thức ăn trong túi vì sợ rằng không có gì để ăn?” Rồi ngài giải thích rằng: “Nếu con viết mọi thứ xuống, con sẽ cảm thấy có quên cũng không sao, vì mọi thứ đã ở trong sổ của con rồi. Kết quả là tất cả pháp đều ở trong sổ tay của con, nhưng không có gì ở trong tâm con cả”.
+ “Kinh dạy rằng nếu ta biết lắng nghe rốt ráo, ta sẽ đạt được trí tuệ. Muốn lắng nghe được rốt ráo, tâm ta phải tĩnh lặng. Ta lắng nghe bằng cả trái tim, không chỉ với đôi tai. Một khi đã được lắng nghe, học hỏi, ta phải đem những điều đó ra thực hành ngay tại đây, ngay bây giờ. Có thế ta mới được lợi ích. Nếu không đem ra thực hành, những gì ta đã được nghe sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực bên trong ta”.
+ Có lần, trong khi xây tháp ở tu viện Dhammasathit, một số đệ tử có nhiệm vụ xây tháp xảy ra tranh cãi dữ dội. Một cô đệ tử quá bực tức đã đem chuyện kể với Ajaan Fuang, lúc ngài có mặt ở Bangkok. Sau khi nghe xong câu chuyện, ngài hỏi cô, “Con biết đồ xà bần là gì không?” Ngạc nhiên, nhưng cô vẫn trả lời, “Dạ, có ạ”. “Con có biết kim cương là gì không?” “Dạ, có ạ”. “Vậy tại sao con không thu thập kim cương, mà gom đồ xà bần làm gì?”.
+ Ngay ở Thái Lan, nơi Phật giáo được xem là quốc giáo, nhiều cha mẹ vẫn chống đối việc con cái họ nghiên cứu, thực hành Phật pháp, vì họ nghĩ rằng con họ nên dành thời gian cho những thứ thực tiễn hơn. Có lần cha mẹ của cô thợ may ngăn cản việc cô thường xuyên đến chùa Makut, và điều đó khiến cô rất giận. Nhưng khi cô trình với Ajaan Fuang về việc đó, ngài dạy rằng, “Con mang ơn cha mẹ sâu dày, có biết không. Nếu con giận dữ với họ, cãi lại với họ, là con đang gom lửa địa ngục lên đầu mình, nên con phải thận trọng. Con phải tự nhắc mình: Nếu con muốn có cha mẹ biết khuyến khích con tu hành, sao con không chọn lựa sanh vào nơi đó? Chính vì con chọn lựa sinh vào gia đình hiện tại, chứng tỏ rằng con và họ đã có nghiệp quá khứ với nhau. Vì thế hãy trả hết các nghiệp duyên với họ khi chúng xảy ra. Không cần phải tạo thêm nghiệp mới bằng cách tranh cãi với nhau”.
+ Hình thức chiêu hồn người chết trong quá khứ rất phổ biến ở Thái Lan. Ngay cả các Phật tử cũng có người thích tham dự các buổi hành lễ này. Nhưng Ajaan Fuang đã có lần khuyên họ rằng, “Nếu quý vị muốn việc tu tập của mình có kết quả, quý vị phải khẳng định rằng Đức Phật là nơi nương trú duy nhất của mình. Chớ có nương tựa vào bất cứ thứ gì khác”.
+ “Nếu bạn thông hiểu Phật pháp, bạn sẽ không để khả năng hay uy lực của ai chế ngự mình. Bất cứ bạn làm gì, nói hay suy nghĩ điều chi, hãy để tâm bạn dựa trên trí tuệ”.
+ “Sự thật ở bên trong quý vị. Nếu quý vị chân thật trong bất cứ việc gì mình làm, quý vị sẽ gặp được sự chân thật. Nếu không, quý vị sẽ chỉ gặp toàn đồ giả, đồ nhái”.
Ajaan Fuang Jotiko
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
(Chuyển ngữ từ People Practicing Dhamma, trong sách Awareness Itself)