Về quê

Về quê

- Bi ơi! Dậy đi chăn trâu với chị nào.Tiếng cháu Ngân gọi làm cho vợ chồng tôi tỉnh giấc. Trời đất, mới 5 giờ 30 mà trời đã sáng trưng, mọi người đã ra đồng. Nghe tiếng chị gọi, cu Bi tỉnh giấc, đánh răng, ăn vội bát mì gói để đi chăn trâu cùng chị.

- Anh làm sao thì làm, cu Bi bây giờ đã sụt mất 2 kí lô rồi đó! Vợ tôi lên tiếng.

Quả thật, mới khoảng nửa tháng về quê mà hôm nay trông cu Bi gầy và đen hẳn. Mặc dù không nói ra nhưng vợ tôi có vẻ không hài lòng về chuyện cu Bi suốt ngày đòi đi chơi, đi chăn trâu, lang thang từ cánh đồng này đến cánh đồng kia với các chị.

Vợ tôi lo lắng là phải. Đối với vấn đề chăm sóc con cái thì vợ tôi đạt mức trên cả tuyệt vời. Vốn là “ Út nương”, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM lại học nghề y nên cô ấy chăm sóc con cái một cách chu đáo, khoa học. Từ việc mỗi ngày cu Bi phải uống đủ nước theo định lượng, cho đến việc ăn uống đủ các chất, sữa bánh, thuốc thang đều do vợ tôi đảm đương tất. Tất cả đều chi tiết… như sách nên tôi chỉ việc nghe và làm theo chỉ dẫn của vợ. Dưới con mắt của vợ tôi, ở nông thôn vừa dơ bẩn, vừa lắm… vi trùng. Hôm thấy cu Bi cưỡi trâu với mấy đứa trẻ hàng xóm, nàng xanh mặt. Xanh mặt vì sợ mấy chú rận trâu bám vào người Bi. Bi ra vườn hái rau với bà nội thì nàng lại sợ con đụng phải sâu, đi tắm sông thì nàng lại sợ đỉa. Tóm lại, vợ tôi có đầy đủ lý do để nhắc nhở tôi phải để ý đến Bi, không để cho con chơi nhiều. Những ngày về quê nội, tuy không hài lòng lắm về chuyện ăn, mặc, chơi của con nhưng vợ tôi cũng không dám to tiếng với Bi vì cũng ngại ông bà nội. Lâu lâu Bi mới về quê một lần, được ông bà chìu cũng phải. Trách làm sao được, ông bà nào mà chẳng thương cháu. Nhìn ánh mắt biết nói của vợ, tôi hiểu: nàng vừa lo lắng cho con, vừa có phần trách móc chồng. Biết vậy nhưng tôi cũng đành bó tay vì cứ đụng đến Bi là ông bà lại bênh chằm chặp.

Thôi cứ để cho nó chơi cho thoải mái, vào thành phố mình chăm lại, chắc không sao đâu! Tôi thủ thỉ vào tai vợ. Nàng có vẻ xuôi xuôi! Tôi tiếp tục trấn an vợ: ăn thua gì so với anh ngày xưa. Đúng thật! Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với chuyện mò cua bắt ốc và cũng chẳng xa lạ gì với những quả bóng bằng trái bưởi, bện bằng rơm khô rong ruổi khắp các “sân bóng” đầy gốc lúa. Những trò chơi như thả diều, đánh khẳng, bắn bi, tắm sông…đã in đậm vào tận sâu thẳm tâm hồn tôi. Đã có lần tôi suýt bị chết đuối nhưng may mắn là có ông anh họ phát hiện, nắm tóc lôi lên. Thế mà vẫn không thấy chừa, có những ngày mùa hè nóng nực, tôi nhảy ùm xuống sông tắm bốn, năm lần. Ký ức tuổi thơ đã theo tôi cho đến tận bây giờ. Tôi đã lớn lên từ những kỷ niệm êm đềm, những trò chơi dân gian, dân dã như vậy.

Em thấy không, anh vẫn khỏe… như trâu đấy, có con rận, con đỉa, con ve, con… vi trùng nào bám được vào anh đâu! Tôi vừa nói vừa cười ra vẻ oai phong lắm. Nàng véo nhẹ vào tai tôi, phì cười rồi bảo: mấy hôm nữa vào thành phố thì anh lo mà chăm con đấy nhé! Nàng nói vậy nhưng tôi biết, có cho thêm tiền nàng cũng chẳng dám giao cu Bi cho tôi chăm sóc một mình.

*

Cu Bi đã 8 tuổi và vừa học hết lớp 2. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên con tôi về quê nhưng những lần trước thì cháu còn quá nhỏ để tìm hiểu thế giới xung quanh. Lần này, khung cảnh, khí hậu và con người nông thôn đã làm mê hoặc con “gà công nghiệp” của tôi. Suốt ngày, cu cậu cứ theo anh chị đi chăn trâu, thả diều, đá bóng… quên cả ăn uống. Vốn sống ở thành phố, không gian vui chơi chật hẹp nên cháu đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Gặp gì cháu cũng hỏi làm cho người trả lời đôi lúc phát cáu. Lần đầu tiên cháu được sờ mó, vuốt ve cái sừng trâu, được biết thế nào là cây lúa, bông lúa, hạt lúa… Cháu hết sức ngạc nhiên khi biết hạt gạo là “con” của hạt lúa, làm cho những đứa trẻ ở nông thôn lăn ra cười. Giữa trưa, trời nắng chang chang như đổ lửa, cu cậu vẫn đội nón đi theo mấy anh đi tắm ở con sông đầu làng. Dù không dám nhảy xuống tắm, nhưng có lẽ cháu cũng có sự so sánh sự khác nhau giữa con sông và cái hồ bơi ở thành phố - nơi hàng ngày cháu vẫn được các thầy dạy cháu bơi. Chưa hết, cháu còn nói với mẹ là để cháu đi bắt cua, bắt cá về nấu ăn cho đỡ  tốn tiền. Với cu Bi, dường như nó bắt đầu được sinh ra ở một thế giới mới lạ.

Ông, bà nội đưa cháu đi chơi với anh em trong họ tộc. Hôm ông đưa cháu sang nhà thờ họ, theo hướng dẫn của ông, Bi cũng cầm mấy nén nhang và lạy theo ông nội. Về nhà, Bi cứ thắc mắc, tại sao cái nhà thờ đó lại có nhiều ảnh, nhiều nhang khói. Suốt ngày, ông nội phải giải thích cho Bi những câu hỏi đại loại như: tại sao lại phải thờ cúng trong nhà thờ họ, tại sao người này Bi phải gọi là ông, người kia lại là bác, là cụ… Có vẻ như Bi cũng hiểu ra được cái gì đó qua những lời của ông nội.

*

Những ngày đầu mới về quê, cu Bi đã làm cho những đứa trẻ ở trong xóm cười ngất khi chỉ biết mỗi tên “con vịt” cho các loại ngan, vịt, ngỗng. Không phân biệt được đâu là con trâu, đâu là con nghé. Thấy nhà hàng xóm bên cạnh có con trâu bạc thì nó lớn tiếng gọi “ Bò ơi”. Từ ngày có cu Bi về, nhà ông bà nội vui hẳn lên, người lớn thì đến chơi với  bố mẹ, các cháu nhỏ cũng đến chơi và xem Bi thế nào. Cu Bi trở thành tâm điểm chú ý của bọn trẻ trong xóm vì cậu có nước da trắng như con gái, lại nói giọng Nam nghe lạ lạ làm sao. Mới về nhưng cu Bi cũng nhanh chóng bắt được “tín hiệu” của đám trẻ con trong làng.

Những cái đầu trẻ con chụm lại để xem cu Bi chơi trò chơi trên máy tính. Thấy cái điện thoại không dây của ông nội để ở bàn, cu Bi cầm lấy gọi cho mấy đứa bạn ở Sài Gòn để khoe mình được về quê. Tỏ ra có vẻ sành điệu, Bi bật cả loa ngoài cho mọi người cùng nghe. Giọng trẻ con đầu dây bên kia hỏi lại: thế cậu không đi học hè à? Cu Bi thản nhiên đổ lỗi cho ba mẹ bắt nó về quê, không cho Bi đi học hè. Đúng là đồ trẻ con. Nói chuyện điện thoại xong, Bi cẩn thận lưu luôn số điện thoại của bạn vào trong chiếc điện thoại của ông bà với lý do để lần sau gọi khỏi phải bấm. Thật là hết biết! Lũ trẻ con trong xóm nhìn Bi với ánh mắt thán phục. Từ đó, ngày nào chúng cũng đến tìm Bi, đi đâu chúng cũng rủ Bi đi cùng. Bi chỉ cho chúng chơi game trên điện thoại di động, trên máy tính; còn mấy đứa trẻ thì giúp Bi phân biệt được đâu là cây cau, đâu là cây dừa; đâu là con ngỗng, đâu là con ngan, con vịt; như thế nào thì gọi là bê, là nghé, là bò, là trâu… cu Bi tỏ ra nhanh nhẹn, dễ hòa đồng với đám trẻ ở quê nhưng kỹ năng chơi trò chơi thì Bi còn vụng về. Nghĩ cũng phải, ở thành phố, có bao giờ Bi được chơi các trò chơi như thế này đâu. Nếu có chơi thì thế nào cũng bị ba, mẹ la là nguy hiểm.  Thấy vậy, đám trẻ thay nhau hướng dẫn cho Bi chơi. Đúng là… đồ con nít, mới gặp nhau mà cứ như là thân nhau từ lâu lắm rồi.

Rồi đến ngày gia đình tôi cũng phải tạm biệt “chùm khế ngọt”. Hôm chia tay, lũ trẻ lại đến chơi. Dường như chúng còn thích Bi ở nhà lâu hơn, muốn mùa hè kéo dài thêm nữa. Các anh chị tặng Bi mấy con diều để vào Sài Gòn thả. Bi cảm ơn nhưng từ chối nhận và nói: ở trong em không có chỗ thả!

*

Tiếng loa phát thanh thông báo: tàu sắp vào ga Sài Gòn, đề nghị quý khách chuẩn bị hành lý để xuống tàu. Tôi ngước nhìn đồng hồ, đã hơn 4 giờ sáng. Tàu dừng lại, chúng tôi xuống tàu và gọi chuyến taxi đi về nhà. Cu Bi có vẻ rất mệt mỏi. Gầy xọp và đen - vợ tôi kết luận. Chắc phải sụt mất 3 hay 4 kí lô, không biết đến bao giờ mới chăm lên lại như trước được! Vợ tôi có vẻ xót cho con.

Cu Bi đang lơ mơ ngủ, bỗng chuông điện thoại reo vang. Ông nội gọi vào! Nghe nói ông nội gọi vào, Bi tỉnh hẳn và đòi nói chuyện với ông.

Tôi nhường máy để Bi nói chuyện với ông rồi đi đánh răng. Từ trong nhà tắm, tôi nghe Bi lớn giọng: ông ơi! Hè sang năm con lại về quê thăm ông nữa nhé.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày