Giữa một vùng đồng bằng trù phú bên dòng sông Cầu, nổi lên một dãy núi kỳ vĩ Phượng Hoàng, đẹp tựa trong tranh, nơi người xưa đã biết gửi mơ ước của mình vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường. Chùa Bổ Đà tọa lạc ngay dưới chân núi phần thuộc địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại: "Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”.
Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế, một dòng thiền có ảnh hưởng rộng rãi nhất mọi miền Tổ quốc Việt Nam, hằng năm kết hạ an cư, các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng cũng về đây tham thiền học đạo rất đông. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng.
Được khởi dựng vào thời Lê, hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.
Với hệ thống kiến trúc 18 tòa ngang dãy dọc và gần một trăm gian liên hoàn, bố cục kiến trúc hài hào được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Cùng với đó, chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Trong đó, có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy…
Ngoài ra, với một vuờn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, hiếm thấy nơi nào khác trên đất nước ta.
Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra vào các ngày 17, 18 tháng hai âm lịch hằng năm. Vào ngày này, rất đông Tăng ni, Phật tử và nhân dân xa gần ở mọi miền tổ quốc cũng hành hương, trảy hội về đây thành tâm lễ Phật, trong khói hương nghi ngút mọi người tỏ lòng thành kính, hướng về cái thiện, cầu mong mọi sự tốt lành đến với bản thân và gia đình.
Nằm trong vùng đất cổ kinh Bắc xưa, Bổ Đà còn đậm nét văn hóa qua những làn điệu dân ca quan họ. Hằng năm, đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc còn là dịp để những liền anh, liền chị của làng các quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên, khoe sắc khoe tài, mời nước mời trầu, trong những bộ trang phục truyền thống để cất lên những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm thấm đượm hồn quê.