Về thăm đất Tổ…

Người Trung Quốc có câu: “Các ngọn núi đẹp nhất của Trung Quốc đều bị các vị Tổ sư “sở hữu” hết!”. Khi đặt chân lên đất Tổ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói này. Tứ Đại Phật Sơn hay còn gọi là “Tứ đại danh sơn" gồm: Ngũ Đài Sơn (đạo tràng Ngài Văn Thù Bồ Tát) ở tỉnh Sơn Tây; Nga Mi Sơn (đạo tràng Ngài Phổ Hiền Bồ Tát) ở tỉnh Tứ Xuyên; Phổ Ðà Sơn (đạo tràng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát) ở tỉnh Triết Giang và Cửu Hoa Sơn (đạo tràng Ngài Địa Tạng Bồ Tát) ở tỉnh An Huy.

Năm 2007 và đầu năm 2009, tôi có duyên lành được đi hành hương về đất Phật (Ấn Độ - Nepal) thăm viếng và đảnh lễ “tứ động tâm”: Lâm Tì Ni (nơi Đức Phật Đản Sanh), Bồ Đề Đạo Tràng - Tháp Đại Giác (nơi Đức Phật thành đạo), Vườn Lộc Uyển - Tháp Dhammek (nơi Đức Phật chuyển pháp luân) và  Đại Bát Niết Bàn (nơi Đức Phật nhập niết bàn).

Mỗi nơi động tâm, tôi đều có những cảm xúc tâm linh thật khác nhau, rất linh thiêng mà không thể diễn tả được bằng lời. Có nhiều người cũng giống như tôi, vừa lễ lạy vừa khóc, xúc cảm tâm linh tuôn trào…Rồi như một giấc mơ, duyên lành đến năm 2008 tôi lại được đi hành hương về miền đất linh thiêng huyền bí được mệnh danh là “vũ trụ của tâm linh” (Tây Tạng) với tháp Kum Pum, đền Jokhang, cung điện Potala, hồ chư thiêng Yam Drok, hồ nước mặn Nam Tso cao 5.190 mét và dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, tuyết phủ quanh năm. Nơi đó có rất nhiều vị Lạt ma tu chứng đắc...

tudaidanhson-4.gif
Bước chân an lạc nơi chốn Tổ

Hôm nay, tôi lại có phước duyên được đi hành hương về đất Tổ, Tứ Đại Phật Sơn (Trung Quốc) cùng với quý Hòa thượng, Thượng tọa, quý Ni sư, Sư cô và các vị Phật tử do Công ty Ngọc Việt Travel (Việt Chay Group) tổ chức. Lần đi này thì cả đoàn hành hương đều ăn chay hết. Thật là vui!

Theo hành trình, đến Bắc Kinh, sau khi tham quan Vạn Lý Trường Thành, Thiên Đàn, Di Hòa Viên, Thiên An Môn, Cố Cung, đoàn đi tàu hỏa đến Thái Nguyên, rồi ngồi xe khoảng hai tiếng rưỡi lên Ngũ Đài Sơn. Từ xa xa, ngọn bạch tháp linh thiêng thờ Xá Lợi Phật cao 51 mét, kiến trúc Tây Tạng sừng sững hiện ra, xung quanh san sát các ngôi chùa: cao nhất là Tháp Viện Tự, lâu đời nhất là Đại Hiển Thông Tự. Nơi thờ Ngài Văn Thù là Bồ Tát Đình, chùa có tảng đá Yết Long thần kỳ là Thanh Lương Tự…và rất nhiều ngôi tự viện khác nữa. Ngũ Đài Sơn do 5 ngọn núi đông, tây, nam, bắc và trung hợp thành như năm ngón tay trên bàn tay lật ngửa vậy. Trong đó, Bắc Đài là cao nhất (3.058 mét) được gọi là “nóc nhà của Hoa Bắc”.

tudaidanhson-1.gif
Chụp ảnh lưu niệm  tại Nga Mi Sơn

Đáp máy bay đến Thành Đô, Tứ Xuyên, đoàn tiếp tục ngồi xe khoảng 160 km đến Nga Mi Sơn đi du thuyền trên sông chiêm bái Lạc Sơn Đại Phật. Ở đây có tượng Đức Phật A Di Đà cao nhất thế giới (71 mét) được Thiền Sư Hải Thông tạc với hy vọng Phật có thể giúp làm cho nước sông êm đềm tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông. Trải qua 3 đời trụ trì và trong khoảng 90 năm mới hoàn thành tượng. Một câu nói dí dỏm đầy lòng tin của người dân nơi đây là “không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ Phật rửa chân!”, vì mực nước mà lên tới chân Phật thì ngập lụt hết vùng này. Tượng Phật được tạc rất tinh xảo, ngồi tựa lưng vào vách núi đá, nét mặt uy nghi, khí thế hùng vĩ, lớp rong rêu phủ lên thân Phật như tấm y màu xanh thật đẹp.

Theo quý thầy, quý sư, chúng tôi đi lễ Phật, lạy Tổ. Nơi cao nhất Nga Mi Sơn là Vạn Phật Đỉnh cao 3.099 mét, Vạn Niên Tự, Báo Quốc Tự… Sáu ngôi chùa lớn của Nga Mi Sơn đều thờ Ngài Phổ Hiền Bồ tát, các tượng toàn bằng vàng. Trên núi Nga Mi có khoảng hơn 3.000 loại cây, rừng cây đa dạng, đi dạo nơi này có một cảm giác mát mẻ, sảng khoái kỳ lạ. Từ chân núi đến đỉnh núi có rất nhiều suối, thác nước với những hàng trúc, những cây cổ thụ, những đường mòn quanh co… Xúc cảm trước vẻ đẹp của Nga Mi Sơn, Như Nguyện (Phật tử trong đoàn) chia sẻ: “Đến đây, cảm nhận cảnh thật giống y trong truyện Kim Dung vậy, đẹp quá.

Từ Thượng Hải, đoàn tiếp tục đi tàu cánh ngầm hơn 300 hải lý ra Phổ Đà Sơn lễ Phật tại Phổ Tuế Tự, Pháp Vũ Tự, Trúc Lâm Tự, Huệ Tế Tự và Bất Kháng Khứ Quan Âm Viện. Tương truyền, Hòa Thượng Tuệ Nhạc người Nhật tới Ngũ Đài Sơn thỉnh tượng Quan Âm về Nhật thờ, khi đi tới Phổ Đà Sơn thì gặp mưa to gió lớn đẩy thuyền mắc cạn không thể đi tiếp được nữa, nên Hòa Thượng lập am thờ tại đây và đặt tên “Bất Kháng Khứ Quan Âm Viện” (Quan Âm không chịu đi). Một điều mầu nhiệm trên hòn đảo thiêng làm lòng tôi lâng lâng với niềm cảm xúc tâm linh thật mạnh khi tôi nhìn thấy rừng người đi dưới mưa gió lần lượt đông nghẹt kéo nhau đến chiêm bái Tượng Đức Quan Âm Nam Hải bằng đồng cao 33 mét. Theo dòng người, đoàn tôi kịp đến đầy đủ đứng đảnh lễ trước tôn tượng Đức Quan Âm. Mỗi người một cảm nhận tâm linh khác nhau nhưng tôi tin chắc một điều ai cũng mãn nguyện đã đến được nơi đây! Ai ai cũng đãnh lễ thật lâu và thành kính, người thì ướt sủng. Tôi cũng tranh thủ đi nhiễu quanh tôn tượng 3 vòng. Lòng rất thanh tịnh!

tudaidanhson-2.gif

Tác giả chiêm bái Lạc sơn Đại Phật

Về lại Thượng Hải, chúng tôi đi tham quan chùa Dự Viên, Phật Ngọc Tự, Tháp Truyền Hình, Bến Thượng Hải. Sau đó, đoàn tiếp tục đi tàu hỏa đến Cửu Hoa Sơn -đạo tràng Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Ở đây, có 9 ngọn cao nhất trong 99 ngọn trong quần núi này, cảnh sắc kỳ tú diễm lệ nên gọi là Cửu Hoa Sơn. Núi liền núi, mưa lất phất, mây bay là đà hòa quyện vào nhang khói, tiếng chuông chùa ngân nga, bóng dáng quý sư đi thanh thoát mờ mờ ảo ảo trong sương mù… tạo nên cảnh thiêng liêng mạnh mẽ. Có phải cõi tịnh độ là đây?. Bất chợt đi ngang qua lum khum đảnh lễ, tôi nghe được câu khấn của Hòa thượng Thích Nguyên Phẩm: “…xin Ngài cấp cho con visa đi theo Ngài…”. Tôi ngẩng đầu lên và chợt hiểu ý, cõi cực lạc là nơi đây!

Khí hậu ở đây hơi lạnh một chút khoảng 17 độ. Hóa Thành tự, Phổ Môn tự… thì gần chân núi, Bách Tuế Cung thì trên đỉnh núi khá cao, chúng tôi phải đi xe cáp lên đó. Tương truyền Thiền Sư Hải Ngọc thấy nơi đây cảnh trí u nhã, bèn kết cỏ làm thảo, ẩn tu trong động, chỉ dùng cây cỏ để sống. Ngài lập nguyện lấy của mình viết bộ Kinh Hoa Nghiêm gồm 80 quyển. Thiền Sư đã tu ở Cửu Hoa Sơn hơn 102 năm, đến 126 tuổi mới viên tịch, để lại nhục thân nguyên vẹn trong động, nay là Bách Tuế Cung.

tudaidanhson-3.gif
Mùa mưa nơi Phổ Đà Sơn

Rời Cửu Hoa Sơn chúng tôi về lại Bắc Kinh để đi về Việt Nam . Dù có phần vất vả trong hành trình một chút nhưng ai cũng cảm thấy lòng an lạc mãn nguyện về chuyến hành hương về đất Tổ “Tứ Đại Phật Sơn”, được chiếm bái, lễ Phật, lạy Tổ và mân mê vui vẻ với những món quà lưu niệm đặc biệt thỉnh được trên đất Tổ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày