“Vắng như chùa Bà Đanh” là câu nói cửa miệng bao đời gắn với ngôi chùa vẫn được mệnh danh là “Đệ nhất vắng khách” vừa như một lời giới thiệu cũng như một lời mời gọi du khách.
Ghé chùa Bà Đanh những ngày đầu xuân, không có cái tấp nập, náo nức của của nhiều chùa chiền trong mùa lễ hội để hồn mình tìm chút lắng lại thanh thanh, thực thực, hư hư….
Từ thành phố Phủ Lý theo Quốc lộ 21 đi chừng 15km, qua cầu Quế men theo con đê tả ngạn sông Đáy khoảng hơn 1km, chùa Bà Đanh thấp thoáng ẩn hiện giữa màu xanh um tùm của những bóng cây.
Là danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự. Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta.
Câu chuyện về gốc tổ Tứ Pháp được hình thành từ mẹ Phật Man Nương gắn liền với lịch sử xây dựng chùa được dân gian lưu truyền trong nhiều truyền thuyết kỳ lạ đã lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong tâm thức dân gian, Bà Chúa Đanh chính là vị thần mùa màng, vị thần phù hộ cho việc nông nghiệp, cho cuộc sống thuận lợi. Theo tương truyền, tượng Bà Chúa Đanh được thờ trong chùa một người con gái được các thần phái về để trông coi vùng này. Từ khi nhân dân địa phương trong vùng xây dựng xong ngôi chùa thì việc sản xuất thuận lợi, không còn cảnh thiên tai mất mùa, đời sống trở nên đầm ấm, trù phú.
Câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” là một bí ẩn đầy linh thiêng khơi dậy trí tò mò của nhiều người. Có người giải thích: Sở dĩ chùa luôn vắng người vì sự linh thiêng nếu lỡ thất lễ nơi đây sẽ bị trừng phạt nên ít khách thập phương dám đến chùa, cũng có người cho rằng: Chùa vắng là do chùa ở xa khu dân cư địa hình ngăn núi, cách sông…Và dù có giải thích thế nào thì đến giờ đó vẫn còn ẩn chứa một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Chùa có nhiều công trình với các tòa nhà như: nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ… được sắp xếp một cách hài hòa. Nhiều tác phẩm chạm khắc gỗ tinh vi với các đề tài như Ngũ phúc, Tứ linh, Tùng mã, Mai điểu… trên các cột và các vỉ kèo. Đi giữa những tòa nhà, chạm tay vào từng đường nét chạm khắc, ta như cảm nhận được sự mênh mang của không gian thanh tịnh, sự ngưng đọng của thời gian gắn với lịch sử gợi về sự linh thiêng, sự kéo dài thời gian của truyền thuyết đến hiện tại.
Ngày nay, chùa Bà Đanh đã được tôn tạo, tu bổ với nhịp cầu sắt kiên cố nối liền chùa với Quốc lộ 21B, một bến thủy lát bằng đá xanh giật ba cấp bên dòng sông Đáy vẫn hiền hòa chảy làm cho ngôi chùa vừa có nét tôn nghiêm, vừa có nét hữu tình thơ mộng. Vẫn mang vẻ tĩnh mịch và lặng lẽ của ngàn xưa nhưng vẻ tĩnh mịch ấy không gợn trong lòng du khách nỗi buồn mà hơn hết đó là sự cảm nhận về một sự yên bình, một khoảng lặng tĩnh tâm, tĩnh tại đến thanh khiết.
Khách thập phương đến lễ chùa, ngoạn cảnh như được chìm vào với không gian của tự nhiên, được hòa mình vào cái thanh khiết hư không giữa cuộc sống còn bộn bề những lo toan để cảm nhận sự thanh đạm của cuộc sống nơi đây dành những phút cho tâm lắng lại.
Nằm thoai thoải bên dòng sông Đáy phẳng lặng lững lờ trôi, chùa Bà Đanh giờ đây đã không còn “vắng tanh vắng ngắt” những bước chân du khách thập phương đã về nơi đây. Về thăm chùa Bà Đanh - thăm ngôi chùa “Đệ nhất vắng khách” để lắng hồn và để cảm nhận những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc vẫn hằn trên màu thời gian qua từng nét kiến trúc cổ kính.