Sơ lược lịch sử
Vesali (= Vaishali, Tỳ-xá-ly) thuộc quận Vaishali, mạn Đông tiểu bang Bihar, phía Bắc giáp với những ngọn đồi vùng Nepal, phía Tây là dòng sông Gandar. Vesali hiện tại được xác định là ngôi làng Basrah.
Hoàng hôn ở Vesali
Tên gọi Vesali phát xuất từ tên vị vua Vishal thuộc triều đại Mahabharata. Nó là kinh đô của vương quốc Licchavi, được xem là nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới. Có rất nhiều văn bản đề cập đến Vesali được tìm thấy trong Phật giáo cũng như Kỳ-na giáo (Jainism), và dựa trên những văn bản này thì Vesali đã thiết lập chế độ cộng hòa của mình vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch. Vào thời Đức Phật, Vesali là một thành phố lớn, dân chúng đông đúc, rất thịnh vượng và phát triển. Kinh thành như được mô tả là gồm có ba vòng, được bố trí tháp canh tại những lối vào rất kiên cố. Bấy giờ Vesali là vùng đất có sự hiện diện của nhiều tôn giáo, đặc biệt trong đó có Bà-la-môn và Kỳ-na giáo. Đức Phật sau khi xuất gia, đã gặp hai vị đạo sư Alara Kalama và Udraka Ramputra ở đây và đã tu học theo pháp môn của hai vị này, nhưng sau đó nhận thấy pháp môn của họ không đưa đến giải thoát thực sự nên đã từ bỏ ra đi.
Đức Phật đã có hai mùa an cư tại Vesali. Lần đầu Ngài trú tại Mahavana Kutagarshala, năm thứ 5 sau khi Ngài chứng đắc đạo quả. Trong lần này, bà Mahaprajapati Gautami cùng với năm trăm nữ nhân Sakya từ Ca-tỳ-la-vệ đã tìm đến xin Đức Phật cho họ được xuất gia. Và sau lời thưa thỉnh của Tôn giả Ananda, đến lần thứ ba, Đức Phật đã đồng ý cho họ xuất gia kèm theo những điều kiện được chế định, mục đích ngăn chặn những vấn đề không tốt sẽ xảy đến với họ và Tăng đoàn về sau. Như vậy tại Vesali này, Giáo đoàn Ni lần đầu tiên được thiết lập, và cũng có thể nói rằng đây là cộng đồng nữ tu đầu tiên trên thế giới.
Lần du hóa thứ hai của Đức Phật đến Vesali là vào năm thứ 46 sau khi Ngài giác ngộ. Trong lần này, Đức Phật an trú tại Belugama, và cũng trong lần này Ngài thông báo sẽ nhập Niết-bàn sau ba tháng tại Kusinagar. Điều này được mô tả rất chi tiết trong các kinh Mahaparibibbana, Mahasudassana và Janvalava.
Cũng tại Vesali, Liên Hoa Sắc (Amrapali), một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp đã quy y theo Đức Phật; và bà đã cúng dường cho Đức Phật khu vườn xoài của mình để làm nơi cư trú cho Tăng chúng. Một số người cho rằng khu vườn xoài này ngày nay nằm ở ngôi làng Amvara. Liên Hoa Sắc cũng được nói đã xây dựng ở khu vườn xoài này một ngôi tinh xá. Ngài Pháp Hiển khi đến đây vào đầu thế kỷ thứ V có đề cập đến ngôi tinh xá này. Liên Hoa Sắc có một người con trai tên là Vimala Kundaka. Vimala xuất gia theo Đức Phật và trở thành một vị Trưởng lão xuất chúng. Còn Liên Hoa Sắc, với nỗ lực tinh tấn, sau một thời gian gia nhập vào Giáo đoàn Ni, cũng đã chứng được Thánh quả.
Đức Phật có lẽ viếng thăm Vesali nhiều lần bên cạnh hai lần an cư mùa mưa như các luận giải đã đề cập, vì căn cứ vào Luật tạng thì có nhiều giới luật đã được Đức Phật chế định tại Vesali trong những bối cảnh khác nhau. Trong các giới luật được chế định tại đây, có điều luật quy định ba y cho người xuất gia. Đức Phật cũng thuyết giảng nhiều bài kinh tại Vesali, trong đó có thể nhắc đến những kinh quan trọng như Mahasaccaka (Đại kinh Saccaka, số 36, Trung bộ kinh), Culasaccaka (Tiểu kinh Saccaka, số 35, Trung bộ kinh); Sunakkhata (Tiểu kinh Sư tử hống, số 105, Trung bộ kinh); Ratana (Tương ưng bộ)…. Và có một bài kinh rất quen thuộc ở trong Đại phẩm (Tương ưng kinh) được Đức Phật thuyết tại Vesali, nói về sự bất tịnh của thân thể. Và các Tỳ-kheo sau khi nghe bài kinh này, vì chưa hiểu thấu đáo, đã tự hủy hoại thân mạng. Điều Đức Phật hoàn toàn không đồng ý.
Bên cạnh các kinh thuộc hệ văn hệ Pāli, kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdeśa) thuộc văn hệ Đại thừa cũng được Đức Phật thuyết giảng tại Vesali. Tuy nhiên, bài kinh này được cho là xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II sau Tây lịch. Và nếu như điều kiện kinh tế, xã hội được phản ảnh trong bộ kinh này là trung thực, thì Vesali vào thế kỷ thứ hai vẫn còn rất thịnh vượng.
Tại Vesali Đức Phật cũng tiếp độ rất nhiều đệ tử xuất gia, và hầu hết họ đều thuộc tầng lớp cao ở đây. Việc nhiều quý tộc Licchavi cũng như Bà-la-môn xuất gia theo Đức Phật cho thấy rằng bấy giờ Phật giáo được tầng lớp cao ở đây đón nhận nhiệt thành. Nhưng điều đó cũng cho thấy một vấn đề khác, là sau khi Vesali thất thủ, tầng lớp quý tộc theo đó mất hết quyền lực và tài sản, thì Phật giáo cũng suy yếu dần ở vùng đất này. Trong các nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ có nguyên nhân “thành thị hóa” của Phật giáo, tức là Phật giáo quá tập trung vào thành thị mà thiếu sự quan tâm đến vùng nông thôn. Điều này không phải không có lý. Những người hoằng pháp thời này không thể không nghĩ đến điều này.
Tháp thờ Xá lợi Phật ở Vesali.
Sau khi Đức Phật diệt độ, những người Licchavi ở Vesali đã đến vương quốc của dòng tộc Malla để thỉnh một phần xá-lợi của Ngài. Họ cho dựng tháp để tôn thờ xá-lợi, và ngôi tháp này đã được ngài Huyền Trang nhắc đến trong ký sự của mình khi đến chiêm bái nơi đây. Vesali cũng là nơi đã cất giữ y bát của Đức Phật. Khi Đức Phật rời nơi này để đến nhập diệt ở Kusinagar, những người Licchavi và dân chúng sụt sùi rơi lệ đi theo Ngài. Đức Phật vì không muốn họ đi theo nên đã trao bình bát và khuyên họ hãy trở lại Vesali. Thần dân Vesali đã mang lấy y bát của Thế Tôn và quay trở lại kinh thành. Bình bát này cũng được ngài Pháp Hiển nhắc đến. Trong khi ở Sri Lanka, ngài Pháp Hiển nghe một Tăng sĩ người Ấn nói rằng, bình bát của Đức Phật vốn được cất giữ ở Vesali, nhưng sau đó được đưa đến Magadha (Ma-kiệt-đà). Nhưng nguyên nhân vì sao bình bát được đưa đến đó thì vẫn không được nói. Kunningham thì cho rằng bình bát do vua Kanishka hoặc người nối ngôi Huvishka mang đi.
Sau thời Đức Phật, Vesali đã bị A-xà-thế (Ajatasattu) nước Magadha đánh chiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến này nhưng trong đó kinh tế là yếu tố quyết định, vì cả Vesali và Magadha đều nằm cận sông Hằng, cùng hưởng những nguồn lợi do dòng sông mang lại, đặc biệt là cửa ngõ giao thương. Về sau người kế vị A-xà-thế là Nandivardhan đã thiết lập kinh đô của Magadha tại Vesali. Magadha đã cai trị Vesali cho đến thời kỳ Shunga Vansha, sau đó những người Licchavi đã giành lại được vương quốc của mình.
Một trăm năm sau khi Đức Phật diệt độ, Vesali là nơi đã diễn ra kỳ kiết tập thứ hai. Kỳ kiết tập này được tổ chức tại Valikarama do có sự tranh cãi về mười vấn đề do những người Vijjiputtaka khởi xướng. Kỳ kiết tập này được đề cập trong Luật tạng, trong những sử ký của Sri Lanka và một vài tác phẩm của Tây Tạng. Sự việc liên quan đến những tranh cãi về việc sửa đổi một số giới luật. Một số Tỳ-kheo thì muốn giữ nguyên những gì Đức Phật đã dạy. Trong khi một số Tỳ-kheo khác muốn thay đổi một số điều luật để cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, nhất là những điều kiện kinh tế tại một nước như Vesali.
Kỳ kiết tập này được xem là đánh dấu một sự kiện quan trọng. Chính từ đây Phật giáo đã hình thành nên hai bộ phái chính: Đại chúng bộ (Mahasanghika) và Thượng tọa bộ (Sthaviravāda). Đại chúng bộ thì phát triển về vùng Bắc Ấn. Còn Thượng tọa bộ thì sinh hoạt ở vùng Nam Ấn. Sự phân chia này chỉ do những bất đồng về giới luật, còn giáo nghĩa thì vẫn còn thống nhất. Tuy vậy đó cũng là cơ sở để hình thành nên hai truyền thống Phật giáo về sau.
Sau kỳ kiết tập lần thứ hai, lịch sử về Vesali không được biết đến mãi cho đến thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khi vua Ashoka đến chiêm bái nơi này. Vesali nằm trên con đường từ Pataliputta (Hoa Thị thành) đi Capilavastu, và vua Ashoka có thể đã đi theo con đường mà Đức Phật đã đến Kusinagar. Tại Vesali nhà vua đã viếng thăm tháp Ardhanga thờ Tôn giả Ananda và cho dựng một trụ đá ở đó. Trên đầu trụ đá có tượng một con sư tử, mặt hướng về Kusinagar, nơi Đức Phật nhập Niết-bàn. Ashoka cũng cho xây ở đây một ngôi tháp và đã đem một phần xá-lợi của Đức Phật ở Vesali về đây thờ.
Tháp thờ tôn giả Ananda và trụ đá do vua Ashoka dựng.
Ngài Pháp Hiển đến Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ năm, trên đường từ Pataliputta đi Kapilavastu cũng đã viếng thăm nơi này. Nhưng những gì ngài ghi chép lại ít nhiều mang màu sắc huyền thoại và vắn tắt, tuy vậy đó vẫn là những thông tin có giá trị về Vesali giai đoạn thế kỷ thứ năm. Ngài Pháp Hiển cũng có đề cập đến Kutagarasala, Mahavana (Đại Lâm), khu vườn xoài của Liên Hoa Sắc, và tháp Ardhaga thờ xá-lợi Tôn giả Ananda. Nhà chiêm bái có đề cập đến địa điểm tổ chức kỳ kiết tập thứ hai mà ở đó người ta có xây một ngôi tháp để đánh dấu, và cũng có đề cập đến sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn, nhưng những gì ngài mô tả về việc phân chia xá-lợi thì có khác với kinh Mahaparinibanna. Lúc ngài Pháp Hiển đến, bấy giờ Vesali đang thuộc thời kỳ Gupta. Chandra Gupta, người sáng lập nên vương triều Gupta đã kết hôn với công chúa Kumardevi của Licchavi. Và do sự kết hôn này mà Vesali đã sáp nhập vào Gupta. Những vị vua sau đó của dòng họ Gupta đã có những mối liên hệ rất mật thiết với Vesali. Điều này được các sử gia đoán định dựa trên những đồng tiền, tượng… mang dấu ấn thời kỳ Gupta được tìm thấy ở nơi này.
Ngài Huyền Trang đến đây vào thế kỷ thứ bảy đã mô tả chi tiết hơn về Vesali. Ngài mô tả vùng đất này có chu vi 5 ngàn dặm. Có nhiều hoa quả, đặc biệt là xoài và mía. Thời tiết ôn hòa. Dân chúng thuần hậu, thích làm phước, nhưng tín ngưỡng thì hỗn tạp. Bấy giờ ở đây vẫn còn Tăng chúng tu học, tất cả đều theo Chánh lượng bộ. Chùa viện có hơn một trăm ngôi nhưng hầu hết đều đổ nát, chỉ còn 35 ngôi còn nguyên vẹn. Ngài đề cập đến nhiều chùa tháp ở đây, gồm có ngôi tháp do vua Ashoka xây; tháp tưởng niệm nơi Đức Phật thuyết kinh Duy Ma; bảo tháp đánh dấu nơi Đức Phật thuyết bài pháp cuối cùng trước khi rời Vesali để đi Kusinagar; bảo tháp đánh dấu nơi Tôn giả Xá-lợi-phất chứng đắc đạo quả do vua Vesali xây; bảo tháp thờ xá-lợi của Tôn giả Ananda; bảo tháp đánh dấu nơi bà Kiều Đàm Di chứng ngộ.... Ngoài ra nhà chiêm bái cũng có nhắc đến nhà Trưởng giả Duy Ma Cật; khu vườn của Liên Hoa Sắc, hồ Markatahrada. Phía Nam hồ nước Markatahrada, ngài nhìn thấy một ngôi tháp, mà theo ngài đó là nơi chú khỉ đã mang lấy bình bát của Đức Phật rồi leo lên cây và đặt mật vào bát cho Ngài. Huyền Trang cũng có đề cập đến trụ đá vua Ashoka. Nhưng toàn cảnh Vesali bấy giờ đều chìm trong sự đổ nát, hoang vắng. Ngài Huyền Trang cũng thuật lại rằng, bấy giờ ở đây những người tu theo Kỳ-na giáo rất đông. Điều đó cho thấy rằng Kỳ-na giáo rất hưng thịnh vào thế kỷ thứ VII tại đây, trong khi Phật giáo đã bị suy yếu. 26 năm sau ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh cũng thực hiện một cuộc chiêm bái đến Ấn Độ. Ngài đã đến nhiều nơi liên quan đến cuộc đời Đức Phật trong đó có cả Vesali, tuy vậy ngài đã không nói gì nhiều về vùng đất này.
Sau ngài Huyền Trang, lịch sử về Vesali hầu như không còn được biết đến mãi cho đến thế kỷ XIX, khi các nhà khảo cổ tìm về vùng đất này. Năm 1861, nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham căn cứ vào hai cuốn ký sự của ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đã tìm đến Vesali và xác định rằng khu vực ngôi làng Bashadh chính là Vesali xưa. Ông đã khai quật những di tích cổ ở nơi đây và đưa Vesali trở lại bản đồ thế giới. Năm 1950, Vesali được khai quật tổng thể và người ta phát hiện ra được trụ đá và ngôi tháp do vua Ashoka dựng. Năm 1962, Tiến sĩ A.S. Altekar đã khai quật lại vùng đất này và tìm thấy được chiếc bình đựng xá-lợi của Đức Phật. Chiếc bình này hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Patna.
Những nơi cần chiêm bái ở Vesali
Di tích còn lại hiện nay là tinh xá Kutagarasala, nơi Đức Phật thường cư trú mỗi khi ngài đến Vesali. Ngôi tháp này do những người Licchavi xây. Trên nền gạch đổ nát của khuôn viên, nổi bật lên tháp thờ Tôn giả Ananda và trụ đá do vua Ashoka dựng vào thế kỷ thứ ba. Trong tất cả những trụ đá do vua Ashoka dựng thì trụ đá ở Vesali là còn nguyên vẹn nhất. Cách tháp thờ xá-lợi chừng vài trăm mét là hồ Abhisheke Pushkarini (hồ Đăng Quang). Tương truyền, nước ở hồ này thường được sử dụng trong các lễ phong vương.
Cách Kutagarasala 3km là tháp thờ xá-lợi Đức Phật (Relic Stupar). Ngôi tháp này do những người Licchavi xây dựng để thờ phần xá-lợi mà họ thỉnh được từ Kusinagar. Ngôi tháp hiện nay nằm ở làng Kesariya. Gọi là tháp chứ thực sự nơi đây không còn gì ngoài một nền gạch. Khi chúng tôi đến thì nơi này vừa mới lụt xong nên nền tháp bị ngập chìm dưới nước. Bên trên nền gạch, người ta làm một mái vòm để bảo vệ nền tháp. Dù chỉ là nền gạch, nhưng vì là một di tích lịch sử quan trọng nên được bảo quản và có người canh giữ.
Tháp Vshwa Shanti (tháp Hòa Bình) là một ngôi tháp do phái Liên Hoa (Nipponzan Myohoji) của Nhật xây. Kiến trúc theo mô hình tháp Sanchi. Trong tháp có thờ một phần xá-lợi của Đức Phật được tìm thấy ở Vesali. Ngôi tháp lớn, nằm bên hồ nước Abhishek, mà hiện tại cũng do Nhật Bản đầu tư sửa chữa, trông rất nổi bật, ấn tượng. Và có lẽ đây cũng là một trong những chùa tháp đẹp nhất tại Vesali hiện nay. Quanh hồ nước này khách sạn cũng bắt đầu mọc lên. Có lẽ để đáp ứng nhu cầu cho khách hành hương.
Tháp Hòa bình do Phật giáo Nhật Bản xây dựng ở Vesali.
Cũng như những thánh tích chúng tôi đã đi qua, Vesali là một vùng đất nghèo. Dân chúng đều là nông dân. Điều kiện vệ sinh rất thấp. Con người sống rất gần gũi với thiên nhiên những cũng có gì đó man khai. Người và súc vật không có khoảng cách về nơi ở. Người ta buộc trâu bò ngay nơi cửa nhà, và heo, dê thì bình thản tung tăng đầu đường cuối ngõ…
Chúng tôi chỉ ở lại Vesali một ngày. Một ngày hẳn không đủ để chứng kiến những vấn đề khác nhau của một vùng đất. Nhưng chúng tôi đến nơi này không phải để tìm hiểu về cuộc sống cũng như con người ở đây mà chỉ để tìm về một vùng đất nơi đó ngày xưa Đức Phật đã từng du hóa và thuyết giảng nhiều bài kinh cũng như chế định nhiều giới luật. Đứng giữa một vùng đất phế đổ, vẫn biết thế gian vô thường quốc độ nguy thúy, nhưng vẫn cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ về những người xưa.
Cách đến Vesali
Chúng ta có thể đến Vesali bằng những phương tiện khác nhau: xe hơi, tàu lửa và máy bay. Sân bay gần nhất nằm ở Patna, thủ phủ của bang Bihar, cách Vesali vào khoảng 55km. Ga xe lửa cách Vesali vào khoảng 35km. Về đường bộ, có lẽ tuyến đường thích hợp nhất là từ Patna, nhưng Vesali cũng có những tuyến đường nối với các thành phố khác của bang Bihar. Còn sau khi đã đến Vesali, rickshaw máy có lẽ là phương tiện giao thông thuận tiện nhất để tham quan các địa danh trong vùng. Thời điểm thích hợp để viếng thăm Vesali là từ tháng 10 đến tháng 3. Những tháng còn lại rơi vào mùa hè và mùa mưa nên không thích hợp để thăm viếng. Nhiệt độ vào mùa hè ở Vesali có khi vượt qua khỏi 45oC. Về nơi ở, ta có thể ở khách sạn hoặc lưu trú tại các chùa ở đây.