Vị “cứu tinh” của người nghèo ấp Tắc Gồng

GN - Với người nghèo, đặc biệt là các hộ Khmer nghèo ở xã vùng sâu Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), từ lâu, ông Lâm Văn Phấn ngụ tại ấp Tắc Gồng đã được xem là tấm gương tiêu biểu về lòng từ bi. Bởi ông là người luôn tràn đầy lòng nhân ái, giúp đỡ người khác với tất cả nhiệt huyết, như giúp người nghèo xây nhà, hỗ trợ viện phí cho hộ nghèo, xây cầu cho người dân đi lại, tặng gạo…

Nhiều năm qua, ông Phấn luôn được người dân ở đây yêu mến, kính trọng và được chính quyền các cấp đánh giá cao, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất cần những con người biết sống và hết lòng vì cộng đồng như ông.

XHo (2).jpg
Ông Lâm Văn Phấn bên tấm bằng khen do UBND tỉnh Sóc Trăng tặng

Nói về người con đất Sóc Trăng, ông Trương Văn Tững, Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: “Nhiều năm qua, ông Phấn được biết đến với những việc làm thiện nguyện, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là nhiệt tâm giúp đỡ các hộ gia đình thuộc xã nghèo, đồng bào Khmer.

Xã Tham Đôn có 80% người Khmer sinh sống, những việc làm của ông Phấn góp phần rất lớn trong việc cùng chính quyền giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy sự chí thú làm ăn với các hộ nghèo. Chỉ tính riêng năm 2013, ông Phấn đã phát tặng gần 23 tấn lúa cho người nghèo ở xã, cũng như hỗ trợ hàng năm khoảng 150 triệu đồng cho người nghèo”.

Cũng cơ cực và vất vả như bao người khác trong những ngày đầu lập nghiệp nhưng nhờ sự chí thú làm ăn, sự tằn tiện nên ông Phấn mới có được vốn liếng và ruộng rẫy đề huề như ngày hôm nay. Nhờ biết cách làm ăn nên từ 8 công đất của cha mẹ chia cho lúc lập gia đình đến nay, ông Phấn đã có trong tay 60 công đất ruộng. Nhờ cơ nghiệp vững chãi như thế, ông càng “mát tay” hơn trong việc giúp đỡ những hộ nghèo tại địa phương.

Chia sẻ về những việc làm từ thiện của mình, ông Phấn cho biết: “Bà con xung quanh ai cũng còn nghèo hết, nếu mình có của ăn, của để hơn người thì mình giúp người để tích đức cho con cháu sau này, còn trước mắt thì giúp người nghèo để họ vượt qua được hoàn cảnh khốn cùng”.

Nói là làm, ông đã dành một phần diện tích đất của mình với 2 công đất để trồng cây bạch đàn, 2 công đất rẫy trồng chuối, rau cải, nuôi cá… để khi các hộ nghèo cần cây cất nhà thì ông cho cây làm nhà; hộ nghèo không có cơm ăn thì ông cho gạo; người nghèo không có tiền trị bệnh thì ông giúp tiền đi điều trị… Bởi vậy, hầu như người nghèo ở ấp Tắc Gồng ai cũng mang ơn ông vì được ông giúp đỡ.

Chị Trần Thị Sà Rươl, người thường được ông Phấn giúp đỡ, chia sẻ: “Gia đình tôi đã mang ơn ông Phấn rất nhiều, không thể nào nói hết được, cũng không biết khi nào mới trả ơn ông được. Với gia đình tôi, chú Phấn như là vị “Phật sống”, là cứu tinh, là bậc sinh thành của cả gia đình”.

Chị Lâm Ma Ry Ca, thuộc một hộ Khmer nghèo gần nhà ông Phấn cho biết: “Mới đây, con tôi bị bệnh sởi không có tiền đưa đi bệnh viện, ông Phấn đã đến nhà đưa 300.000 đồng để tôi đưa con đi điều trị. Bây giờ, con tôi đã khỏe trở về. Gia đình tôi chẳng biết nói thế nào để cảm tạ ân tình của ông”.

Không chỉ giúp đỡ mọi người vượt qua cơn khó khăn, ông Phấn còn là người đứng đầu trong  việc đóng góp và vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, ông đã vận động người dân và dòng họ của mình đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn với hơn 1.000m đường giao thông, 3 cây cầu bê-tông nông thôn. Không chỉ vậy, ông còn đứng ra xây dựng 80 cột cờ ngay tại ấp Tắc Gồng để chào mừng các ngày lễ lớn, góp phần tô đẹp thêm cho phum sóc.

Chia sẻ với chúng tôi về những dự định sắp tới, ông Phấn cho biết: “Con thì thành đạt và có cuộc sống khá giả nên tôi đã yên tâm. Giờ tôi đang chuẩn bị xây cầu mới dài hơn 20m và đoạn đường bê-tông dài hơn 250m nối giữa ấp Sông Cái và ấp Tắc Gồng. Khi làm xong, bà con buôn bán cũng thuận lợi, học sinh đi lại cũng dễ dàng và an toàn hơn. Làm được một việc thiện giúp mọi người là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi, đi đến đâu cũng được bà con chào đón đúng là vui, hạnh phúc không sao tả được”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày