Vị Ni sư gieo mầm xanh cho cuộc sống

GN - Nép mình bên con rạch nhỏ thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ngôi chùa nhỏ mang tên Tam Bảo không chỉ là chốn tâm linh, nơi tu học của bà con trong vùng, đây còn là địa chỉ “đỏ” mà mỗi khi khó khăn, bà con hay tìm tới. Nơi đó có vị Ni sư luôn nỗ lực, sử dụng mọi phương tiện, dốc hết sức mình để đem đến cuộc sống an vui, lợi lạc nhất cho bà con và được người dân nơi đây rất thương yêu, kính mến.

Điểm tựa của Phật tử, người nghèo

Chúng tôi tìm đến chùa Tam Bảo vào những ngày đầu mùa hạ, đó cũng là thời gian NS.Thích nữ Như Tịnh tổ chức khóa tu mùa hè cho các em thanh thiếu niên Phật tử trong vùng. Ngôi chùa với diện tích khá khiêm tốn so với các ngôi chùa vùng quê, nhưng thu hút đến 400 em về tu học.

Đó là danh sách các em đăng ký và về chùa tu chính thức, còn những em chưa đến tuổi để tham gia, được ba mẹ chở đến chùa dự thính - “tu ké” cũng rất nhiều. Đứng đợi trước cổng chùa, chờ đến giờ rước con về, chị Hoa cho biết: “Có khóa tu như vầy đỡ lắm đó cô, bởi hiện nay tệ nạn xã hội nhiều quá mà đôi khi mình không đủ kiến thức để hướng dẫn cho con. Xóm này có một gia đình buôn bán, hút chích ma túy, cả xóm ai có con nhỏ đều lo lắng. Nhờ có khóa tu như thế này, con mình tham gia nó biết được cái gì tốt mà làm, cái gì xấu mà tránh xa. Tôi nghĩ, không phải dễ gì mà tổ chức được khóa tu an toàn, có ý nghĩa thế này đến tận bốn ngày cho tụi nhỏ. NS.Thích nữ Như Tịnh đã cố gắng mở ra thì giá nào tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian đưa, rước con”.

ANH a (2).JPG

NS.Thích nữ Như Tịnh chuẩn bị quà cho học sinh

Hỏi ra mới biết, những trăn trở của phụ huynh học sinh và bà con Phật tử nơi đây chính là lý do mà suốt 4 năm nay, Ni sư Như Tịnh luôn cố gắng, vận động các nơi để xin kinh phí tổ chức khóa tu mùa hè cho các em. Để tổ chức được khóa tu như thế này cho các em trong bốn ngày, kinh phí gói ghém lắm là 120 triệu.

Với số tiền này, Ni sư vừa phải trích từ tiền bán trái cây mà nhà chùa trồng được, vừa phải đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm. “Khóa tu năm nay, tôi không ngờ tổ chức được suôn sẻ, vì chùa không đủ kinh phí. Từ lúc mà “Đoàn dâng hoa Hữu Thiện” báo là sẽ giúp tài chính cho các em tu học và tặng quà, tập vở cho các em học sinh, cho đến lúc diễn ra khóa tu, thời gian chưa đầy ba tuần. Lo xong tất cả các thủ tục hành chính, xin phép được chính quyền địa phương, bản thân tôi rất mừng. Các em vừa được nghỉ hè là hầu như ngày nào phụ huynh cũng đến hỏi Ni sư ơi, chừng nào mình tổ chức khóa tu vậy Ni sư”.

Và khi tổ chức được khóa tu rồi, như lời một phụ huynh chia sẻ: “Ni sư mừng một chứ phụ huynh tụi tui ở đây mừng gấp đôi, gấp ba”. Hỏi vì sao vậy? Một cô Phật tử đưa con đến chùa tu học vui vẻ cho biết: “Mừng thứ nhất là ở chùa dạy điều hay lẽ phải, giúp tụi nhỏ phân biệt được những điều tốt, xấu. Mừng thứ hai là, ở chùa dạy gì là về nhà thằng nhỏ làm theo răm rắp, lễ phép với cha mẹ, lo học hành nghiêm túc, không dám trốn học chơi game, không dám đụng đến thuốc hút. Đặc biệt là ai nhờ cầm cái gì đưa cho ai đó mà không quen biết, nó cũng không dám nhận. Gia đình cho đi tu một mùa là con về có nhận thức khác hẳn nên nghe chùa mở khóa tu, nói thiệt là tôi mừng lắm”.

Chính vì những lợi ích thiết thực, hiệu quả tích cực như vậy nên Ni sư Như Tịnh làm đơn xin phép tổ chức khóa tu mùa hè cho các em thanh thiếu niên tại chùa, cơ quan chức năng đồng ý ngay.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Đức Tây cho biết: “Với chính quyền địa phương, Ni sư Như Tịnh rất có uy tín, khi Ni sư xin mở khóa tu mùa hè cho các em là chúng tôi duyệt liền. Mở được khóa tu bổ ích như vậy, vừa tạo sân chơi cho các em, vừa giúp các em trau dồi kiến thức, kỹ năng sống để bảo vệ bản thân, sống có đạo đức. Không riêng gì phụ huynh học sinh mà những người làm công tác như chúng tôi cũng rất mừng”.

Người cống hiến trọn đời cho một lý tưởng

Trong cuộc đời ai cũng giống nhau ở điểm là được sinh ra, lớn lên và trở về cát bụi nhưng điểm khác biệt là thái độ sống của mỗi người, quan trọng nhất là đã sống và làm gì cho xã hội. Vừa lọt lòng mẹ, đã trở thành trẻ mồ côi, may mắn hơn những đứa trẻ khác, Ni sư Như Tịnh được sư bà sáng lập chùa Tam Bảo, thương yêu, nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người. Rồi như nhân duyên, khi sư bà viên tịch, tiếp nối hạnh nguyện của người đi trước, Ni sư Như Tịnh đã phát nguyện phụng sự đạo pháp, dìu dắt người dân hướng thiện, chỉ dẫn Phật tử tu học theo lời Phật dạy, với tấm lòng từ bi, hoan hỷ.

Người dân nơi đây luôn đồng hành cùng Ni sư qua các công tác của chùa với sự nhiệt tâm, nhiệt tình. Câu nói mà nhiều người dân đồng ý kiến nhất là: “Ở đây người dân có hữu sự gì, khó khăn hay cần gì là Ni sư liền giúp đỡ”. Từ ngày đảm nhiệm trụ trì chùa Tam Bảo, việc gì có lợi ích cho bà con Phật tử là Ni sư luôn nỗ lực thực hiện. Nhà ai không có gạo ăn, đến xin là Ni sư giúp đỡ. Nhà cháy, người dân cũng đến xin Ni sư giúp đỡ.

“Chúng tôi thương nhất là có một lần, người dân bệnh cần nhập viện mà không có tiền, Ni sư cũng không có, lúc đó sầu riêng vườn chùa trái còn xanh, thương lái chưa mua. Lúc đêm hôm khuya khoắt, Ni sư phải đi khui tất cả các thùng Tam bảo, rồi thầy trò ngồi đếm từng tờ năm ngàn, mười ngàn, gom lại chưa đủ một triệu. Ni sư đưa hết để gia đình chuyển bệnh nhân đến viện. Sáng hôm sau, Ni sư đi mượn tiền giúp tiếp. Với người nghèo như chúng tôi, Ni sư không khác gì vị Bồ-tát, luôn dang tay cứu giúp chúng tôi trong lúc khó khăn nhất. Vì lẽ đó, bà con lối xóm đều rất thương và kính trọng Ni sư”, một cụ già sống gần chùa trải lòng.

Trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi được biết thêm, không chỉ quan tâm đến công tác hoằng pháp, gieo duyên lành Phật pháp cho thế hệ trẻ, Ni sư còn tổ chức đạo tràng tu học cho người lớn tuổi. Như đã thành thông lệ, 21 năm nay, mỗi tháng hai lần, Ni sư đều tổ chức khóa tu cho Phật tử. Mặc dù đạo tràng tu học với số lượng khiêm tốn, khoảng 25 Phật tử nhưng chương trình tu học luôn diễn ra trang nghiêm, Phật tử đến với đạo tràng tu học đều tìm được sự an vui, thanh thản.

Ở vùng quê còn nghèo này, để thực hiện được các công tác Phật sự như Ni sư Như Tịnh đã và đang làm được, thật sự không phải là điều dễ dàng. Nhưng suốt 32 năm nay, Ni sư luôn hết mình cống hiến làm đẹp cho đời, dâng những hương hoa tươi sắc cho đạo pháp và truyền nguồn năng lượng, nhiệt huyết dám dấn thân, cống hiến cho nhân sinh đến thế hệ Tăng Ni trẻ.

Như lời TT.Thích Thiện Lưu, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhận định: “Là Ủy viên Thường trực BTS PG huyện Cái Bè nhiều nhiệm kỳ, không chỉ làm tốt công tác hành chánh Giáo hội, Ni sư Như Tịnh còn là một người năng nổ. Ni sư chủ động trong công tác Phật sự với cương vị là một vị trụ trì, dấn thân phụng sự trong công tác hoằng pháp, từ thiện xã hội. Mặc dù tuổi đã ngoài 50 nhưng việc lớn nhỏ gì ở chùa cũng đều do một tay Ni sư tự quán xuyến, quản lý tốt trong, ngoài. Ni sư là vị trụ trì duy nhất ở địa phương tự tạo nguồn tài chính từ việc trồng cây ăn trái để nuôi chúng, nuôi trẻ mồ côi, giúp những mảnh đời khó khăn, tổ chức khóa tu cho thanh thiếu niên, người già lớn tuổi. Những đóng góp của Ni sư Như Tịnh không chỉ được GHPGVN huyện Cái Bè ghi nhận mà những việc làm tích cực của Ni sư còn là tấm gương cho nhiều Tăng Ni trẻ noi theo”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày