Vị Sư bà 92 tuổi vẫn không nguôi nỗi nhớ về mẹ: “U và ngôi chùa quê”

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong một lần được hầu chuyện với vị Ni trưởng Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN về những ký ức ở chùa thời thơ ấu, người viết được vị Ni trưởng đã ngoài cửu thập cho biết đến giờ vẫn còn nhớ về u - người mẹ thân yêu của mình.

“Người đã sinh ra mình, sao lại quên được”, thực tế thì dòng cảm xúc từ quá khứ ở chốn thiền môn của Sư bà Phước Hải giờ chỉ đọng lại ở những câu chuyện rất nhỏ mà đậm sâu… về người u thân thương và ngôi chùa làng quê thuở nhỏ. Sư bà bảo đó là thứ ký ức “sống để bụng, chết mang theo”.

***

Tôi là người làng Phúc Điền, chùa Phúc Điền cũng là nơi gia đình, u tôi thường đến (hiện nay thuộc làng Phúc Điền, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Tôi thường được bà nội, u dẫn đi chùa làng nghèo. Thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp Sư cụ và rất thích được ở chùa.

Tôi hay nhớ về chùa Phúc Điền là vào dịp Tết, chùa chỉ chưng mấy nải chuối xanh cúng Phật. Tiết trời mùa Tết miền Bắc rất lạnh, tôi cũng được theo bà đi chùa, từ trên chùa nhìn xuống làng quê cứ nhấp nhánh ánh đuốc do các thanh niên bó đuốc đi đường.

Tôi còn nhớ, những người làng đi chùa tự mang thẻ hương, tự cắm vào bát hương của nhà chùa rồi gần giao thừa, họ mang về nhà làm lộc cho năm mới. Từ chùa về làng, con đường dài hơn 1 km, cứ thế thấp thoáng bóng đuốc như đom đóm nhấp nhô trong đêm. Đó là cảnh tượng mà tôi cứ nhớ về con đường làng đến chùa Phúc Điền.

Ông nội tôi là nhà Nho, am hiểu về Tây học, gia đình trung lưu, nhưng bà với u là người rất thâm tín đạo Phật. Nhà ông bà nội tôi gần chùa làng quê chỉ vài cây số nên nội và u thường dắt tôi đến chùa đảnh lễ Đức Phật. Rồi 8 tuổi tôi được u đưa vào chùa gởi cho Sư cụ, dù ông nội phản đối. Rời u từ quá nhỏ nên u rất thương. U cứ lén đến chùa nhìn tôi rồi gọi chú bé, chú bé. Tôi cũng nhớ u lắm nhưng không dám lại gần, sợ Sư cụ mắng.

U thương tôi còn bé ở chùa lại phải đi chăn trâu vất vả nên thường lén đến chùa thăm. Nhà tôi dệt vải, nên cứ mỗi lần về chùa, u lại mang vào chùa vài khúc vải ú thô, để may áo cho tôi và các điệu khác. Để có màu nâu nâu, Sư cụ đem mấy khúc vải thô giậm xuống bùn dưới ruộng sau vườn chùa. Để vải thấm thật lâu mới có màu xám tro, giặt sạch rồi nhờ người biết may, khâu tay cho, mới thành quần áo để điệu mặc.

Mỗi bữa xơi cơm ở chùa tôi cũng thường nhớ đến u. Thời ấy, mấy chú điệu như tôi chưa thụ giới, đang tuổi ăn tuổi lớn, thường ham chơi và luôn cảm thấy đói. Ở chùa không đủ cơm ăn, thay vì ăn 3 bát cơm độn khoai thì chỉ ăn được một bát. Sư cụ và các điệu ăn toàn là cơm độn thêm khoai với rau muống luộc. Món ăn ngon nhất của chúng tôi là món rau muống xào với bã lạc. Bởi vậy, đó là lý do tôi rất nhớ u. Mỗi lần u đến chùa, thường lén Sư cụ mang theo cho tôi chiếc bánh nhỏ gói trong lá sen. Thành ra mỗi lần bưng bát cơm độn khoai, tôi lại nhớ đến u là vậy.

Mấy chú điệu chúng tôi thường được Sư cụ giao việc cắt cỏ, nhổ cỏ ở vườn chùa, quét lá ở sân, hái rau, đi chợ. Tôi và một điệu nhỏ thì được đi chăn trâu ngoài bãi tha ma, đi hái rau đưa ra chợ bán. Chúng tôi rất thích. Từ tờ mờ sáng, chúng tôi ra ruộng cắt rau muống, đội ra chợ làng bán rồi đi về chăn trâu.

Nhưng so với việc bán rau thì tôi vẫn thích đi chăn trâu hơn, vì lẽ rau tôi bán luôn ế ẩm. Tuy không thích đi bán rau nhưng điều thôi thúc tôi đi chợ là kiểu gì tôi cũng được gặp u trên đường. Biết tôi ra chợ, u sẽ lén đứng chờ ở góc đường, lúc thì dúi cho nắm xôi, lúc thì cái bánh lá. U sẽ ôm tôi chặt, rồi bảo tôi chạy thật nhanh về chùa.

Tối đến, sau thời quản thúc của mấy thầy lớn trên điện Phật để chúng tôi ê a tụng kinh, vào giờ đi ngủ, mấy điệu chúng tôi lại vùi đầu vào đụn rơm sau gian bếp. Ngày mùa, rơm bắt đầu khô, chúng tôi đánh thành đống lên để dành cho mùa rét. Đợi các thầy đi ngủ cả, mấy điệu lại lấy rơm trải ra cái gian gần bếp rồi nằm xuống, lấy rơm khô đắp lên người cho ấm mà ngủ ngon lành. Những đêm mùa đông miền Bắc rét cóng người. Chúng tôi ngủ vùi trong hơi ấm của rơm rạ như vậy rất ngon lành dù không hề có tấm chiếu, tấm chăn...

Biết tôi ra chợ, u sẽ lén đứng chờ ở góc đường, lúc thì dúi cho nắm xôi, lúc thì cái bánh lá. U sẽ ôm tôi chặt, rồi bảo tôi chạy thật nhanh về chùa...

Tôi sinh năm 1931, vào chùa được vài năm thì nạn đói ở miền Bắc xảy ra. Ám ảnh về hình ảnh chú điệu bị chết đói ở chùa, u dặn tôi có đi đâu thì tạt qua nhà ăn chén cháo loãng cho đỡ lòng. U sẽ gói cho nắm cơm mang theo. U tôi vừa lo lắng vừa thương nhưng cũng đành lòng cho tôi trở lại chùa với Sư cụ. Tôi cũng tỏ ra rất quyết tâm ở chùa để tu cho thành Phật. Dù chưa được cạo tóc nhưng trong tâm tôi lúc nào cũng muốn tu để trở thành Phật. Thành Phật rồi thì không còn khổ nữa, không còn thấy cảnh người ta chết đói ngoài đường nữa.

Năm tháng cứ đưa thoi như vậy. Cuộc đời tu tập của tôi gắn với nhiều nhân duyên thuận nghịch khác nhau. Việc được đi tu học theo tâm nguyện của tuổi trẻ muốn dấn thân phụng sự khiến tôi xa u mãi mãi. Đó là năm 1951 tôi được Thầy cho ra Huế tu học ở chùa Diệu Đức, Báo Quốc, xung phong làm y tá thiện nguyện tại một bệnh viện ở cố đô Huế để giúp đỡ những Phật tử bệnh đau không người thân chăm sóc.

Khoảng trong 7 năm tu học ở Huế, tôi được tin u mất giữa lúc đang chăm sóc các Phật tử không người thân. Nhận diện được nhân duyên ở đời là vô thường như vậy nhưng lòng tôi vẫn rất đau. Thương u nhưng tôi phải gạt đi nước mắt. Tôi không thể trở về quê nhà giữa thời cuộc có nhiều bất trắc lúc bấy giờ. Điều đó khiến tôi day dứt mãi.

Bây giờ mỗi mùa Vu lan - Báo hiếu đến, nhìn các cháu nhỏ mồ côi, tôi lại thương chúng, rồi nhớ đến u...

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện (92 tuổi), Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, trụ trì chùa Phước Hải (TP.HCM), chùa Dưỡng Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày